Các nhà khảo cổ từ Đại học Gothenburg (Thụy Điển) đã phát hiện ra những ngôi mộ hoàng gia gần thành phố Dromolaxia Vizatzia của thời đại đồ đồng, tọa lạc tại khu phức hợp Hala Sultan Tekke trên bờ biển phía đông nam của Síp.
Các ngôi mộ này có niên đại từ khoảng 1500 - 1300 trước Công nguyên, trong thời kỳ thành phố Dromolaxia Vizatzia đang là trung tâm buôn bán đồ đồng. Theo nhóm nghiên cứu, đây là một trong những ngôi mộ "giàu nhất" từng được tìm thấy ở khu vực Địa Trung Hải.
Những ngôi mộ cổ đã được tìm thấy sau khi các nhà khảo cổ phát hiện từ trường dị thường ở khu vực này. Ảnh: GS Fishcher
Giáo sư Peter Fishcher từ Đại học Gothenburg cho biết: "Có một giả thuyết khá hợp lý rằng đây là những ngôi mộ của hoàng gia, mặc dù chúng tôi chưa nắm được nhiều thông tin về hình thức chính quyền được thiết lập tại thành phố vào thời điểm đó".
Do số lượng đồ tạo tác kim loại bên trong các ngôi mộ rất phong phú nên khi sử dụng từ kế để thăm dò quanh khu vực này, các nhà khảo cổ đã phát hiện từ trường dị thường. Trước đó, trong quá trình cày xới để canh tác tại đây, nông dân đã nhiều lần tìm thấy các mảnh gốm vỡ không thuộc về thời hiện đại.
"Chúng tôi đã so sánh địa điểm nơi các mảnh gốm vỡ được phát hiện trong quá trình canh tác với bản đồ từ kế, kết quả cho thấy những lỗ hổng lớn từ 1-2 mét dưới bề mặt đất. Điều đó thúc đẩy chúng tôi tiếp tục thăm dò khu vực và khám phá ra những ngội mộ này" - Ông Fischer cho hay.
Một lượng cổ vật lớn đã được thu thập từ hầm mộ. Ảnh: GS Fishcher
Các ngôi mộ có kết cấu nhiều phòng dưới lòng đất, mỗi phòng có kích thước lên tới 4x5 mét, phía trên bề mặt mộ có một lối đi hẹp. Ở hai căn phòng trong số này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 500 món đồ tạo tác hoàn chỉnh, bao gồm kim loại quý, đá quý, vũ khí bằng đồng, ngà voi, gốm sứ cao cấp và một con dấu có khung bằng vàng làm từ đá haematite.
Khoảng một nửa đồ tạo tác trong các ngôi mộ có nguồn gốc từ các nền văn hóa và văn minh lân cận. Ví dụ như vàng và ngà voi đến từ Ai Cập, đá quý từ Afghanistan, Ấn Độ và Sinai, trong khi các đồ tạo tác bằng hổ phách đến từ vùng Baltic.
Cuộc khai quật cũng phát hiện một số bộ xương được bảo quản tốt. Đáng chú ý nhất là bộ xương một người phụ nữ với hàng chục bình gốm, đồ trang sức và một chiếc gương tròn bằng đồng đặt xung quanh.
Theo Giáo sư Fishcher, một số bộ xương, của cả nam và nữ, còn đeo vương miện và vòng cổ với mặt dây chuyền được làm từ vật liệu có chất lượng cao nhất, nhiều khả năng được chế tác tại Ai Cập, dưới thời của các pharaoh như Thutmose III và Amenhotep IV (Akhenaten).
Có vẻ đảo Síp là nơi đóng vai trò quan trọng trong thời đại đồ đồng. Từ năm 2014 đến năm 2021, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Gent (UGent) và Hiệp hội khảo cổ Địa Trung Hải đã tiến hành cuộc thám hiểm trên ngọn đồi lớn nằm gần làng Pyla, trên bờ biển phía đông nam của đảo Síp.
Kể từ khi khởi động cuộc khai quật này, nhiều khám phá quan trọng đã được thực hiện, các đồ vật bằng đất nung, đồng và đá được tìm thấy trên khắp khu phức hợp này. Một trong những phát hiện đáng chú ý là thứ trong như một “quả trứng”, khi được mở ra, bên trong nó là một chiếc đĩa vàng nặng 472 gr. Hiện cổ vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng Larnaka.
Trong một lần khác, nhóm khảo cổ đã phát hiện ra chiếc bình lớn bằng thạch cao, vẽ hoa sen, chứa đầy đồ trang sức bằng đồng, ngà voi và đá. Nó dường như có nguồn gốc từ Ai Cập.
Gần đây nhất, vào năm 2022, các nhà khảo cổ thông báo họ đã tìm ra thêm một kho báu lớn trên đảo Síp. Kho báu này được tạo thành từ vàng, bạc, đồng, thạch cao, góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử phức tạp của thời đại đồ đồng.