Phát hiện gây ra 'cơn địa chấn' ở Trung Quốc
Từ xa xưa cho đến tận ngày nay, người Trung Quốc vẫn quan niệm rằng, việc sở hữu bộ đồ nội thất bằng gỗ giáng hương là biểu tượng của sự giàu sang.
Vật liệu gỗ giáng hương thường không dài quá 1 thước, vì vậy phần lớn các đồ nội thất làm bằng loại gỗ này đều được kết nối từ nhiều mảnh gỗ nhỏ bằng liên kết mộng. Các đồ nội thất to hoặc nguyên khối bằng gỗ giáng hương lại càng hiếm gặp hơn.
Tương truyền rằng, từ cuối thế kỷ XVI cho tới đầu thế kỷ XVII, các giáo sĩ phương Tây đã phát hiện ra một chiếc tủ bằng gỗ giáng hương cao 4 mét tại Trung Quốc. Phát hiện này đã gây chấn động lớn, rất nhiều người từ khắp nơi tranh nhau mua để mang về nước, tạo nên cơn sốt đầu tiên của đồ nội thất cổ Trung Quốc trên thế giới.
Giáng hương là loài cây gỗ quý, trăm năm chỉ cao một tấc (Ảnh: Báo Gia Lai)
Loài cây bản địa ở Việt Nam, trăm năm mới cao 1 tấc
Giáng hương là một loại cây gỗ du nhập vào Trung Quốc. Theo trang tin Sohu, vào thời kỳ giữa và cuối đời Nhà Thanh, gỗ giáng Hương được nhập vào Trung Quốc để thay thế dần cho gỗ Hoàng hoa lê (hay gỗ sưa) vốn lúc đó đã bắt đầu trở nên khan hiếm. Tuy không đẹp như gỗ sưa nhưng gỗ giáng hương phảng phất vẻ trầm lặng cổ xưa mà những loại gỗ khác không thể sánh được.
Theo nghiên cứu về gỗ giáng hương của nhóm tác giả đến từ Phòng thí nghiệm trồng và sử dụng cây lâm nghiệp, Học viện Lâm nghiệp Vân Nam (Trung Quốc), gỗ giáng hương (hay còn gọi là Dáng hương hoặc gỗ Hương) là cây gỗ thuộc họ Đậu, có tên khoa học là Pterocarpus macarocarpus. Đây là loài cây bản địa của Việt Nam, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia.
Tại Việt Nam, gỗ giáng hương trước đây xuất hiện nhiều ở các tỉnh Kon Tum (Sa Thầy), Gia Lai (Chư Prông, Mang Yang, An Khê), Đắk Lắk (Đắk Mil), Khánh Hòa (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa), Phú Yên (Sơn Hoà), Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai.
Tuy nhiên hiện nay, gỗ giáng hương ở Việt Nam đã được xếp vào loại cây gỗ quý thuộc nhóm I - danh mục cấm khai thác, đồng thời nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007). Gỗ giáng hương giờ đây rất khan hiếm, khó tìm được những cá thể có kích thước lớn như trước đây.
Gỗ giáng hương là cây gỗ to, cao từ 15-25m, gốc có bạnh, thân thẳng, vỏ màu nâu xám, bong thành mảng hay nứt dọc, có nhựa màu đỏ tươi. Tuy có thể thích nghi dễ dàng với sự thay đổi của môi trường về nhiệt độ lẫn khí hậu và dạn dày thời tiết khắc nghiệt nhưng tốc độ sinh trưởng của gỗ giáng hương rất chậm. Tương truyền, loại gỗ này trăm năm chỉ cao một tấc, trong khi năm tấc thì mới có thể sử dụng được.
Ngoài phần gỗ dùng làm nội thất rất đẹp, cây giáng hương còn được nhắc đến với những ứng dụng làm thuốc chữa bệnh của y học cổ truyền.
