Washington vẫn rất cần Islamabad
Bình luận về việc Mỹ thông báo ngừng khoản viện trợ an ninh trị giá hàng trăm triệu USD cho Pakistan, chuyên gia an ninh và chính trị người Pakistan Rahimullah Yusufzai nhận định rằng, quyết định này không bất ngờ, và không có nghĩa rằng Washington sẽ hoàn toàn ngừng viện trợ cho quốc gia Nam Á này.
"Điều này nằm trong dự đoán, và Pakistan đang chuẩn bị cho điều đó", nhà phân tích Rahimullah Yusufzai phát biểu trên đài Sputnik khi bình luận thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tuần trước rằng Washington sẽ không còn viện trợ tài chính liên quan đến an ninh và thiết bị quân sự cho lực lượng vũ trang Pakistan.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đưa ra quyết định quan trọng này do lo ngại rằng Islamabad đang cung cấp nơi lẩn trốn an toàn cho mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và Haqqani – đồng minh của phong trào Taliban, tổ chức có âm mưu tấn công binh lính Mỹ tại Afghanistan trong những năm gần đây.
Với nhận định đó, chuyên gia Yusufzai cho rằng, việc cắt giảm viện trợ không có nghĩa là Mỹ hoàn toàn ngừng viện trợ cho Pakistan.
"Tôi không nghĩ họ sẽ chấm dứt viện trợ hoàn toàn, bởi vì họ vẫn muốn làm việc với Pakistan. Họ vẫn cần Pakistan. Các tuyến đường cung cấp tới Afghanistan đều đi qua Pakistan. Hiện có 20.000 binh lính nước ngoài đồn trú tại Afghanistan. Họ cần mọi loại mặt hàng tiếp tế thông qua đường bộ và đường hàng không Pakistan", ông Yusufzai cho biết.
"Do vậy, tôi cho rằng sẽ có nhiều cuộc đàm phán nữa. Có thể sẽ không có bất kỳ đột phá nào, nhưng theo tôi mối quan hệ này sẽ không bị phá vỡ hoàn toàn."
Rất nhiều lính Mỹ cần khoản viện trợ thông qua đường bộ - đường không của Pakistan. Ảnh: US. Army
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải một số dòng tweet chỉ trích chính sách viện trợ của Mỹ đối với Pakistan, tuyên bố phá vỡ chính sách của hai chính quyền tiền nhiệm khi bơm hàng chục tỷ đô la viện trợ cho quốc gia mà không thu lại được gì nhiều.
Ông Yusufzai lập luận rằng, việc Tổng thống Trump hoạch định chính sách thông qua "những ngôn từ mạnh mẽ" trên Twitter là một trong những nguyên nhân dẫn đến những rắc rối hiện tại giữa hai quốc gia, và "là một trong những lý do vì sao Pakistan giận giữ và cứng rắn".
Chuyên gia Yusufzai cho biết, cũng như Mỹ, Pakistan rất cứng rắn, và họ đang đáp trả mọi cáo buộc do ông Trump đưa ra.
"Kiểu điều hành chính sách đối ngoại thông qua truyền thông không thể đạt nhiều kết quả, và ngày càng có nhiều đồng minh xa lánh", ông nhận định.
Pakistan không lo "mất" trợ cấp
Trong khi đó, ông Yusufzai cho biết, tính đến nay, các quan chức Pakistan vẫn bác bỏ tầm quan trọng của khoản viện trợ ước tính trị giá 900 triệu USD đang đứng trước nguy cơ bị ngừng cung cấp.
"Nếu bạn lắng nghe các quan chức Pakistan sẽ thấy rằng họ khẳng định rằng gói viện trợ này không có nhiều ý nghĩa. Bộ trưởng Tài chính Pakistan từng khẳng định, viện trợ của Mỹ chỉ đủ cho Pakistan chi phí trong 1 ngày. Họ tuyên bố rằng họ không phụ thuộc nhiều vào Mỹ," nhà phân tích tiết lộ.
"Đó là cách nói phóng đại, nhưng tôi nghĩ sẽ có những tác động nhất định, thậm chí là không nhiều. Bởi vì Pakistan đang tiến hành các chiến dịch quân sự tại những khu vực bộ lạc, dọc biên giới, và đang giúp Mỹ chống lại khủng bố. Tiến trình này sẽ chậm lại, và theo tôi sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề đối với cả hai quốc gia Mỹ và Pakistan tại Afghanistan.
Do vậy, sẽ có một số tác động ngắn hạn, và chúng tôi không biết điều này sẽ tiếp tục trong bao lâu và điều gì sẽ xảy ra trong dài hạn," ông Yusufzai phân tích.
Khi được hỏi liệu có chính xác không khi Washington khẳng định rằng Islamabad đã thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố, ông Yusufzai khẳng định, thực sự có nhiều tranh cãi về việc Pakistan không phản ứng nhanh trong cuộc chiến với lực lượng phiến quân, chứ không phải là thiếu sự hỗ trợ từ phía Islamabad.
Binh lính Mỹ tuần hành tại Afghanistan. Nguồn: Air Source
The ông Yusufzai, Mỹ muốn "hành động chống lại mạng lưới Haqqani". Trong khi đó, Pakistan cho biết, Haqqani không còn tồn tại tại Pakistan nữa.
Một vấn đề khác xoay quanh vấn đề liệu một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này có tồn tại hay không, với việc Islamabad thích lựa chọn con đường ngoại giao, trong khi Mỹ tìm kiếm chính sách quân sự.
Ngoài ra, một trong những lời giải thích mà Islamabab có thể phản pháo Mỹ là 2,7 triệu người tị nạn Afghanistan đang sinh sống ở Pakistan trong gần 4 thập kỷ qua, và các nhóm khủng bố, chẳng hạn như Al-Qaeda và Haqqani có thể dễ dàng trà trộn vào những nhóm tị nạn để ấn trốn và hoạt động.
Theo ông Yusufzai, nỗ lực cho số người tị nạn này hồi hương cần sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế.
"Pakistan hiện đang chịu sức ép, không chỉ từ Mỹ mà còn từ chính phủ Afghanistan và Ấn Độ. Do vậy, hiện có nhiều vấn đề đối với Pakistan và họ cần phải đưa mọi thứ trở về trật tự.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, Pakistan không thể giúp Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến tại Afghanistan. Điều này phụ thuộc vào chính phủ Afghanistan, lực lượng Mỹ và NATO", nhà phân tích Yusufzai kết luận.
Chuyên gia an ninh và chính trị người Pakistan Rahimullah Yusufzai. Ảnh: Rahat Dar
- Phóng viên chiến tranh người Pakistan nổi tiếng từng phỏng vấn trùm khủng bố Osama bin Laden và Thủ lĩnh Taliban Mullah Omar.
- Cây bút thường trực của tạp chí Time và hãng tin BBC tại Pakistan.