Trả lời câu hỏi của phóng viên chuyên trang Trí Thức Trẻ/Tổ quốc về thông tin liên quan đến việc Lào triển khai xây đập ở Luang Prabang trong năm nay, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích lũy không chỉ của riêng công trình thủy điện Luang Prabang mà tất cả các công trình thủy điện khác trên dòng chính của sông Mekong.
"Như chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ: Các quốc gia có lợi ích chính đáng trong sử dụng tài nguyên nước của sông Mekong trong phát triển đồng thời phải có trách nhiệm chung trong việc sử dụng bền vững nguồn nước của sông Mekong", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.
Việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đến đời sống kinh tế xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn, theo thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mekong tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hợp lý nguồn nước sông Mekong vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước ven sông vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực, bà Hằng nói thêm.
Kéo dài hơn 4.350, sông Mekong chỉ đứng sau Amazon về độ đa dạng sinh học.
Chỉ trong vòng 4 tháng qua, Lào đã vận hành 2 đập đầu tiên ở vùng hạ nguồn sông Mekong là đập Xayaburi và Don Sahong. Năm ngoái, mực nước của sông Mekong đã ở mức thấp nhất trong 50 năm, khiến nhiều người lo ngại về tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và từ 11 con đập do Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ nước này.