PV: Ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của vụ việc một tàu cá Philippines được cho là bị một tàu Trung Quốc đâm chìm xảy ra trong tháng này?
Đại sứ Trương Triều Dương: Sự kiện này theo tôi bao hàm nhiều yếu tố gây tổn hại tới việc duy trì an ninh và hợp tác hang hải quốc tế ở mức độ nghiêm trọng.
Đầu tiên trên bình diện công pháp quốc tế: Việc cứu những người gặp nạn trên biển là nghĩa vụ không chỉ của cơ quan nhà nước mà còn của cả mọi người dân dù là ở nơi đang xây ra tranh chấp hay không tranh chấp.
Nghĩa vụ cứu giúp người gặp nạn trên biển trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong trường hợp có va chạm trên biển, là nghĩa vụ phổ cập đã được quy định trong không chỉ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS 1982) mà còn trong nhiều điều ước quốc tế đa phương, như các quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) trong đó nhấn mạnh đây không chỉ là nghĩa vụ của các quốc gia mà của cả người dân các nước và cần được thực hiện bằng hành động cụ thể.
Đại sứ Trương Triều Dương trả lời phỏng vấn Trí thức trẻ. Ảnh: PT
Thứ hai là trong bối cảnh hiện nay Trung Quốc đang ráo riết tăng cường quân sự hóa, cấu trúc lại trái phép một số đảo, đá ở Biển Đông, đưa tên lửa, máy bay quân sự ra các đảo, đá, đồng thời va chạm rất nhiều tàu cá Việt Nam đang làm cho dư luận đặc biệt lo ngại. Điều nghiêm trọng nhất là tình hình Biển Đông vẫn chưa thực sự dịu bớt căng thẳng chưa tìm ra lối thoát, sự kiện này không khác nào đổ thêm dầu vào lửa làm nóng thêm tình hình.
Những hoạt động trong thời gian qua thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc đe dọa các nước khác xảy ra ở nhiều nơi. Số giờ đánh bắt cá của Trung Quốc theo thống kê của Green Peace từ 2016 - 2017 là khoảng 17 triệu giờ với những đội đánh bắt xa bờ lên đến 2500 tàu.
Nếu sử dụng vũ lực thì họ hoàn toàn có thể đe dọa, lấn át tất cả các hoạt động đánh bắt cá hợp pháp của nước khác ở Biển Đông cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.
Thứ ba là, điều này ảnh hưởng đến cả tiến trình đàm phán để tiến tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không xử lý vụ việc này tốt thì sẽ dẫn tới các nước nghi ngờ sự chân thành của họ.
Tôi nghĩ rằng Trung Quốc là một nước lớn, là một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Họ cần hành xử có trách nhiệm với tư cách là một nước lớn, một nước thành viên Hội đồng Bảo an. Cho nên trong khu vực này họ cũng phải có thái độ phù hợp với tư cách của mình.
Tàu cá đánh bắt xa bờ của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
PV: Một chi tiết được báo chí Philippines nhắc đến khá nhiều là khi được ngư dân của ta cứu, các thủy thủ Philippines đã nói: "Việt Nam, Philippines, Friends". Ông có cảm nghĩ thế nào về chi tiết này?
Đại sứ Trương Triều Dương: Chuyện này là chuyện tôi rất thường gặp. Khi tôi làm Đại sứ ở Philipines, khi nói đến Việt Nam, người Philippines sẽ nói "Friends". "Việt Nam, Philippines, Friends" - về cơ bản là câu cửa miệng của người Philippines khi gặp người Việt Nam.
Người Philippines rất quý và rất khâm phục Việt Nam. Philippines đã từng là thuộc địa của Mỹ trong thời gian rất dài. Họ chỉ phục trên thế giới này có Việt Nam là đánh thắng Mỹ. Thứ hai, người Philippines từ xưa đến nay vẫn quan niệm là Việt Nam kiên cường chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông nên họ luôn coi Việt Nam là bạn.
Việt Nam ta lúc nào cũng thế. Bà con ngư dân của ta cũng như các lực lượng cứu hộ Việt Nam rất nghĩa hiệp, nhân đạo. Câu nói chỉ có 3 từ thôi nhưng ta có thể đọc được trong sâu thẳm, các bạn Philippines muốn nói rằng: "Bạn là bạn của chúng tôi nên các bạn đã cứu chúng tôi". Tôi rất cảm động khi nghe câu này, gợi nhớ lại cho tôi bao nhiêu lần tôi nghe thấy "Việt Nam, Philippines, Friends".
