Phương Bình làm nghề tới nay cũng 30 năm có lẻ, khán giả truyền hình đã quá quen gương mặt anh trong hàng trăm phim truyền hình, sitcom, tiểu phẩm hài nhưng... mãi tới giờ đã hơn 50 tuổi, anh vẫn chưa thể trở thành ngôi sao, trong khi bạn cùng lớp như Phước Sang nổi tiếng từ... đời nào.
Có lẽ một phần vì anh chưa bao giờ được đóng vai chính mà chỉ chuyên vai phụ. Và cái lý do anh đưa ra là "tôi xấu muốn chết, ai mà cho đóng chính".
Có lẽ, Tổ nghiệp thử thách lòng đam mê nghệ thuật của anh. Bởi nếu không đam mê, chắc chắn Phương Bình đã... bỏ nghề từ lâu chứ không trốn vợ lên Sài Gòn, chấp nhận ở nhà thuê hai mươi mấy năm, miệt mài mưu sinh với từng vai diễn.
Kiện cấp trên vì bị "ăn chặn lương"
Mấy chục năm làm nghề, hình như tôi chưa từng thấy Phương Bình đóng vai chính?
Tôi xấu muốn chết, ai cho đóng chính. Trên sân khấu thì có, chứ phim truyền hình, sitcom, điện ảnh, tôi toàn đóng vai phụ, vai tính cách. Mình có phải kép đẹp đâu mà được đóng chính.
Thế mà ngày xưa tôi thủ khoa đấy. Hồi đó, thi năng khiếu 2 vòng, ai đậu mới được thi văn hóa. Thi xong vòng 1, tôi được đặc cách thi văn hóa luôn, không cần thi vòng 2.
Nghệ sĩ hài Phương Bình. (ảnh trong bài do nhân vật cung cấp).
Lên Sài Gòn học được 2 tháng, tôi đòi bỏ về vì ăn uống cực quá. Thời đó còn bao cấp, hàng tháng được lãnh lương 13 ngàn, nửa ký thịt và 13 ký gạo. Cơm để trong khay nhôm 10 hột hết 2 hột là bông cỏ, với một nhúm rau muống người ta chặt ra từng khúc chứ cũng chẳng được lặt đàng hoàng và mấy con ruốc loại nhỏ li ti.
Mỗi ngày nhìn khay cơm, tôi cứ nghĩ "nghệ sĩ gì cực dữ vậy trời". Được 2 tháng, tôi viết thư về cho ba mẹ xin về quê kiếm nghề khác. Ba mẹ an ủi, động viên theo học. Rồi thầy cô, bạn bè cũng khuyên nhủ. Khó khăn chung, đâu phải chỉ mình mình, ai cũng khổ cả. Mình đã đậu thủ khoa mà bỏ thì uổng.
Thế là cố gắng theo. Ngày qua ngày, mình quen khổ lúc nào không hay. Để cải thiện đời sống, tôi với Huỳnh Phúc Điền chịu khó lắm. Ngày đi học, tối đi vá xe. Cứ tối tối, hai thằng ăn mặc đẹp lắm, áo bỏ vô quần, xách theo chiếc vali nhỏ đi ra khỏi kí túc xá như đi diễn vậy. Mình sinh viên trường nghệ thuật mà, quần áo phải đẹp.
Thật ra, trong chiếc vali đó là cái áo thun rách, quần sooc và bộ đồ nghề vá xe. Hai thằng đi tới ngã tư công viên 23/9, đối diện khách sạn New World bây giờ. Chỗ đó ngày xưa là công viên, cây cỏ um tùm. Hai đứa vô lùm cây thay quần áo rồi ra ngồi vá xe. Canh giờ kí túc xá đóng cửa là đi về.
Rồi mới ra trường, công việc đâu có nhiều, mình lại sắm tủ thuốc lá bán ngay trước cổng trường. Tới khi về quê cưới vợ mới sang lại cho đàn em. Ở quê 2 năm, chịu không nổi lại xách túi lên Sài Gòn rồi làm tới giờ.
