VOA: Nga làm ngơ, để Trung Quốc thọc sâu vào "sân sau" vì không muốn kích động Bắc Kinh

Thủy Thu |

Theo truyền thông Mỹ, để tránh kích động Trung Quốc, các hoạt động của Nga ở sân sau vẫn còn rất khiêm tốn, điều này giúp Trung Quốc dễ dàng bước vào khu vực.

Trung Quốc ngày càng dấn sâu vào khu vực Nam Caucasus, ngoài những lợi ích kinh tế của sáng kiến Vành đai và con đường thì vấn đề an ninh ở Tân Cương cũng khiến Bắc Kinh tăng cường quan hệ với khu vực này.

Trong khi đó, khu vực Nam Caucasus coi Trung Quốc là một lực lượng đối trọng quan trọng khác, sau Nga và phương Tây. Tuy nhiên, VOA dẫn lời giới phân tích nhận định rằng, với tư cách là một "người ngoài cuộc", Trung Quốc chưa bao giờ là người chơi trong các cuộc chơi địa chính trị ở vùng Caucasus.

TQ đang quan tâm đến Nam Caucasus

Vào thứ Ba (20/10), Diễn đàn Con đường tơ lụa Tbilisi lần thứ ba khai mạc diễn ra trong hai ngày tại Georgia. Thủ tướng Giorgi Gakharia nói rằng, sự hợp tác với Trung Quốc và thực hiện dự án Vành đai và con đường là nhiệm vụ quan trọng nhất trong chính sách hợp tác của Georgia. Ông cho biết, Georgia là một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng và tham gia vào sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc.

Georgia, Armenia và Azerbaijan vốn nằm ở khu vực Nam Caucasus. Ba quốc gia thuộc Liên Xô cũ này bị kẹp giữa biển Caspian và biển Đen, được coi là một hành lang giao thông quan trọng khác, thay thế tuyến đường qua Nga, trong dự án Vành đai và con đường. Như vậy, sau khi được vận chuyển qua khu vực Trung Á, hàng hóa của Trung Quốc có thể vượt biển Caspian, đi qua Nam Caucasus và sau đó đến châu Âu.

VOA: Nga làm ngơ, để Trung Quốc thọc sâu vào sân sau vì không muốn kích động Bắc Kinh - Ảnh 1.

Trung Quốc đang thâm nhập vào Nam Caucasus - nơi được coi là sân sau của Nga. Ảnh cắt từ màn hình

TQ hưởng lợi từ chiến lược ngoại giao của Georgia

Georgia có một bến cảng tự nhiên trên bờ biển Đen. Tuyến đường sắt bắt đầu từ Azerbaijan qua Georgia đến Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được hoàn thành và thông xe, sẽ thuận tiện hơn cho hàng hóa Trung Quốc đến châu Âu. Do đó, nối tiếp Trung Á, Nam Caucasu đã "lọt vào mắt xanh" của Bắc Kinh.

Theo VOA, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ luôn bị ảnh hưởng bởi hệ thống tham nhũng và quan liêu. Hiện nay, Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili đã tích cực tiến hành loạt cải cách lớn trong thời gian cầm quyền, thảnh lập hệ thống cảnh sát, hải quan trong sạch, thực hiện các ưu đãi về thuế. Tất cả những điều kiện này trở thành chiêu bài quan trọng để Georgia thu hút đầu tư của Trung Quốc và các nước khác.

Ngoài việc mở Học viện Khổng Tử ở Georgia, Trung Quốc hiện đang tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực như phát triển bất động sản, quản lý cảng biển, khách sạn và tài chính. Georgia nổi tiếng với việc chế biến sản xuất rượu vang và Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu rượu vang lớn thứ ba của Georgia, sau Nga và Ukraine.

Mặc dù đang tích cực tìm cách gia nhập NATO nhưng điều này cũng không ngăn cản Georgia thúc đẩy ngoại giao với Trung Quốc. Georgia hiện có thỏa thuận thương mại tự do với cả liên minh châu Âu EU và Trung Quốc.

Azerbaijan là đối tác quan trọng nhất

Azerbaijan không chỉ nằm bên cạnh biển Caspian, mà còn sở hữu trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Điều này khiến Azerbaijan trở thành đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc ở Nam Caucasus. Khác với Georgia và Armenia, nhờ có doanh thu xuất khẩu năng lượng cao, Azerbaijan không cần hỗ trợ tài chính của Trung Quốc, đồng thời nước này còn có sức mạnh tài chính để mua vũ khí và các thiết bị khác của Trung Quốc.

Truyền thông địa phương cho biết, quy mô thương mại giữa Trung Quốc và khu vực Nam Caucasus vẫn còn nhỏ. Tuy nhiên, giao dịch giữa Trung Quốc và Azerbaijan đã chiếm hơn 40% quy mô giao dịch tại khu vực này. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện đang tiến vào Azerbaijan và gã khổng lồ viễn thông Huawei đang hoạt động rất tích cực trong khu vực này.

VOA: Nga làm ngơ, để Trung Quốc thọc sâu vào sân sau vì không muốn kích động Bắc Kinh - Ảnh 2.