"Chúng tôi mãi mãi mang ơn và mắc nợ Việt Nam", Ngoại trưởng Philippines cũng nói như vậy. Đó là những lời phát biểu rất chân thành của Philippines. Quan hệ giữa ta và Philippines trong các vấn đề liên quan đến nhân đạo này bao giờ cũng tốt. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi nghe thông tin 22 thủy thủ Philippines được ngư dân Việt Nam cứu sống. Đây là việc người Việt Nam luôn luôn làm một khi có chuyện xảy ra. Dân mình là thế: nghĩa hiệp, hào sảng, nhân hậu.
PV: Tàu Việt Nam cũng đã từng bị tàu Trung Quốc đâm. Ông có cho Philippines và Việt Nam hoặc các nước trong ASEAN có hoạt động nghề cá có nên có cơ chế hợp tác để tránh trường hợp tương tự?
Đại sứ Trương Triều Dương: Một cơ chế hợp tác giữa Philippines và Việt Nam hoặc các nước ASEAN trong hoạt động nghề cá là điều tôi rất muốn. Nếu có cơ chế như vậy thì tốt quá. Đó là câu chuyện đã được bàn ở ASEAN nhưng chưa đạt kết quả. Bản thân những nỗ lực của ASEAN liên quan đến việc xây dựng và duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông cho tới nay vẫn chưa có nhiều kết quả mang tính thực chất.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, chuyện tàu cá Trung Quốc đâm tàu Philippines và bỏ mặc không cứu nạn nhân là nghiêm trọng, nhưng trong cái dở cũng có cái hay. Bởi lẽ, những hành động như vậy có thể sẽ tạo thêm động lực, làm cho các nước ASEAN đặc biệt là những nước có vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải suy nghĩ và tìm cách tang cường hợp tác mạnh mẽ hơn, phản ứng quyết liệt hơn để bảo toàn chủ quyền, lợi ích khai thác của các quốc gia ở Biển Đông. Nhất là khi COC đang tiếp tục được bàn thảo, sự kiện này biết đâu sẽ là một "cú hích" cho tiến trình này và tôi quả thực rất mong như vậy.
Đại sứ Trương Triều Dương. Ảnh: PT
PV: Tổng thống Duterte chỉ cho rằng đây là một sự cố hàng hải nhỏ. Ông đánh giá thế nào về phát ngôn này?
Đại sứ Trương Triều Dương: Tôi gặp ông Duterte nhiều lần, tôi hiểu ông Duterte có những bước mang tính hòa giải tiến lại gần Trung Quốc và thậm chí hơi rời xa Mỹ. Cho nên phát biểu của ông ý trong bối cảnh như thế này có thể hiểu được.
Theo tôi hiểu, điều mà ông Duterte e ngại nhất bây giờ là nếu như người Philippines quá bức xúc có thể có đụng độ nóng với Trung Quốc. Điều này, theo ông Duterte, sẽ là thảm họa với Philippines. Chính vì vậy, ông Duterte muốn hạ nhiệt tất cả cho nên có phát ngôn như vậy. Tôi hình dung ra cách suy nghĩ của ông ấy như vậy. Mặc dù tất nhiên cách nói như vậy sẽ gây ra những phản ứng trái chiều trong nội bộ.
Về tâm lý người dân Philippines, về cơ bản họ có quan hệ lâu đời với Mỹ, không thể phủ nhận họ có tình cảm với người Mỹ. Bên cạnh Tây Ban Nha, văn hóa của họ chịu nhiều ảnh hưởng của người Mỹ, nền chính trị thiết kế theo cách của Mỹ, rồi lối sống của họ cũng có ảnh hưởng. Cả kinh tế, chính trị, văn hóa đều ràng buộc rất nhiều với Mỹ, giới tinh hoa lãnh đạo của Philippines đều được đào tạo theo phong cách Mỹ. Đặc biệt là trong quốc phòng, quân đội, tất cả vũ khí trang bị đều là từ Mỹ. Mối ràng buộc với Mỹ là mối ràng buộc chặt chẽ có tính lịch sử lâu đời, không phải một chốc một nhát mà cắt được ngay. Ngả sang Trung Quốc chỉ là một bộ phận rất nhỏ và có lẽ chỉ mang tính nhất thời.
PV: Tôi được biết Việt Nam là nước thứ ba mà Philippines có quan hệ đối tác chiến lược, trước đó chỉ có Mỹ và Nhật, và đến nay cũng chưa có thêm nước nào mà Philippines thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược?
Đại sứ Trương Triều Dương: Đúng vậy. Trước đây ta từng đặt vấn đề nhưng Philippines từ chối. Họ trả lời từ xưa đến nay chúng tôi chỉ có quan hệ Đối tác chiến lược với Mỹ để bảo đảm an ninh và với Nhật để liên kết kinh tế, chúng tôi chưa có ý định thiết lập thêm với nước nào cả.
