Việc Quân đội Nhân dân Việt Nam đặt mua hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn tối tân SPYDER-SR được xác nhận (và sắp tới có thể là cả phiên bản tầm trung SPYDER-MR) đã cho thấy quyết tâm tiến thẳng lên hiện đại của Quân chủng Phòng không - Không quân vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.
Có thể dự đoán vai trò của những tổ hợp này SPYDER trên là để thay thế cho 9K35 Strela-10 (SA-13 Gopher) cũng như S-75 Dvina (SA-2 Guideline) đã lạc hậu, không còn đáp ứng tốt yêu cầu của tác chiến hiện đại và phối hợp với S-300 để tạo nên lưới lửa phòng không nhiều tầng nhiều lớp.
Hệ thống tên lửa SPYDER-SR/MR sẽ trở thành xương sống của Lực lượng Phòng không Việt Nam
Tuy nhiên trong khi SPYDER-SR tỏ ra hoàn toàn vượt trội Strela-10 ở mọi chỉ số thì phiên bản SPYDER-MR vẫn gây băn khoăn rằng liệu nó có lấp đầy được khoảng trống mà SA-2 để lại khi chỉ có tầm bắn 35 km, tương đương với Pechora-2TM.
Mặc dù có ý kiến cho rằng điều đó không quá quan trọng vì vẫn còn tên lửa 48N6E/E2 của S-300 phụ trách tiêu diệt những mục tiêu nằm ngoài tầm với của SPYDER-MR, nhưng sử dụng đạn tên lửa tầm 150 - 200 km để diệt mục tiêu tầm trung là một sự lãng phí quá lớn.
Gần đây xuất hiện thông tin cho biết Việt Nam đang tiến hành đàm phán với Nga để mua 4 hệ thống S-400 Triumf, dẫn tới nhận định rằng không cần thiết phải mua thêm các tổ hợp phòng không tầm bắn 50 - 70 km riêng biệt, do S-400 phóng được cả đạn 9M96E lẫn 9M96E2 sẽ khắc phục hết lỗ hổng về cự ly.
Đáng tiếc rằng Nga vẫn chưa có ý định bán kèm tên lửa 9M96 theo S-400 cho khách hàng nước ngoài nhằm bảo vệ thị phần của S-350E, cho nên Việt Nam vẫn rất cần một hệ thống phòng không tầm trung-xa như Buk do đơn giá của Vityaz là tương đối đắt đỏ.
Tên lửa 9M96E/E2 chỉ được bán kèm hệ thống phòng không S-350E Vityaz
Việt Nam có thể lựa chọn mua phiên bản Buk-M2 hoặc tiến thẳng lên biến thể mới nhất Buk-M3, nhưng do chủ trương ưu tiên hiện đại hóa cùng với việc sắp tới Nga sẽ chỉ còn sản xuất loại M3 cho nên đây chính là ứng viên sáng giá nhất. Chuyên gia Mikhail Khodarenok của Tập đoàn Almaz-Antey cũng cho rằng Buk-M3 sẽ có nhu cầu cao trên thị trường vũ khí thế giới.
Buk-M3 với tầm bắn 70 km sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho mạng lưới phòng không của Việt Nam, kết hợp với SPYDER-SR/MR, S-300PMU-1/2 và S-400, chúng ta sẽ triển khai đánh địch được ở cả tầm ngắn, trung, trung-xa, xa và rất xa, đảm bảo không để lọt bất cứ một đối tượng nào có ý định xâm phạm bầu trời tổ quốc.
Ngoài ra Buk-M3 với phương thức phóng nghiêng còn có ưu điểm đánh chặn các mục tiêu bay thấp với góc ngắm nhỏ tốt hơn SPYDER-MR vốn được tối ưu hóa cho việc tiêu diệt các mục tiêu trên đỉnh đầu. Đây sẽ là cặp bài trùng rất lợi hại khi phối hợp tác chiến cùng nhau, tổ hợp này sẽ bổ trợ, khắc phục đầy đủ hạn chế của tổ hợp kia.
Buk-M3 vẫn rất cần thiết, kể cả khi Việt Nam có S-300/400 lẫn SPYDER-SR/MR
Bên cạnh đó, nếu Việt Nam lựa chọn Buk-M3 còn tạo thuận lợi cho công tác đảm bảo hậu cần kỹ thuật, do tổ hợp này sử dụng đạn tên lửa 9M317ME, loại cũng dùng cho hệ thống phòng không hạm tàu Shtil-1 - ứng viên sáng giá để trang bị trên các chiến hạm cỡ lớn tương lai của Hải quân Việt Nam.
Tóm lại, một hệ thống phòng không tầm trung-xa như Buk-M3 vẫn là cực kỳ cần thiết. Vì vậy rất có thể sắp tới, sau thông tin Việt Nam đang đàm phán mua 4 hệ thống S-400 sẽ là "Việt Nam muốn mua Buk-M3 để phối hợp tác chiến cùng SPYDER-MR".