"Sát thủ diệt Guam"
Tháng 4/2018, quân đội Trung Quốc (PLA) đã trưng bày 22 tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) DF-26 trong một buổi lễ duyệt binh. Song, những quả tên lửa dài 14m này đã lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc duyệt binh của Trung Quốc 3 năm trước.
Do tất cả các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đều có cụm “Dong Feng” (Đông Phong - Gió đông) trong tên gọi nên cái tên không tiết lộ nhiều về năng lực của chúng. Tuy nhiên, cư dân mạng Trung Quốc đã đặt cho mẫu tên lửa mới một biệt danh ngắn gọn, súc tích, dường như ám chỉ vai trò chính của nó, đó là “Sát thủ diệt Guam”.
DF-26 được mệnh danh là "Sát thủ diệt Guam". Ảnh: blog.sina.com.cn
Ngăn cách giữa Tây duyên hải Hoa Kỳ và Trung Quốc là 8.000 - 9.600km đường biển của Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, việc triển khai và duy trì liên tục bất cứ luồng sức mạnh nào cũng đều đòi hỏi phải có một chuỗi các căn cứ quân sự trên đảo xuyên Thái Bình Dương và phải có các đồng minh ở châu Á.
Việc phát triển mạng lưới này đã được Mỹ bắt đầu tiến hành từ giữa thế kỷ 19 và kết thúc sau Thế chiến II, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành các khách hàng của Mỹ và cũng là nơi để Washington triển khai sức mạnh quân sự.
Trong suốt giai đoạn này, ở đầu bên kia của Thái Bình Dương, Trung Quốc không làm được điều tương tự. Sau “Thế kỷ ô nhục”, Bắc Kinh tin rằng với tư cách là một cường quốc, nước này được quyền thống trị một nửa Thái Bình Dương, và vì thế họ đã mở rộng mạnh mẽ các căn cứ hải quân để bù đắp cho quãng thời gian đã mất.
Quân đội Trung Quốc cho rằng các căn cứ của Mỹ tại Okinawa và Philippines nằm trong “Chuỗi đảo thứ nhất” - chúng có thể dễ dàng được sử dụng để phát động các cuộc tấn công nhằm vào Trung Quốc, sử dụng các máy bay chiến đấu tầm ngắn.
Trong những năm 1980, PLA đã xây dựng một lực lượng khổng lồ gồm hơn 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, có thể đe dọa các căn cứ này, cũng như Đài Loan, bằng hỏa lực có khả năng quét sạch không lực dưới mặt đất.
Tuy nhiên, PLA nhận thấy Mỹ còn có hàng phòng thủ thứ hai ở phía đông Nhật Bản - tại đó, Guam - thuộc chuỗi đảo Marianas - là căn cứ quan trọng nhất. Căn cứ không quân Andersen tại Guam là nơi đóng quân thường trực của các máy bay ném bom chiến lược B-1, B-2 và B-52, trong đó B-2 và B-52 được cấu tạo để mang vũ khí hạt nhân.
Hòn đảo này còn là nơi cất trữ một lượng lớn đạn dược và nhiên liệu phục vụ cho các máy bay quân sự, tàu hải quân của Mỹ và còn là căn cứ triển khai lực lượng thủy quân lục chiến. Nó hiện được bảo vệ bởi các tên lửa phòng không Patriot và THAAD.
Căn cứ không quân Andersen của Mỹ tại Guam. Ảnh: Air Force Times
Khác với Nhật Bản và Philippines, Trung Quốc thiếu các loại tên lửa tầm bắn trên 3.000km để tấn công Guam - trừ một ngoại lệ đáng chú ý, đó là các tên lửa đạn đạo liên lục địa trang bị vũ khí hạt nhân. Chúng còn có thể tấn công các thành phố thuộc lục địa Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ có vài trăm đầu đạn hạt nhân - một con số rất khiêm tốn so với hàng nghìn đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ. Vì thế, PLA theo đuổi chiến lược răn đe nhiều hơn là chiến tranh hạt nhân tấn công.
PLA vẫn đang trăn trở xem liệu nước này có thể đối phó với Guam bằng cách nào trong cuộc xung đột này.
Chắc chắn, các máy bay ném bom H-6 và tàu chiến mặt nước, tàu ngầm của Trung Quốc có thể tiếp cận hòn đảo này và phóng tên lửa hành trình. Song, điều đó sẽ khiến các phương tiện chiến đấu có giá trị của Trung Quốc lộ mình và bị phá hủy, nhất là khi Hải quân Trung Quốc đang thiếu hụt năng lực tấn công mặt đất bằng tên lửa hành trình.
Với tầm bắn từ 3.000 - 4.000km, DF-26 đã mang lại cho Bắc Kinh một loại vũ khí có thể tấn công vào căn cứ quan trọng của Mỹ bằng đầu đạn thông thường nặng 1.500kg, mà không cần dùng tới hạt nhân hay liều lĩnh triển khai lực lượng tại vùng biển đối đầu nhiều rủi ro.
Một số mục tiêu tiềm năng khác của DF-26 có thể nằm ở Ấn Độ hoặc bắc Australia.
Mối đe dọa thực sự với Mỹ?
