Các ca lây nhiễm virus nCov xuất hiện ở 29/31 tỉnh thành Trung Quốc
Số liệu trên bao gồm các ca lây nhiễm được xác định xuất hiện ở 29/31 tỉnh thành Trung Quốc Đại lục, và ở Hồng Kông, Macau, Đài Loan.
Tỉnh Hồ Bắc, có thủ phủ là thành phố Vũ Hán - nơi được xác định là "ổ dịch", đã ghi nhận 549 ca lây nhiễm và có đến 24 bệnh nhân tử vong ở tỉnh này.
Các lệnh phong tỏa giao thông đã được áp đặt đối với đường bộ, đường không, đường sắt và cả đường thủy của thành phố Vũ Hán. Ngoài ra, các lệnh phong tỏa cũng được áp dụng với nhiều thành phố khác ở Hồ Bắc như Hoàng Cương, Ngạc Châu, Xích Bích,... Tổng cộng 13 thành phố của tỉnh này đã bị phong tỏa, tính đến trưa nay, 24/1.
Sáng nay, 24/1, tờ The Paper (Trung Quốc) dẫn nguồn tin từ nhân viên Sở thương mại tỉnh Hồ Bắc, tiết lộ Phó giám đốc Sở này là ông Hoàng Mưu Hoành đã bị xác định lây nhiễm virus nCov vào hôm 22, hiện đang được điều trị. Những nhân viên có tiếp xúc với quan chức này trong thời gian qua cũng được yêu cầu cách ly theo dõi. Nguồn tin mô tả, ông Hoàng đã có những triệu chứng lây nhiễm từ trước và ngày càng trở nên nghiêm trọng, đến mức "đứng cũng không vững" thì mới được kiểm tra và xác định nhiễm virus.
Ngoài Hồ Bắc, các địa phương quan trọng của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Chiết Giang,... đều đã ghi nhận hàng chục ca mắc virus. Hai địa phương duy nhất chưa công bố trường hợp lây nhiễm nào là tỉnh Thanh Hải và Tây Tạng.
Giới chức nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa các khu tham quan, du lịch lớn nhằm hạn chế tình trạng tập trung đông người làm gia tăng rủi ro lan truyền dịch bệnh.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Caixin (Trung Quốc) ngày hôm qua, 23/1, ông Quản Dật - chuyên gia y học vi sinh hàng đầu Trung Quốc - cho biết vừa trở về từ Vũ Hán vào ngày 22.
"Ngay cả tôi cũng phải lựa chọn 'đào tẩu'," ông Quản nói. Quản Dật là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu virus, viện sĩ Viện y học hoàng gia Anh, chủ nhiệm Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về bệnh truyền nhiễm mới (Đại học Hồng Kông), chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu dịch cúm (Đại học Hồng Kông).
Ông Quản từng có đóng góp lớn trong việc Trung Quốc xác định thành công chủng virus corona gây nên dịch SARS vào năm 2003. Ông này cảnh báo trên Caixin rằng quy mô dịch viêm phổi Vũ Hán lần này có thể "gấp 10 lần quy mô dịch SARS".
Một nhân viên an ninh kiểm tra thân nhiệt của tài xế tại lối vào cao tốc ở Vũ Hán, ngày 23/1/2020 (Ảnh: Getty)
Chuyên gia kinh hãi trước cảnh tượng ở Vũ Hán
Trước đó, Quản Dật đã đưa ra những dự báo chính xác trên truyền thông Trung Quốc về khả năng lây bệnh từ người sang người, cũng như lộ trình lây lan của virus. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã chính thức xác nhận thông tin này.
"Hiện nay tôi cũng đang tự cách ly," ông Quản nói, cho biết đội ngũ của ông đã đến Vũ Hán trong hai ngày 21-22/1 với mong muốn hỗ trợ tìm ra nguồn gốc động vật phá tán virus và hỗ trợ công tác phòng dịch, nhưng "lực bất tòng tâm, vô cùng đau buồn".
Rạng sáng ngày 23/1, Vũ Hán chính thức ban hành lệnh phong tỏa giao thông. Tuy nhiên, ông Quản cho rằng hiệu quả biện pháp "phong thành" vào thời điểm này có nhiều nghi vấn, bởi lượng nhân khẩu lớn đã rời khỏi "ổ dịch" trên những chuyến xe về nhà đón Tết Âm lịch.
"Tôi đến Vũ Hán vào ngày 21, lúc 15h tôi tới một khu chợ bản địa và nhìn thấy một khung cảnh nhộn nhịp, người người vẫn bận rộn mua bán hàng Tết khiến tôi hết sức kinh ngạc," Quản Dật mô tả. "Nguồn gốc dịch viêm phổi lần này là từ một khu chợ hải sản, hiện nguồn gốc động vật lây nhiễm vẫn chưa tìm ra, trong khi điều kiện vệ sinh ở nhiều khu chợ cũng không tốt, mặt đất ẩm ướt, tình trạng hết sức tồi tệ, thiết bị thông gió cũng kém. Tôi quan sát người dân đi chợ chỉ có chưa đến 10% là đeo khẩu trang."
"Sau đó, tôi gặp gỡ một số ban ngành địa phương. Đến tối cùng ngày thì tôi phán đoán là dịch bệnh đã không còn có thể kiểm soát được nữa. Ngay cả người có thể xem là 'thân kinh bách chiến' như tôi cũng phải đào tẩu."
"Ngày tiếp theo tại sân bay, tôi tiếp tục hãi hùng. Dù lưu lượng người đã giảm rõ rệt, song tại sân bay vẫn xuất hiện đoàn khách du lịch xuất phát. Điều khó hiểu là ở mặt đất không có công tác tiêu độc, không có nhân viên cầm thiết bị kiểm tra nhiệt độ. Tôi quan sát trong sảnh chờ của sân bay Vũ Hán chỉ có số ít cửa hàng xịt dung dịch khử độc."
Theo ông Quản, dù Ủy ban vệ sinh an toàn sức khỏe nhà nước Trung Quốc đã ra văn kiện yêu cầu Vũ Hán áp dụng các biện pháp dự phòng, kiểm soát dịch bệnh, nhưng đến ngày 22 thì nơi này vẫn là một thành phố "chưa được thiết lập phòng chống dịch".
(Ảnh: AP)
"Bùng phát dịch là điều chắc chắn"
Giáo sư Đại học Hồng Kông Chu Hoa Thần chỉ ra, quỹ đạo phát triển của virus thường là: Sức lây lan ở giai đoạn đầu kém, triệu chứng ở người cũng tương đối nhẹ, nhưng nếu bỏ lỡ "thời gian vàng" này để khống chế và dập dịch thì có khả năng gây ra lây nhiễm quy mô lớn. Khi virus thích ứng trong cơ thể người thì có thể diễn ra biến đổi, khiến cho sức lây nhiễm mạnh hơn và nguy hiểm hơn.
Chu Hoa Thần nhận định, nếu như phạm vi lây nhiễm của virus nCov đã rất rộng thì có khả năng khó loại bỏ hơn dịch SARS rất nhiều. Và điều cấp bách nhất hiện nay là nhanh chóng xác định, cắt đứt con đường lan truyền virus.
Ông Quản Dật đánh giá, xét về mặt thời gian thì các biện pháp ngăn dịch ở Vũ Hán đã để lỡ "thời gian vàng" nói trên, và hiệu quả của giải pháp là không lạc quan.
"Bùng phát dịch là điều chắc chắn," ông nói. "Vũ Hán được mệnh danh là 'thông 9 tỉnh', cộng thêm thời điểm vàng đã mất, cùng với làn sóng về quê ăn Tết, và sự vô trách nhiệm của nhiều người." Ông Quản chỉ trích chính quyền thành phố Vũ Hán tắc trách khi không ban hành các hướng dẫn tự cách ly đối với những người đã rời khỏi thành phố này.