Trong cuộc họp báo ngày 14/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Lào sẽ xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, là quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích lũy của các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong.
Như chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ: Các quốc gia có lợi ích chính đáng trong sử dụng tài nguyên nước của sông Mekong trong phát triển phải đồng thời phải có trách nhiệm chung trong việc sử dụng bền vững nguồn nước của sông Mekong.
Việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của dòng sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đến đời sống kinh tế xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn, theo thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mekong tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hợp lý nguồn nước sông Mekong vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước ven sông vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực.
Lào vừa đệ trình kế hoạch xây dựng đập thủy điện mới trên sông Mekong, dự kiến việc xây dựng sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, Bangkok Post đưa tin, trích lời Ủy hội sông Mekong (MRC).
Nhà máy thủy điện Sanakham, dự kiến tiêu tốn khoảng 2,072 tỷ USD, sẽ được phát triển bởi công ty Datang Sanakham Hydropower, thuộc tập đoàn Datang International Power Generation Co. của Trung Quốc, theo MRC.
Phát triển thủy điện là trọng tâm kế hoạch xuất khẩu khoảng 20.000 Megawatts điện cho các nước láng giềng đến năm 2030 và dự án thủy điện mới nhất là dự án thứ 6 trong số 9 đập thủy điện mà Lào lên kế hoạch xây dựng trên sông Mekong.
Lào đã hoàn tất 2 đập thủy điện trên sông Mekong, là đập Xayaburi và Don Sahong, mặc dù các nhóm hoạt động môi trường bày tỏ sự phản đối, cho rằng, đập thủy điện sẽ ảnh hưởng đến hệ thống sông ngòi, đang hỗ trợ sinh kế cho khoảng 60 triệu người.
Dự án đập Sanakham sẽ trải qua quá trình tham vấn bởi MRC, thường kéo dài 6 tháng, các thành viên khác của MRC bao gồm Thái Lan, Campuchia và Việt Nam có thể xem xét và đánh giá các ảnh hưởng xuyên biên giới.
Tuy nhiên, quy trình tham vấn của MRC không có tác dụng phủ quyết.