Nghệ sĩ hài Phương Bình học chung lớp với nghệ sĩ Phước Sang. Anh thủ khoa đầu vào nhờ khả năng diễn xuất xuất sắc.
Tại sao anh quay lại Sài Gòn?
Hồi thi vào trường Nghệ thuật sân khấu 2, chúng tôi phải cam kết, học xong về công tác ở Đoàn ca múa nhạc tổng hợp của tỉnh.
Nhiều bạn là dân Sài Gòn cũng đăng ký thi tuyển từ tỉnh Trà Vinh, học xong cũng phải về đó công tác. Họ là dân Sài Gòn, xuống đó ăn cơm tập thể, tắm nước phèn, ghẻ lở khắp người, chịu không được bỏ về và phải bồi thường. Còn mình, quê ở đó, gia đình lại không có điều kiện để bồi thường nên đành chịu.
Cả đoàn bỏ đi hết, còn mỗi mình thì đâu diễn được, vậy là tôi được giao đảm nhận tiết mục hài kịch cuối chương trình khoảng 15 phút. Hồi đó, diễn Tết lương là 50.000 đồng/ đêm. Ngày mùng 3,4 vắng khách, mình được trả phân nửa. Tới mùng 6 còn phân nửa của phân nửa cũng phải làm.
Đi diễn ế quá lại ở vùng sâu vùng xa, khổ muốn chết. Ngôi sao tăng cường về đoàn, diễn xong được chở về trung tâm thuê nhà trọ ngủ còn anh em trong đoàn ngủ tại chợ.
Lúc đó làm gì có sân khấu. Cái sân vận động lớn, quây bạt lại làm sân khấu. Ngủ dưới đất thì sợ cảm lạnh nên anh em vào nhà lồng trong chợ ngủ trên thớ thịt, hôi gần chết, muỗi mòng cắn không ngủ được. Tối nào cũng thức tới 3,4h sáng, mệt quá mà gục xuống thiếp đi.
Đã khổ sở thế, mà lương còn bị trưởng đoàn ăn chặn. Sở vẫn phát lương, họ đi nhận nhưng không trả diễn viên. Tôi ghét thói đó nên đi thưa kiện. Ngày Sở cho người về điều tra, trưởng đoàn không cho tôi vào nói chuyện. Tôi giận quá xách túi bỏ lên Sài Gòn. Thế là họ làm công văn nói tôi trốn nhiệm sở, yêu cầu bồi thường.
Tôi trở về quê, "méc" người yêu. Cô ấy nói với bố. Bố cô ấy gọi cho Giám đốc Sở Văn hóa lúc đó cũng là bạn thân và vụ việc được giải quyết êm xuôi, không phải bồi thường gì hết.
Dù vậy, con đường làm nghề của Phương Bình vô cùng gian nan, vất vả.
Bố vợ là quan to trong tỉnh, "thét ra lửa"
Nghe anh nói thì có vẻ gia đình của bạn gái... không phải dạng vừa?
Gia đình bên vợ tôi có truyền thống cách mạng. Bố vợ làm Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư... cũng "thét ra lửa" chứ không vừa.
Nhưng ông "làm quan" mà thanh liêm lắm. Tôi nhớ có lần, ông giúp người ta giải quyết sự cố. Họ mang ơn, mua mấy cây thuốc tới nhà cảm ơn. Nhà cách trụ sở ông làm việc chừng 60 km. Cậu út ở nhà không biết, thấy người ta biếu thì nhận. Ông về biết chuyện liền mắng con rồi bắt đem trả lại ngay.
Ngày tôi cưới, mấy vị trưởng đoàn hồi đó cũng tới dự. Gặp tôi, họ ngượng ngùng xin lỗi. Chuyện cũ, mình bỏ qua thôi.
Gia đình anh không có điều kiện rồi lại làm nghệ sĩ – cái nghề mà nhiều người vẫn có quan niệm là "xướng ca vô loài", chưa kể cuộc sống nghệ sĩ lúc đó rất khó khăn. Trong khi gia đình vợ lại "máu mặt" như thế, thì tình yêu của hai người có được dễ dàng?