Nu hương được ví đắt như kim cương. Ảnh: Gỗ nghệ thuật
"Tấc giáng hương tấc vàng"
Trong dân gian có câu "tấc giáng hương tấc vàng", điều này phản ánh rằng loại cây gỗ này rất quý hiếm, lại vô cùng đắt đỏ. Theo trang mạng zhuanlan.zhihu (Trung Quốc), ngay từ khi gỗ giáng hương du nhập vào Trung Quốc, nó đã rất được coi trọng.
Dữ liệu lịch sử cho thấy trong một thời gian dài, giá gỗ giáng hương luôn cao hơn gỗ Hoàng hoa lê. Ví dụ gỗ giáng hương có giá 1 đồng bạc/kg, trong khi gỗ Hoàng hoa lê (bao gồm cả Hoàng hoa lê Hải Nam) chỉ có giá 4 xu.
Lý do là bởi gỗ giáng hương rất đặc biệt, nó có màu sắc đẹp, kết cấu độc đáo, được xem là "kho báu của thiên nhiên". Gỗ giáng hương rất nặng và chắc, độ cứng đứng đầu trong các loại gỗ, nhưng tốc độ phát triển chậm, có khi phải đợi tới 800 năm mới đủ độ phát triển để sử dụng.
Ngoài ra, loài cây gỗ này hiện có được xếp vào danh mục cấm khai thác. Do đó, theo zhuanlan.zhihu, việc gỗ giáng hương vượt qua Hoàng hoa lê là điều tất yếu.
Đáng nói, phần dị tật trên thân gỗ giáng hương cũng rất đáng giá. Nó được gọi là gỗ nu (hay gỗ nu hương), được hình thành do những tác động vật lý (hoặc bị công trùng/vi sinh vật tấn công) vào thân cây trong quá trình sinh trưởng gây nên.
Do đặc điểm sinh lý, khi phải chịu những tổn thương này, cây giáng hương sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng từ đất và không khí rồi dồn một lượng lớn vào chỗ bị thương, làm cho vị trí đó phát triển khác thường, thậm chí dị dạng so với những nơi khác trên thân cây, đôi lúc trông như một "cục bướu".
Độ lớn của cục bướu này sẽ phụ thuộc vào cách cây hấp thụ dưỡng chất và thời gian sinh trưởng nhưng phần lớn thì phần bướu sẽ có đường kính lớn hơn thân cây chủ.
Nếu trong các loại đá quý, kim cương là thứ đắt giá nhất thì trong các loại gỗ, gỗ nu cũng đồng thời là thứ đắt giá nhất, dù nó chỉ là một phần dị dạng xấu xí của cây.
Cây gỗ giáng hương cổ thụ ngàn năm tuổi ở Yuk Kla. Ảnh: Gia đình & Xã hội
Trước đó, theo Dân Trí, bộ bàn ghế được chế tác từ gốc cây gỗ nu rừng của một nghệ nhân người Thái Bình từng được rao bán với giá trên 1 tỷ đồng và đã gây sốt tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ở Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội vào tháng 8/2016.
Năm 2017, theo ghi nhận của báo Gia đình & Xã hội, một cây gỗ giáng hương cổ thụ ngàn năm tuổi tích tụ sinh khí đất trời ở thôn Yuk Kla (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk) được xem là "báu vật ngàn năm".
Cây gỗ này sau đó đã được cấp phép cho ông Văn Tiến Hùng - một người có thâm niên lâu năm trong nghề khai thác gỗ - di dời tới phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa.
Vừa chuyển về đến phường Tân Sơn, ông đã được hàng trăm chủ gỗ tên tuổi ở các tỉnh thành chào đón, ngã giá để mua lại cây. Ông Sơn cho biết, thậm chí có những đại gia trả giá 1 triệu USD để lấy cả cây nhưng ông đều khước từ không bán.
Theo một số chuyên gia phong thủy, cây này vốn dĩ đã tích tụ linh khí của núi rừng trên 1000 năm, người muốn sở hữu phải hợp mệnh, hợp duyên và tôn vinh đúng được giá trị của báu vật này.