Ông Trump đã tuyên bố kế hoạch phát triển quân sự quy mô lớn, tái khẳng định lập trường về chống chủ nghĩa khủng bố và niềm tin vào khả năng cải thiện chính sách nhập cư.
Tổng thống Mỹ một lần nữa nhắc trước toàn thể Quốc hội Mỹ về "tổn hại" mà hoạt động thương mại quốc tế gây ra đối với nền kinh tế nước này, đặc biệt đề cập Trung Quốc. Ông nhắc đến việc áp thuế quan lên hàng nhập khẩu từ nước ngoài nhằm tăng vị thế thương mại của Mỹ, nhưng không cung cấp nhiều chi tiết.
"Chúng ta đã mất hơn 1/4 việc làm trong lĩnh vực sản xuất kể từ khi Hiệp định mậu dịchTự do Bắc Mỹ (NAFTA) được thông qua, và chúng ta mất 60.000 nhà máy kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001," Trump nói với cử tọa ở Điện Capitol.
"Hiện nay khi chúng ta vận chuyển hàng hóa ra khỏi nước Mỹ, nhiều quốc gia khác buộc chúng ta trả thuế rất cao. Nhưng khi công ty nước ngoài đưa hàng vào Mỹ, chúng ta gần như không thu gì của họ."
Huo Jianguo, Phó chủ tịch Hội nghiên cứu WTO thuộc Bộ thương mại Trung Quốc, nói với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng Bắc Kinh nên sẵn sàng "cả về tinh thần lẫn thực tế" để đối đầu với Mỹ trong lĩnh vực thương mại. Ông Huo cho rằng đây chỉ còn là vấn đề về thời gian và quy mô các mâu thuẫn.
Tổng thống Trump phát biểu trước Quốc hội Mỹ (Ảnh: Xinhua)
Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Wang Huiyao bình luận, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang là khái niệm cốt lõi trong quan điểm của Trump, cũng như của cử tri đã bầu cho ông, về thương mại,
"Trump đã phớt lờ những cống hiến của Trung Quốc trong việc tạo ra việc làm mới ở Mỹ và duy trì giá tiêu dùng thấp trong nhiều năm trời," Wang nói. "Và đó là quan điểm mà ông đã có từ rất lâu."
Theo ông Huo, mặc dù quan điểm và tính cách Trump chưa bao giờ thay đổi, trên thực tế ông đã cho thấy một số biểu hiện mềm dẻo khi làm việc với Bắc Kinh, như chưa có bước tiến nào trong tuyên bố mạnh mẽ khi tranh cử rằng ông sẽ áp thuế 45% lên hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, hay định danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Trump cũng có động thái hòa dịu đáng kể khi tái khẳng định Mỹ cam kết tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc, trái với một số phát ngôn trước đó của ông rằng chính sách này "có thể được xem xét lại".
"Trump không thể hiện tình hữu nghị hay sự mềm yếu. Ông ấy không ngừng thử thách giới hạn cuối cùng của Bắc Kinh," Huo Jianguo nhận xét.
Sau cuộc điện đàm quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn 2 tuần trước, Trump đã hội kiện Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Nhà Trắng ngày 28/2. Ông Dương được cho là sang Mỹ với "sứ mệnh" thảo luận và sắp xếp cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước.
Ông Huo tin rằng, duy trì liên hệ nhưng vẫn công khai chỉ trích Trung Quốc cũng là một chiến thuật của "nhà thương thuyết" Trump.
Trong khi Tổng thống Mỹ tiếp tục đánh giá và định hình các chính sách thương mại của mình, Trung Quốc cần tranh thủ củng cố sợi dây liên hệ với chính quyền Trump, nhưng luôn phải sẵn sàng nhảy vào cuộc chiến thương mại mà không làm đổ vỡ quan hệ song phương - học giả người Trung Quốc nhận định.