Tôi và bà xã là bạn thân từ hồi lớp 8. Hai đứa học chung tới hết cấp 3. Lên Sài Gòn, tôi học trường Sân khấu, bà ấy học Tổng hợp Văn. Cuộc sống xa nhà, hai đứa lại thân nhau từ nhỏ nên nảy sinh tình cảm lúc nào không hay.
Lúc đầu, gia đình cô ấy cũng ngăn cản lắm vì không thích tôi làm nghề này. Người xưa có quan niệm nghệ sĩ lãng mạn, bay bướm sẽ lăng nhăng. Họ sợ con gái khổ. Tôi chỉ có cách cố gắng chứng minh không phải ai cũng vậy. Cô ấy cũng "đấu tranh" dữ lắm để bảo vệ tình yêu của chúng tôi.
Bố mẹ vợ tuy có chức quyền nhưng giản dị, chân chất, vẫn chăn nuôi sản xuất. Cứ mỗi dịp hè được về quê, tôi lại qua nhà phụ cho heo ăn, rửa chuồng heo vì đám em còn nhỏ. Riết được ông bà tin tưởng nên gả con gái cho.
Đám cưới xong, tôi làm ở Đài truyền hình tỉnh. Được 2 năm, tôi quá nhớ nghề. Mình ở quê vẫn tham gia các chương trình văn nghệ phong trào nhưng không đã cái nư, không bung xỏa được. Tôi xin bà xã cho quay lại Sài Gòn làm nghề. Dĩ nhiên bà ấy đâu có chịu. Năm 1994, tôi trốn đi. Hai vợ chồng sống xa nhau từ đó tới giờ.
Mặc dù gia đình bên vợ khá giả lại có chức quyền ở tỉnh nhưng chưa bao giờ anh ... cậy nhờ.
25 năm sống xa vợ, ở nhà thuê, chật vật mưu sinh
25 năm sống xa vợ xa con và tất cả vẫn "bình yên" là một điều lạ, thưa anh?
Không chấp nhận cũng không được vì bà ấy biết tôi quá mê nghề nên đành chịu hy sinh. Cái nghề này ăn vào máu tôi rồi. Bà xã hy sinh cho tôi nhiều lắm, thay tôi chăm sóc dạy dỗ con cái. Mình ở đây thì chỉ biết làm rồi dành dụm gửi về chứ không được gần vợ con nhiều.
Tôi cũng xin chuyển công tác cho vợ lên Sài Gòn để vợ chồng được gần nhau nhưng dưới tỉnh họ không đồng ý. Cô ấy làm cơ quan nhà nước. Được chuyển công tác thì sẽ tốt hơn là mình bỏ việc dưới đó, lên đây làm lại từ đầu.
Lúc rảnh, không đi diễn thì tôi về thăm vợ con, gia đình. Nhưng nghiệt một cái, mình về thăm nhiều đồng nghĩa với thất nghiệp. Mà công việc nhiều thì không có thời gian về thăm vợ con.
Vợ chồng là bạn học nên có nhiều bạn chung, mỗi lúc tôi về quê, đám bạn biết là lôi đi cà phê, nhậu nhẹt. Vợ chồng vì vậy cũng hay giận nhau. Bà xã bảo "anh về thăm vợ con hay thăm bạn".
Sợ vợ buồn, mình lẳng lặng về. Chỉ 1 đứa bạn biết là cả đám biết. Chúng nó rủ đi nhậu mình bảo không đi được, ghé nhà chút rồi đi ngay. Thế là chúng nó mua đồ nhậu tới tận nhà luôn.
Vợ chồng tôi có 2 cậu con trai. Hồi thằng lớn học lớp 9, dưới quê rộ lên tệ nạn học đường, vợ chồng bàn bạc cho nó lên Sài Gòn học, cha con gần nhau cũng dễ quản lý, dạy bảo.
