Phú quý và danh vọng, quyền lực và đặc ân, hay những món đồ lấp lánh như vương miện... tất cả những điều này thoạt đầu nghe chừng hấp dẫn, nhưng những sóng gió gần đây trong hoàng gia Thái Lan hay hoàng gia Anh có thể sẽ khiến những ai có mơ ước trở thành người trong hoàng tộc phải suy nghĩ lại, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong) bình luận trong một bài viết được đăng tải gần đây.
Việc Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn (Rama X) phế truất Hoàng Quý phi Sineenat Wongvajirapakdi vì "tội bất trung" và mưu đồ giành ngôi Hoàng hậu chỉ là một trong những câu chuyện về cuộc sống khó khăn của những bóng hồng trong cung cấm.
Chỉ 3 tháng sau ngày được sắc phong là Hoàng Quý phi với tước hiệu "Chao Khun Phra" cao quý, bà Sineenat, 34 tuổi - một cựu y tá quân đội và phi công - đã mất trắng tước vị, quân hàm sau một quyết định bất ngờ của Quốc vương.
Thông cáo của Hoàng gia nêu rõ việc bà Sineenat được sắc phong làm Hoàng Quý phi là để "xoa dịu vấn đề và những hành vi không phù hợp", sau khi bà này cố ngăn cản việc Quốc vương lập bà Suthida làm Hoàng hậu.
Tuy nhiên, bà Sineenat được cho là "không hề biết ơn, cũng không hành động phù hợp với danh xưng", thậm chí bà còn "làm mọi thứ để khiến mình ngang hàng với Hoàng hậu Suthida", "lợi dụng tước vị".
Quyết định của Quốc vương Rama X đã khiến dư luận Thái Lan vô cùng bất ngờ, không chỉ vì bản thông cáo nhiều chi tiết chưa từng có tiền lệ, mà bởi bà Sineenat cũng được dư luận quan tâm ngày càng nhiều sau khi bộ ảnh của bà được đăng tải trên website của hoàng gia.
Các nhà quan sát đã nhanh chóng liên tưởng ngay tới số phận của người vợ thứ 3 của nhà vua - bà Srirasmi Suwadee, người đã lui về ở ẩn sau khi bị phế truất cuối năm 2014 vì những tội lỗi của người thân; và người vợ thứ hai của nhà vua sau khi bị phế truất, trục xuất vì tội thất trinh đã phải trốn sang nước ngoài sống lưu vong cùng 4 người con trai không được thừa nhận.
Tuy nhiên, không chỉ có nhiều điểm tương đồng với những đời vợ trước của Quốc vương Rama X, trường hợp của bà Sineenat cũng có ít nhiều liên quan tới chuyện Quốc vương Malaysia Muhammad V thoái vị để kết hôn với cựu hoa hậu Nga Oksana Voevodina. Tưởng chừng cuộc hôn nhân này sẽ kết thúc có hậu, nhưng chỉ vài tháng sau đó, cặp đôi này đã tuyên bố li dị trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.
Cựu Quốc vương Muhammad V và vợ cũ - cựu hoa hậu Nga Oksana Voevodina. Ảnh: Instagram
Trường hợp của cựu Hoàng phi Thái Lan Sineenat và cặp đôi của cựu Quốc vương Muhammad V - cựu hoa hậu Nga - đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn trong những ngày gần đây.
Những khó khăn trong hoàng cung là một trong số những chủ đề thu hút nhiều sự chú ý, đặc biệt là sau khi Tân Hoàng hậu Nhật Bản Masako và Công nương Anh Meghan Markle mới đây đã trải lòng về những khó khăn họ phải đối mặt khi phải thích nghi với cuộc sống hoàng gia.
Những chia sẻ của Hoàng hậu Masako và Công nương Markle đã khiến nhiều người nhớ tới cuộc hôn nhân đổ vỡ của Công nương Diana - người đã "lỡ" thật lòng chia sẻ về những khó khăn trong hoàng gia trong bài phỏng vấn gây sốc với nhiều người vào thời điểm đó.
Hoàng tử Harry và Công nương Meghan Markle. Ảnh: AP
Điều gì đã xảy ra với cựu Hoàng phi Sineenat?
Cựu Hoàng phi Sineenat có lẽ sẽ không thể lên tiếng về quyết định phế truất đột ngột của nhà vua, bởi luật pháp Thái Lan quy định những người có hành vi khi quân phạm thượng sẽ phải nhận án phạt tới 15 năm tù giam cho mỗi tội danh.
Truyền thông Thái Lan cũng không phải là ngoại lệ, nên họ chỉ có thể đưa tin theo thông cáo chính thức của công báo hoàng gia Thái Lan Royal Gazette và không có thêm bất kỳ bình luận nào khác.
Tuy nhiên, thông cáo của hoàng gia nêu rõ rằng Quốc vương đã đưa ra quyết định trên do căng thẳng gia tăng giữa Hoàng hậu Suthida và cựu Hoàng phi Sineenat. Một số ý kiến thì cho rằng bà Sineenat đã bị nhắm đến sau khi danh tiếng của bà này gia tăng nhanh chóng.
Chỉ một tuần trước ngày bị phế truất, bà Sineenat vẫn rất năng nổ và nhiệt tình tham gia các sự kiện tình nguyện thuộc bổn phận của mình với hoàng gia và công chúng. Giờ đây, ngoài thông tin bị tước mọi quân hàm và danh hiệu, công chúng vẫn chưa biết liệu điều gì sẽ xảy ra với bà này trong thời gian tới.
