Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang mong chờ cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump để chấm dứt cuộc khủng hoảng leo thang xoay quanh thương vụ S-400 với Nga.
Cuộc họp dự kiến diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản, được xem là cơ hội cuối cùng để tránh rạn nứt trong mối quan hệ giữa các đồng minh NATO, theo VOA.
"Cuộc họp là một bước ngoặt", cựu nhà ngoại giao cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Selcen, nhận định. "Vì sao ? Vì thời hạn đã đến, khi ngày giao hàng ấn định vào tháng 7 và các lệnh trừng phạt từ Washington đã sẵn sàng để khởi động. Mọi thứ đang chờ sẵn để tiến hành".
Về phần mình, Tổng thống Erdogan đang mong đợi một bước đột phá với người đồng cấp Mỹ. "Tôi tin rằng cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Trump trong hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ rất quan trọng để xóa bỏ bế tắc trong quan hệ song phương và tăng cường hợp tác của cả hai", ông Erdogan nói với Nikkei Asian Review, trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/6.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng mối quan hệ của mình với Tổng thống Trump để chấm dứt tình trạng bế tắc. "Ông Erdogan được cho là một trong những nhà lãnh đạo yêu thích của ông Trump", nhà cựu ngoại giao Selcen - người đang là một nhà phân tích khu vực cho biết.
"Tuy nhiên, các vấn đề khác ông Trump nói trên điện thoại hoặc các cuộc đàm phán song phương, không nhất thiết sẽ trùng với thực tế bên ngoài", ông nói thêm.
Tổng thống Trump làm gì?
Tổng thống Trump có quyền ngăn chặn một số lệnh trừng phạt, nhưng chuyên gia quan hệ quốc tế Soli Ozel của Đại học Kadir Has ở Istanbul hoài nghi về việc ông có sẵn sàng sử dụng vốn chính trị quý giá để bảo vệ Ankara hay không.
"Ông Trump thường thách thức Quốc hội", chuyên gia Ozel nói, "nhưng điều đó chỉ xảy ra khi đảng Cộng hòa đứng sau ông. Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 và F-35, đảng Cộng hòa không bảo vệ quan điểm của ông Trump, cũng giống như Lầu Năm Góc".
Ngoài ra, ông Erdogan cũng sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G-20. Cuộc gặp có thể là cơ hội để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách rút khỏi hợp đồng mua S-400 mà không làm tổn hại đến mối quan hệ với Moscow.
Với việc hai nước có chung nhiều lợi ích về kinh tế và khu vực, các nhà phân tích cho rằng vẫn còn khả năng cho điều này xảy ra.
Giáo sư quan hệ quốc tế Huseyin Bagci thuộc Đại học Kỹ thuật Trung Đông của Ankara cho biết: "Tổng thống Putin là chìa khóa cho một giải pháp. Thỏa thuận S-400 là một cuộc hôn nhân mà chỉ có ông mới có thể giải thoát cho ông Erdogan".
S-400 được coi là cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả để khôi phục quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, vấn đề chính trị nội bộ có thể là một trở ngại mới trong việc rút khỏi S-400 của ông Erdogan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang quay cuồng với thất bại trong cuộc bầu cử thị trưởng quan trọng ở Istanbul.
"Do tổn thất nặng nề trong cuộc bầu cử thị trưởng, Erdogan sẽ cố gắng củng cố vị thế của mình", chuyên gia Selcen nói. "Trong đó S-400 có thể trở thành một phần của chiêu bài chính trị".
Trong bài phát biểu đầu tiên sau thất bại ở Istanbul, ông Erdogan nhấn mạnh việc mua hệ thống phòng không của Nga không chỉ là vấn đề quốc phòng.
"Vấn đề của S-400 là một vấn đề liên quan trực tiếp đến chủ quyền của chúng ta và chúng ta sẽ không lùi bước", ông khẳng định. Đối tác liên minh nghị viện của ông Erdogan cũng ủng hộ lập trường này.
Cái giá Thổ Nhĩ Kỳ phải trả
Theo giới phân tích, hiện tại đã quá muộn để Thổ Nhĩ Kỳ rút lui khỏi thỏa thuận S-400. Công ty vũ khí Rosoboronexport của Nga đã nhận được khoản thanh toán, sản xuất xong sản phẩm và đào tạo nhân viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ để vận hành hệ thống, theo hãng tin Interfax.
Ömer Taşpınar, một thành viên cao cấp của Viện Brookings, tin rằng thỏa thuận S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi mô hình quan hệ Mỹ-Thổ, vì nó cho thấy quân đội hai nước đã không còn coi nhau là đối tác.
"Đó là một trường hợp mà Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đi đêm với kẻ thù, vì Mỹ đang liên kết với người Kurd và bảo vệ phong trào Gulen, trong khi Ankara hợp tác với người Nga – đối trọng của NATO".
Một số nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Erdogan muốn mua S-400 để làm dịu mối quan hệ căng thẳng với Moscow sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga vào năm 2015 và một sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ám sát đại sứ Nga một năm sau đó.
"Hợp đồng S-400 là cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả sau vụ bắn hạ Su-24, vụ sát hại đại sứ và muốn khôi phục hợp tác với Moscow", cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Saudi Arabia - Ali Tuygan, viết trên trang blog Diplomatic Opinion.