Thằng lớn tốt nghiệp Đại học Văn hóa, đang làm cho một công ty truyền thông. Nó mới cưới vợ hồi tháng 6, vợ chồng nó đang ở với tôi. Còn thằng út học Đại học Trà Vinh chuyên ngành du lịch. Nó muốn học dưới đó cho gần mẹ, sợ mẹ buồn.
Anh trở lại Sài Gòn, mọi thứ có tốt hơn không, nhất là về kinh tế?
Thú thật với bạn, nghề này khổ tới nỗi tôi ở nhà thuê từ lúc lên Sài Gòn lại là năm 1994 đến tận năm 2017 mới mua được căn chung cư ở Bình Chánh dành cho người thu nhập thấp, theo dạng trả góp.
Trải qua nhiều thử thách, vất vả mưu sinh nhưng Phương Bình chưa bao giờ nghĩ tới việc... bỏ nghề. Anh làm bằng tất cả đam mê.
Tôi ở nhà thuê hai mươi mấy năm. Chỉ vài năm gần đây, show mới nhiều thì cuộc sống bớt cực, chứ trước đó khó khăn khủng khiếp.
Tôi không phải ngôi sao nên cát-xê không được bao nhiêu. Những nghệ sĩ giàu đếm trên đầu ngón tay nhưng khán giả thì chỉ nhìn vào mấy con số đó mà đánh giá chung. Kỳ thực, nghệ sĩ đa phần sống khó khăn. Ai ki cóp, hà tiện thì còn dành dụm được chút đỉnh, không thì chẳng bao giờ có tiền.
Cũng may là tôi có quan hệ nên mới xin được tiêu chuẩn mua căn chung cư theo dạng xã hội đó chứ không phải chung cư thương mại. Riêng khoản đóng 30% tiền cọc với tôi đã là con số quá lớn. Mình vay mượn thì lãi mẹ đẻ lãi con, mai mốt có khi mất luôn cả tiền của mình.
Khổ cái là nhà trả góp 15 năm. Thời điểm tôi mua nhà là 51 tuổi, chỉ còn 9 năm là hết tuổi lao động. Họ tư vấn tôi để con trai đứng tên nhà, còn tôi là người hỗ trợ. Tôi ưa nói vui, tiền mình đóng hàng tháng nhưng nhà đó mình không có quyền vì tên của con. Vui thì nó cho ở, buồn nó cho ra khỏi cửa cũng phải chịu.
Nhưng mình mua nhà sau này cũng để cho con cháu thôi. Vợ chồng tôi tính rồi, mình còn căn nhà dưới quê. Nếu ki cóp được mà mua cho thằng út một căn khác thì tốt, còn không thì vợ chồng ở với nó. Chúng nó mà không chịu thì lúc già, vợ chồng vô viện dưỡng lão.
Tôi nói vui thôi, chứ hai thằng con rất ngoan, biết lễ nghĩa, phải quấy. Cha mẹ nuôi con tới lúc trưởng thành, chỉ mong nó không quậy là mừng lắm rồi, còn có hiếu hay không là chuyện của nó. Các cụ bảo, nước mắt chảy xuôi, có đâu chảy ngược. Nó biết nghĩ tới cha mẹ thì mình hạnh phúc, không thì thôi.
Ngoài công việc diễn viên, Phương Bình còn làm đạo diễn nhiều chương trình nhỏ, sitcom và phó đạo diễn nhiều phim truyền hình.
Phải xin tiền vợ vì quá khó khăn
Anh đã phải hy sinh khoảng cách chồng vợ để được làm nghề mà xem ra nghề này không ưu ái anh về vật chất lại cũng chẳng cho anh danh tiếng. Khổ vậy, có khi nào chị muốn anh bỏ nghề?
Không. Cô ấy luôn động viên tôi những lúc khó khăn. Nói thật với bạn, thậm chí có những lúc khó tới mức tôi phải điện về quê xin tiền vợ. Bà xã tôi làm Phó Ban Tuyên giáo tỉnh rồi được điều qua làm Phó Tổng biên tập báo Trà Vinh và giờ là Tổng biên tập. Nói chung điều kiện mọi thứ tốt hơn tôi.
Thằng lớn học trên này, học phí từ 7 triệu đến 12 triệu/ tháng. Tiền nhà 4-5 triệu nữa. Mỗi tháng, tôi phải kiếm ít nhất 20 triệu, cha con mới đủ sinh hoạt. Có tháng được, tháng không. Tháng nào bí quá thì phải xin vợ. Nói là mượn chứ có bao giờ trả đâu. Lúc nào mình làm ra dư thì gửi về lại thôi.
Đã bao giờ anh nghĩ tới làm nghề tay trái để cải thiện cuộc sống?
Tôi từng mở quán nhậu, làm ăn có lời nhưng vì sức khỏe mà phải bỏ. Khách mỗi lần tới ăn đều hỏi "có anh Bình không"? Mình có ở đó thì họ vô ăn, không thì bữa khác quay lại. Thế là mình phải ra uống tiếp khách.
Ngày nào cũng uống, tôi đuối quá đành chơi chiêu, túi lúc nào cũng thủ sẵn 1 bịch thuốc tây. Ra tiếp khách là mặt mày nhăn nhó, kêu bị bệnh. Mọi người bảo ngồi chơi, uống nửa ly thôi. Không uống là mai mốt không ghé. Mình cũng phải chiều.
Mỗi bàn nửa ly, 20 bàn là 10 ly. Ngày nào cũng thế. Mình bán hàng càng đắt khách thì bệnh càng nặng. Cơ thể không chịu được. Tôi mở quán nhậu 7 tháng thì chân tay bị phù lên vì gan không bài tiết được, bị dị ứng nặng. Bác sĩ bảo, nếu còn làm quán thì 2 năm nữa chết, tiền lời không đủ tiền thuốc. Tôi sợ quá sang quán.
Chưa kể, mình làm kinh doanh thì lơ là nghệ thuật, không ai mời show nữa. Mà tập trung làm nghệ thuật thì lơ là kinh doanh, không ai quản lý dẫn tới thua lỗ. Bởi vậy, ít người làm nghề tay trái song song với nghệ thuật mà thành công cả hai. Đa số thất bại. Trừ khi mình mở quán nhưng người nhà đứng ra quản lý, kinh doanh hết mọi thứ.
Dù kinh nghiệm đầy mình nhưng nghệ sĩ hài Phương Bình không có ý định trở thành đạo diễn. Anh bảo, cái tuổi của mình đã "quá lớn" để đi vào con đường ấy, nhất là khi anh còn nặng gánh cơm áo gạo tiền.
30 năm trong nghề, đóng hàng trăm vai diễn, kinh nghiệm đầy người nhưng xét cho cùng, anh không thuộc hàng ngôi sao. Khi gặp diễn viên trẻ đang nổi, họ có tôn trọng anh không?
Tùy từng người. Có những đứa còn biết tôn ti trật tự, lễ phép, chào thưa đàng hoàng nhưng cũng có nhiều đứa mất dạy. Tuy nhiên, cái gì cũng phải xét hai phía, còn tùy vào cách cư xử của đàn anh đàn chị thế nào. Bản thân tôi ít gặp đàn em hỗn hào. Tôi hòa đồng lắm nên 100 người thì 90 ngươi thích rồi.
Tình tôi xưa giờ không sân si, không ích kỷ, không xéo xắt người này người kia. Tôi quan niệm, đồng nghiệp hỗ trợ được nhau cái gì thì hỗ trợ. Còn chẳng may gặp phải đàn em không được dạy dỗ đàng hoàng, tôi chỉnh ngay. Kể cả có chứng kiến sự hỗn láo đó với người khác, tôi cũng góp ý.
Tôi chỉ ra những cái gương đi trước, sống không tốt, sau này bị những gì. Dĩ nhiên, tôi góp ý riêng chứ không nói trước đông người. Còn sửa hay không, nghe hay không tùy họ. Tính tôi không thảo mai được. Nếu có không hợp ai, tôi vẫn làm việc bình thường nhưng xong công việc là thôi, chứ không thân thiết bên ngoài.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!