Với điện ảnh quốc tế, đoàn phim nào cũng có một tổ phụ trách hậu trường. Công việc của họ là chụp ảnh và quay clip suốt quá trình thực hiện bộ phim. Trước khi ra mắt công chúng, những hình ảnh và clip này được công bố với khán giả như một cách PR, quảng cáo cho phim.
Vài năm gần đây, các nhà sản xuất và đạo diễn phim Việt cũng học theo cách làm này. Tuy nhiên, hình ảnh clip hậu trường của phim Việt chủ yếu tập trung vào dàn diễn viên chứ chưa quan tâm nhiều tới công việc vất vả của các ê-kíp phía sau.
Trong khi đó, một bộ phim khi ra mắt công chúng là công sức toàn bộ ê-kíp với mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu và đam mê của hàng trăm con người ở nhiều khâu, nhiều bộ phận.
Diễn viên chỉ là bề nổi mà công chúng nhìn thấy khi xem phim. Còn hậu trường chìm lặn phía sau là tác giả, đạo diễn, tổ quay phim, tổ lồng tiếng, bộ phận thiết kế, phục trang, hóa trang và cả những người lo cơm nước cho đoàn phim mỗi ngày.
Trong đó, anh em tổ quay phim được xem là cánh tay phải của đạo diễn. Cộng hưởng với nội dung, quay phim kết hợp ánh sáng, bối cảnh, diễn viên, hậu kỳ để tạo ra những thước phim đẹp và quyết định thành công của phim.
Thế nhưng những thước phim về họ lại không bao giờ được lên sóng. Khán giả gần như không hề biết về công việc của họ như thế nào...
Hậu trường làm phim: những thước phim không bao giờ được lên sóng
Theo chia sẻ của anh Phạm Hoài Viễn (nghệ danh Vienhulk) quay phim của "Tik tak, Anh yêu em": công việc của tổ quay phim rất cực, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và đam mê khủng khiếp thì mới làm nghề được.
Anh Viễn nói: "Có những cảnh quay cần thiết bị đặc biệt tedy cam, gimbal cùng camera... nên anh em quay phim phải đeo 20-30 kg trên người và chạy, nếu sức khỏe không có là thua. Và cũng có những cảnh xuất hiện trên phim chỉ 30 giây nhưng nguyên tổ quay phim phải set-up máy móc vài ba tiếng.
Trong một cảnh phim, nhân vật đi từ trong nhà ra cổng, vì muốn có góc máy đẹp, chúng tôi phải set-up dolly để camera theo nhân vật đi qua cửa sổ. Để làm cảnh này, tổ quay phim dựng 7 dàn giáo và đường ray mất 3 tiếng đồng hồ.
Lần khác quay một cảnh trên sông ở miền Tây. Đoàn phải chờ thủy triều lên mới quay được. Để thuyền đi vào đúng góc máy cần thiết, một người trong tổ quay phim lặn xuống, đội bèo và đẩy thuyền đi.
Tất nhiên, anh em quay phim có những thủ thuật "ăn gian" góc máy để không lọt họ vào khung hình dù đó là một cảnh toàn. Để có ánh sáng như ý, tổ quay phải dùng cẩu treo đèn cao cả chục mét chiếu qua bên kia sông.
Với những bộ phim lấy bối cảnh xưa không được dùng điện, anh em cầm nến gần nhân vật để có ánh sáng chân thật. Không có gió thì vác quạt máy chạy theo quay phim tạo ra hiệu quả gió hoặc cầm bất cứ thứ gì có thể quạt được..."
Đây là những hình ảnh hiếm có về tổ quay phim được anh Phạm Hoài Viễn trực tiếp quay, chụp lại trong khi làm.
Chia sẻ về những hạn chế trong công việc, anh Phạm Hoài Viễn nói: "Chất điện ảnh trên phim Việt hiện nay bị hạn chế khá nhiều do kinh phí sản xuất hạn hẹp. Kinh phí hạn chế thì mọi thứ hạn chế theo. Muốn một góc máy đẹp cần thiết bị kỹ thuật hỗ trợ nhưng không có kinh phí thì khó làm được nên khó có cảnh quay đẹp".
Dù vậy, trong mọi điều kiện cho phép, anh em tổ quay phim luôn cố gắng để có được hình ảnh ưng ý nhất có thể. Và những nỗ lực đó của họ thường chỉ có người trong nghề mới biết và hiểu...