Các sinh viên biểu diễn võ thuật Trung Quốc trong buổi lễ khánh thành Học viện Khổng Tử tại Đại học Tự do ở Tbilisi, Georgia, ngày 26/11/2010. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong những năm gần đây, Azerbaijan đã có những tương tác thường xuyên với Trung Quốc: Các quan chức cấp cao của hai nước liên tục thực hiện các chuyến thăm viếng lẫn nhau. Tổng thống Azerbaijan đã tham dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và con đường tại Bắc Kinh vào tháng 4 năm nay. Hai bên đã ký hơn một chục văn kiện tại thời điểm đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Zakir Gasanov vừa tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 và đã ký thỏa thuận với Trung Quốc về việc mở rộng hợp tác quân sự. Azerbaijan cũng đã mua sắm nhiều loại vũ khí của Trung Quốc nhân chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Bộ trưởng Gasanov. Ông này cũng đã gặp gỡ các chủ doanh nghiệp quân sự như China Poly.

Azerbaijan đã tìm cách mua vũ khí và thiết bị từ nhiều quốc gia khác nhau trong nhiều năm qua vì mâu thuẫn với Armenia.

Trong khi đó, Armenia là một quốc gia không giáp biển ở Nam Caucasus. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đến thăm Trung Quốc vào giữa tháng 5 vừa qua. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Armenia.

Ngoài việc thu hút vốn và đầu tư của Trung Quốc, Armenia đang tìm kiếm khách du lịch Trung Quốc và có kế hoạch thực hiện chính sách miễn thị thực cho công dân Trung Quốc. Do đó, sau Serbia và Belarus, Armenia sẽ trở thành quốc gia châu Âu thứ ba cung cấp ưu đãi miễn thị thực cho công dân Trung Quốc.

Có nhà báo địa phương nói rằng, mặc dù diện tích của Armenia khá nhỏ nhưng quy mô Đại sứ quán Trung Quốc ở nước này lại rất lớn và số lượng nhân viên cũng rất đông đảo. Điều này, cho thấy mức độ hoạt động của Trung Quốc ở Nam Caucasus.

Trung Á vẫn còn quan trọng nhưng Nam Caucasus liên quan đến an ninh ở Tân Cương

Sau cuộc đối đầu với phương Tây, chính sách ngoại giao của Nga đã chuyển hướng sang phương Đông. Theo VOA, để tránh kích động Trung Quốc, các hoạt động của Nga ở sân sau của mình - tức Nam Caucasus - vẫn còn rất khiêm tốn, điều này giúp Trung Quốc dễ dàng bước vào Nam Caucus hơn.

VOA dẫn lời một nhà phân tích chính trị Georgia cho rằng, quan điểm của Trung Quốc đối với Georgia cần phải tiếp tục quan sát trong tương lai.

"Trung Á vẫn đứng đầu và quan trọng nhất đối với Trung Quốc. Bởi vì Trung Á có đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Kazakhstan và Turkmenistan đến Trung Quốc. Tuy nhiên, dựa vào nguồn tài nguyên dầu khí ở khu vực biển Caspian, cùng với việc có thể thay thế hành lang giao thông qua Nga, mối quan tâm của Trung Quốc đối với Nam Caucasus sẽ tăng lên và Bắc Kinh sẽ ngày càng có nhiều hoạt động ở đây", ông này nói.

VOA: Nga làm ngơ, để Trung Quốc thọc sâu vào sân sau vì không muốn kích động Bắc Kinh - Ảnh 3.

Tổng thống Armenia Armen Sarkissian (trái) gặp gỡ Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tại Yerevan, Armenia vào ngày 26/5/2019. Ảnh: Tân Hoa Xã


Giới phân tích cho rằng, ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đối với khu vực Nam Caucasus cũng sẽ mở rộng khi hoạt động kinh tế tăng lên. Trong đó, vấn đề an ninh ở Tân Cương cũng đã thúc đẩy Trung Quốc phát triển quan hệ với các nước trong khu vực. Từ Bắc Caucasus (Nga), đến Georgia và Azerbaijan ở Nam Caucasus, đều có nhiều chiến binh tới Syria để gia nhập Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Trung Quốc có thể có được thông tin tin báo liên quan thông qua hợp tác với các nước này.

Truyền thông Armenia cho biết, các trao đổi lịch sử giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp cho Trung Quốc kinh nghiệm trong việc đối phó với các quốc gia nói ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ và xử lý các vấn đề an ninh ở Tân Cương.

TQ là "người ngoài cuộc", không có lịch sử trong cuộc chơi địa chính trị ở Nam Caucasus

Hồi tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm ba quốc gia Nam Caucasus. Đây cũng là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Trung Quốc đến thăm Georgia và Armenia trong nhiều năm. Cả hai nước đã gọi chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị là chuyến thăm lịch sử.

Giới phân tích địa phương nhận định, ngoài lợi ích kinh tế, các quốc gia Nam Caucasus còn coi Trung Quốc là một lực lượng đối trọng khác với Nga và phương Tây. Các quốc gia này đều tồn tại tranh chấp lãnh thổ nên họ muốn dùng Trung Quốc như một quân bài để đối đầu với các thế lực khác về chủ quyền lãnh thổ. Hiện nay, Georgia đang tranh chấp lãnh thổ với Nga, Azerbaijan và Armenia từ lâu thường xuyên phát sinh các cuộc xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng, lịch sử của Nam Caucasus là vùng đệm và hội tụ của Đế chế Ottoman, Đế chế Ba Tư và Nga hoàng. Là một "người ngoài cuộc", Trung Quốc chưa bao giờ là người chơi trong các trò chơi địa chính trị phức tạp ở khu vực này, càng không có kinh nghiệm lịch sử liên quan nên việc tham gia vào các hoạt động kinh tế có thể giúp Trung Quốc thành công hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại