Việc cải tổ chính phủ Nga - với sự xuất hiện của Phó Thủ tướng mới và Bộ trưởng Kinh tế mới - cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực bảo toàn những thành tựu kinh tế đã đạt được trong thời gian ông cầm quyền; những điều đó cũng mang đến một số rủi ro, Reuters dẫn lời hai nguồn tin thân cận với chính phủ Nga.
Cụ thể, thay đổi đáng chú ý nhất trong lần cải tổ chính phủ vừa qua là ở khối kinh tế của chính phủ Nga. Điều này đã dấy lên những lo ngại về việc tăng chi tiêu nhà nước và rủi ro về lạm phát tăng cao.
Hôm thứ 3 (21/1) vừa qua, Tổng thống Putin đã phê chuẩn nội các mới và gọi đây là sự thay đổi so với quá khứ.
Các nguồn tin trên cho biết ông Putin hy vọng rằng việc cải tổ sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch chi tiêu khoản ngân sách lớn vào những kế hoạch trọng tâm trong nhiệm kỳ cuối cùng của ông.
Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ mang sức sống mới đến với nền kinh tế đang trì trệ của Nga, bằng cách chi hơn 25 ngàn tỷ rúp (404 tỷ USD) từ nay đến năm 2024 cho các dự án lớn thuộc 13 lĩnh vực - trong đó bao gồm y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Trong lần cải tổ này, ông Andrei Belousov, cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin từ năm 2013 và là vị "kiến trúc sư" chủ chốt cho những kế hoạch trên đã được bổ nhiệm vào vị trí Phó Thủ tướng thứ nhất, thay thế cho Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov - người vừa giữ vị trí này chưa đầy 1 năm.
Ông Maxim Reshetnikov, một cựu thống đốc, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng kinh tế mới của Nga, thay thế ông Maxim Oreshkin.
Tân Thủ tướng Mishustin, Tổng thống Putin trong buổi họp đầu tiên của nội các mới. Ảnh: Russian Look
Tái khởi động
Một nguồn tin cho biết ông Putin lo ngại về tác động của tình hình giảm mức sống và kế hoạch tăng tuổi hưu đối với sự tín nhiệm và ủng hộ của người dân Nga đối với chính phủ, và ông muốn tái khởi động để xoa dịu những nỗi lo này, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án quốc gia của ông.
Trong buổi họp đầu tiên của nội các mới, tân Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng nhấn mạnh nhiệm vụ này: "Chúng ta cần hiện thực hóa các dự án quốc gia một cách tích cực hơn để người dân có thể sớm cảm nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong cuộc sống của họ".
Tuy nhiên, việc ông Belousov - người được cho là đề cao chủ nghĩa tư bản nhà nước - được thăng chức lại khiến một số nhà đầu tư lo ngại.
Cụ thể, ngân hàng Alfa Bank đã bình luận rằng việc ông Belousov trở thành Phó Thủ tướng có thể là dấu hiệu cho thấy "một sự chuyển đổi từ chương trình kinh tế và chính sách tài khóa chặt chẽ sang việc chi tiêu cho các dự án quốc gia".
Việc tăng chi tiêu ngân sách nhà nước có nguy cơ gây ra lạm phát, kéo theo đó là khả năng cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ bị hạn chế, và thặng dư trong ngân sách của Nga sẽ bị "tiêu sạch".
Trước đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Siluanov đã áp dụng chính sách tài khóa thận trọng - hay còn được biết đến là quy tắc ngân sách. Chính sách này được tạo ra để bảo vệ nền kinh tế trước sự dao động của giá dầu.
Tuy nhiên, việc ông này bị thay thế và ông Belousov được thăng chức có thể là tín hiệu cho thấy nhiều sự thay đổi hơn nữa, Reuters kết luận.