Với việc viện trợ quân sự của Washington cho Ukraine bị "kẹt" tại Quốc hội Mỹ và Kyiv đang nỗ lực để có thêm sự giúp đỡ, một tổ chức tư vấn gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng xung đột kết thúc theo hướng có lợi cho Nga sẽ khiến người nộp thuế ở Mỹ phải trả một khoản tiền "khủng khiếp" cho việc tăng cường chi tiêu quốc phòng của đất nước.
Các binh sĩ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễu hành trong một cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Mỹ có lợi ích lớn trong xung đột ở Ukraine
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, DC - cảnh báo rằng, nếu lực lượng Nga thắng Ukraine, Mỹ sẽ buộc phải điều quân và máy bay tàng hình đến Đông Âu, khiến lực lượng Mỹ bị dàn mỏng và làm suy yếu năng lực bảo vệ đồng minh của Washington ở châu Á.
Các nhà phân tích cho biết trong báo cáo đánh giá được ISW công bố hôm 14/12 rằng, Mỹ "có lợi ích cao hơn nhiều" trong cuộc xung đột Ukraine "so với hầu hết những gì mọi người nghĩ".
Các nhà phân tích chiến tranh lập luận rằng, nếu viện trợ của phương Tây cho Ukraine đột ngột bị cắt - như các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ hiện đang đe dọa, điều đó "sớm hay muộn sẽ dẫn đến sự sụp đổ về năng lực của Ukraine trong việc ngăn chặn quân đội Nga", và cuối cùng cho phép Nga kiểm soát được Ukraine.
Theo các chuyên gia chiến tranh, đối với Mỹ, việc hỗ trợ Ukraine thông qua viện trợ quân sự của phương Tây sẽ "có lợi hơn và rẻ hơn nhiều" so với việc Ukraine thua trong cuộc chiến.
Theo tờ Business Insider, các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã ngăn chặn gói viện trợ mới cho Ukraine. Tổng thống Joe Biden cáo buộc phe bảo thủ đang dùng gói viện trợ này làm "con tin" trong nỗ lực "ép buộc thông qua chương trình nghị sự đảng phái cực đoan" về vấn đề biên giới Mỹ - Mexico.
Trong khi một số thành viên Cộng hòa nói họ muốn có chính sách nhập cư cứng rắn hơn và tài trợ nhiều hơn cho công tác bảo vệ an ninh biên giới để đổi lấy việc giúp đỡ Ukraine, thì các nhà lập pháp cánh hữu khác lại loại trừ khả năng cấp thêm tiền cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington D.C., ngày 12/12/2023. Ảnh: AFP
Viễn cảnh mà Mỹ không muốn chứng kiến
Theo ISW, kịch bản Nga tiếp quản toàn bộ Ukraine "không phải là không thể" nếu viện trợ của Mỹ cho Kyiv bị đứt đoạn và châu Âu cũng theo bước.
Các chuyên gia của ISW đánh giá một kết quả như vậy sẽ giúp lực lượng Nga giành thắng lợi trên thực địa tại Ukraine và "tiến thẳng tới biên giới NATO từ Biển Đen đến Bắc Băng Dương".
Điều đó có nghĩa Mỹ sẽ buộc phải triển khai một phần lớn lực lượng trên bộ của mình tới Đông Âu để "ngăn chặn và phòng thủ trước mối đe dọa mới từ Nga".
Ngoài ra, Mỹ sẽ phải triển khai một số lượng lớn máy bay tàng hình ở châu Âu, vì Nga có thể điều lực lượng phòng không trực tiếp tới biên giới NATO, tổ chức tư vấn này nhận định.
Theo ISW, "việc chế tạo và bảo trì những chiếc máy bay đó về bản chất rất tốn kém", nhưng những thách thức trong việc sản xuất chúng một cách nhanh chóng có thể sẽ buộc Mỹ phải đứng trước lựa chọn khó khăn: Duy trì đủ số lượng máy bay ở châu Á để bảo vệ các đồng minh khu vực, hay ngăn chặn bước tiến của Nga nhằm vào vào đồng minh NATO.
Các nhà phân tích chiến tranh cảnh báo, cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền và không có hồi kết. Điều này cũng sẽ làm xói mòn năng lực của Mỹ trong cam kết bảo vệ đảo Đài Loan (Trung Quốc) trước kịch bản Quân Giải phóng nhân dân (PLA) có hành động quân sự.
ISW giải thích rằng, tất cả các kịch bản về Đài Loan đều phụ thuộc rất nhiều vào cùng một loại máy bay tàng hình cần thiết để bảo vệ châu Âu.
Tổ chức tư vấn này cho biết thêm: "Cái giá phải trả của các biện pháp phòng thủ này sẽ rất lớn và có thể đi kèm với một giai đoạn rủi ro rất cao khi lực lượng Mỹ không được chuẩn bị hoặc chuẩn bị không đầy đủ để đối phó với Nga hoặc Trung Quốc, chứ đừng nói đến cả hai."