Tuy nhiên, Jane’s 360 ước tính sai số vòng tròn (CEP) của DF-26 là 150-450m. Tên lửa, với sai số vòng tròn bằng chiều dài của sân bóng đá, sẽ khó có thể đem lại kết quả đáng tin cậy như "thổi bay" được một kho nhiên liệu kiên cố, hay một hangar chứa máy bay ném bom tàng hình, thậm chí là phá hỏng đường băng.
Thế nhưng, một số nguồn tin khẳng định DF-26 là tên lửa “tấn công chính xác”, vì thế sai số vòng tròn 150-450m có thể sai lệch hoặc chỉ phản ảnh hiệu quả tác chiến của nguyên mẫu tên lửa ban đầu, khi chưa được cải tiến.
Mạng lưới phòng thủ tên lửa của Guam (có thể được tăng cường thêm bằng tên lửa đánh chặn SM-3 của Hải quân Mỹ) có khả năng đánh chặn một số (không phải tất cả) tên lửa DF-26.
Tháng 8/2017, PLA thông báo đã bắn thử nghiệm 4 tên lửa DF-26 trong cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào một tổ hợp THAAD. Điều đó cho thấy chiến lược của nước này có lẽ là tiến hành một cuộc tấn công nhằm loại bỏ các hệ thống phòng không của đối phương.
Vì thế, ngay cả khi DF-26 có thực sự hiệu quả đi chăng nữa thì nó cũng chỉ tạo được mối đe dọa lớn đối với Mỹ nếu khả năng tấn công chính xác hoặc số lượng của nó tăng lên.
Tên lửa DF-26 chỉ tạo được mối đe dọa thực sự với Mỹ nếu cải thiện được độ chính xác và tăng số lượng? Ảnh: GlobalSecurity.org
DF-26 mang được 3 đầu đạn hạt nhân có thể tách ra để tấn công nhiều mục tiêu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, quân đội PLA theo học thuyết “Không tấn công trước”, tức là chỉ tấn công trả đũa, không tấn công phủ đầu.
Khả năng cơ động đường trường của DF-26 đóng vai trò quan trọng trong khía cạnh này, bởi nó có thể dễ dàng phân tán nhằm tránh bị phá hủy trong cuộc tấn công phủ đầu của đối phương.
Ngược lại, việc không xác định được tên lửa DF-26 đang lao tới mang đầu đạn thông thường hay hạt nhân có thể vô tình làm tình hình leo thang, kích động Mỹ trả đũa bằng hạt nhân.
Các nhà bình luận Trung Quốc tuyên bố DF-26 còn có phiên bản chống tàu (dường như được gọi là DF-26B), tương tự như tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D.
DF-21D đã khiến Hải quân Mỹ xôn xao khi được đưa vào biên chế 1 thập kỷ trước, bởi họ phải đối diện với mối đe dọa như sẽ có các tên lửa đạn đạo dẫn đường lao xuống từ trong không gian nhằm vào các tàu sân bay Mỹ.
Trong tình hình hiện nay, các tàu sân bay Mỹ sẽ phải mạo hiểm tiếp cận gần đường bờ biển của Trung Quốc để các tiêm kích tàng hình F-35 có thể tác chiến.
Và như thế, tên lửa chống tàu DF-26 có thể tạo ra mối đe dọa, thậm chí còn lớn hơn, đối với chúng.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thông tin xác nhận nào cho thấy DF-26 và DF-21D đã được thử nghiệm nhằm vào mục tiêu di động trên biển.
Bất cứ loại vũ khí nào chưa được thực hành nhiệm vụ khó nhiều lần sẽ không phải là thứ có thể trông chờ để mang lại một hiệu ứng cụ thể. Do đó, có khả năng Bắc Kinh đang tung hô cả 2 loại vũ khí trên nhằm mục đích tuyên truyền và răn đe cho tới khi họ đủ tự tin về công nghệ để mở rộng hình thức thử nghiệm.
Một vấn đề quan trọng khác là khả năng tấn công biển và tấn công mặt đất của DF-26D: Chế tạo được tên lửa bay xa 3.200km là một chuyện, nhưng trước tiên, làm thế nào để xác định được mục tiêu?
Các phương tiện trinh sát/tình báo và liên lạc đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong việc lùng sục tàu sân bay của đối phương trên biển.
Trung Quốc hiện có khoảng 100 vệ tinh quân sự, có thể giúp họ bao quát các vùng biển và căn cứ nằm trong chuỗi đảo thứ nhất. Song, mức độ bao quát của chúng đối với đảo Guam hiện rời rạc hơn, mặc dù theo thời gian, Trung Quốc có lẽ sẽ khắc phục được điều này.
Xét từ những yếu tố trên, có thể kết luận rằng những hạn chế về độ chính xác của tên lửa và khả năng tình báo sẽ khiến “sát thủ diệt Guam” hiện nay trở thành vũ khí quấy rối nhiều hơn là mối đe mối đe dọa quân sự đích thực - trừ phi nó được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ gia tăng mức độ chính xác, số lượng tên lửa DF-26 và cải tiến các phương tiện do thám hỗ trợ chúng trong thời gian tới.
Trong khi đó, cũng cần lưu ý rằng, Mỹ đang có kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa nước này với Nga. Do đó, Lầu Năm Góc có thể sẽ tìm cách phát triển các tên lửa đạn đạo tầm trung mới, và chúng có thể sẽ được triển khai cả trên đảo Guam.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Sébastien Roblin - chuyên gia ngành giải quyết xung đột tại Đại học Georgetown (Mỹ).