Sau đó câu chuyện được nhắc lại khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Philippines dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2014. Trên xe ô tô của Thủ tướng tới nơi gặp Tổng thống Philippines, tôi báo cáo về tình hình Philippines cũng như quan hệ 2 nước và ngay lập tức, Thủ tướng quyết định cần phải đưa quan hệ hai nước lên tầm Đối tác chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tôi cố gắng để thuyết phục Philippines nên thiết lập Đối tác chiến lược vì tình hình lúc bấy giờ nếu hai bên thiết lập Đối tác chiến lược thì rất tốt. Thời điểm đó cũng là lúc xảy ra chuyện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Nhận được chỉ thị như vậy từ lãnh đạo cấp cao, và tiếp theo là chỉ đạo cụ thể của Bộ Ngoại giao, tôi cùng anh em cán bộ trong ĐSQ ngay lập tức đã tiến hành công tác việc tiếp xúc với bạn nhằm thực hiện mục tiêu trên. Khi gặp các cán bộ chuyên trách thì câu trả lời vẫn như trước.
Tôi gặp từ Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là ông Albert Del Rosario, gặp cả Tổng thống Aquino III thuyết phục. Tôi nói, chúng ta có nhiều lợi ích giống nhau, cùng là ASEAN, Việt Nam hiện nay đã là Đối tác chiến lược với một loạt nước trong ASEAN. Bây giờ tại sao lại không phải là Philippines?
Hơn nữa, Việt Nam - Philippines có cùng chung nhiều lợi ích ở Biển Đông, hai nước cần tăng cường hợp tác để tìm giải pháp xử lý tình hình đang rất căng thẳng ở khu vực trọng yếu này, vì lợi ích chung của các nước trong khu vực.
Thứ hai, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Philippines là hơn 3 tỷ USD, mức này là cao hơn so với rất nhiều nước ở cả khu vực châu Âu cũng như trong Đông Nam Á. Thị trường của cả hai nước cộng lại là 200 triệu dân. Nếu là Đối tác chiến lược, thị trường lớn như vậy sẽ được mở ra, các những lĩnh vực hợp tác sẽ tăng lên rất nhiều. Tại sao không làm?
Tôi còn nói đùa với Ngoại trưởng và Tổng thống Philippines rằng: "Đây là nhiệm vụ ngài Thủ tướng giao cho tôi, không làm được tôi sẽ bị khiển trách. Ông có muốn ông bạn ông bị khiển trách không?"
Qua nhiều lần trao đổi, phía Philippines đã nhận ra được tầm quan trọng của việc hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và nhất trí cùng Việt Nam bắt tay vào soạn thảo các văn bản. Mất hơn 1 năm thì hoàn tất. Đến năm 2015, Chỉ tịch nước Trương Tấn Sang sang dự APEC thì lãnh đạo hai nước ký kết nâng quan hệ Việt Nam - Philippines lên tầm Đối tác chiến lược. Đây là một trong những việc lớn mà tôi cảm thấy tự hào khi được đóng góp công sức của mình.
Tổng thống Philippines Dutetre trao tặng Huân chương Sikatuna hạng Vàng (Order of Sikatuna, Grand Cross-Gold Distinction) cho Đại sứ Việt Nam Trương Triều Dương. Ảnh: PNA
Tổng thống Duterte chưa có nhiều kỹ năng chính trị về nhiều phương diện. Nhưng ông Duterta là người tử tế và rất có thiện cảm với Việt Nam.
Chính ông Duterte, khi mới nhậm chức Tổng thống, đã nghĩ ra sáng kiến tổ chức lễ đưa tiễn về Việt Nam các ngư dân của ta bị Philippines bắt do xâm phạm và đánh bắt cá trái phép trong hải phận của bạn. Có lẽ chưa bao giờ có chuyện Tổng thống của một nước lại đích thân ra tận nơi đưa tiễn, phát biểu, và tặng quà bao gồm đầy đủ quần áo, đồ ăn thức uống đủ dùng cho một hải trình dài ngày trên biển cho thủy thủ của nước khác, những người vốn đã từng xâm phạm và đánh bắt cá trái phép trong hải phận nước mình. Ông Duterte đã làm như vậy với ngư dân Việt Nam.
Trong bài phát biểu tiễn đưa, ông gọi ngư dân Việt Nam là những người anh em gặp nạn và chúng ta (người Philippines) có nghĩa vụ phải cưu mang. Nên khi được biết chuyện ngư dân Việt Nam cứu tàu cá Philippines, tôi đã không ngạc nhiên mà chỉ nghĩ rằng đây là quan hệ nhân quả. Người Philippines, kể cả Tổng thống của họ đã từng có nghĩa cử với người Việt Nam thì khi có cơ hội, người Việt Nam sẵn sàng đáp trả nghĩa cử đó với người Philippines.