Cựu Hoàng phi Sineenat. Ảnh: EPA
Một số nhà quan sát cho rằng hành động của Quốc vương Rama X cho thấy ông đang muốn chứng tỏ mình quyết đoán hơn, kể từ sau khi ông lên ngôi vào năm 2016.
Được biết, ngay sau khi bà Sineenat bị phế mọi tước hiệu, Quốc vương đã tiếp tục sa thải một cận vệ hoàng gia và 6 quan chức cấp cao khác. Vài tháng sau ngày đăng quang, Quốc vương đã đặt hai đơn vị quân đội mới dưới sự kiểm soát trực tiếp của ông, và trước cuộc bầu cử Thủ tướng hồi tháng 3 năm nay, ông cũng đã phản đối mạnh mẽ việc chị gái mình - Công chúa Ubolratana Rajakanya - tranh cử Thủ tướng.
Ông Paul Chambers, một nhà phân tích tại Đại học Naresuan, bình luận với The Guardian rằng "quyết định đột ngột" của Quốc vương cho thấy ông đang muốn "chứng tỏ mình là một vị vua có trách nhiệm đối với hoàng tộc, và sẽ không để những chia rẽ tồn tại trong hoàng gia".
Nỗi đau trong hoàng cung
Dù bà Sineenat phải nhận kết cục nào trong những ngày sắp tới, thì đây cũng là lời nhắc nhở về những khó khăn (và cả cạm bẫy) trong hoàng cung mà những thường dân có khát vọng bước chân vào nơi này có thể sẽ gặp phải, khi nhiều hoàng tộc trên thế giới bắt đầu nới lỏng quy định về kết hôn với thường dân.
Theo Saad Salman, nhà sáng lập website The Royal Watcher, từ nhiều đời nay, hoàng gia là nơi không hề có sự pha tạp do có quy định rằng những người trong hoàng tộc chỉ có thể kết hôn với những người cùng tầng lớp với mình.
"Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều thường dân bước chân vào hoàng tộc, và họ phải đối diện với những áp lực mà họ chưa từng biết đến trước đây. Do đó, việc họ khó thích nghi cũng là điều dễ hiểu", ông Salman nói.
"Trong khi những người trong hoàng gia đã học những lễ nghi, cách cư xử ngoại giao với quan chức, tương tác với công chúng, ăn vận đúng chuẩn hoàng gia, và quảng bá hình ảnh đất nước mình từ nhỏ - đó là đặc quyền, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn lao mà họ phải gánh vác", thì đối với những người xuất phát từ tầng lớp thường dân, đó là điều họ phải học hỏi và nhanh chóng thích nghi sau hôn lễ với thành viên hoàng tộc. Điều này lại càng khó khăn hơn khi họ thường xuyên bị công chúng "nhòm ngó", theo ông Salman.
Trong khi một số cuộc hôn nhân khá tốt đẹp - như trường hợp của Hoàng tử Anh William và Công nương Kate Middleton, thì một số cặp đôi khác lại không suôn sẻ.
Hoàng tử Anh William và Công nương Kate Middleton. Ảnh: AFP
Chỉ mới đầu tuần này, Công nương Meghan Markle đã khiến dư luận Anh dậy sóng khi trả lời phỏng vấn báo giới rằng cô đang phải "vật lộn [để thích nghi với cuộc sống hoàng gia] và để cảm thấy hạnh phúc". Nhiều người đã chỉ trích gay gắt rằng Công nương Markle đã có thái độ "vô ơn" dù nhận được nhiều đặc ân từ hoàng gia.
Theo ông Salman, những bình luận đó có phần bất công đối với Công nương Markle, bởi từ khi bước chân vào hoàng tộc, cô đã phải nhận rất nhiều lời bình luận tiêu cực từ truyền thông và dư luận, thậm chí từ những người thân của cô, khiến Công nương sứ Sussex cảm thấy vô cùng cô đơn.
Trong khi đó, Công nương Middleton cũng nhận không ít lời chỉ trích, nhưng cô vẫn có thể vượt qua nhờ sự ủng hộ từ bạn bè và người thân.
Thái tử Na Uy Haakon và Công nương Mette-Marit. Ảnh: AP
Theo ông Salman, những người có xuất phát điểm là thường dân sẽ luôn phải chịu những áp lực như vậy, cho dù họ có xuất thân như thế nào, giống như trường hợp của Công nương Na Uy Mette-Marit và tân Hoàng hậu Nhật Bản Masako.
Trước khi kết hôn với Thái tử Haakon vào năm 2001, Công nương Mette-Marit vốn là một người mẹ đơn thân. Bà đã phải hứng chịu những lời chỉ trích vô cùng gay gắt của công chúng, nhưng "một tuần trước đám cưới, bà đã thừa nhận và công khai xin lỗi về những sai lầm của mình trong quá khứ trong một cuộc họp báo, và dần dần thái độ của công chúng cũng thay đổi và bớt khắc nghiệt với bà hơn trước".
Trong khi đó, bà Masako từng là "một nhà ngoại giao sáng giá" khi bà kết hôn với Thái tử Naruhito vào năm 1993, nhưng hoàng gia Nhật Bản với những lễ tiết nghiêm khắc, cùng áp lực sinh con nối dõi đã khiến bà mặc chứng bệnh tâm lý "rối loạn điều chỉnh", và cho đến nay bà Masako vẫn phải sống chung với căn bệnh này dù đã rất nỗ lực để vượt qua bóng đen tâm lý ấy.
Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako (khi hai người còn là Thái tử và Công nương). Ảnh: AFP