Nhiều bình luận châm chọc, giễu cợt đã được đưa ra (xem tại đây).
Tại sao tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov lại nhả khói đen? Vấn đề này đã trở thành một trong những đề tài được bàn luận nhiều nhất trong vài ngày qua trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, blogger "andrej_kraft" (địa chỉ đăng ký tại vùng Murmansk, Liên bang Nga) không lấy gì làm lạ trước hình ảnh đó.
Tàu sân bay Nga đang trở thành đề tài bàn tán sôi nổi vì nhả khói đen mù mịt khi di chuyển.
Theo blogger này lý giải thì tàu sân bay Kuznetsov từ khi sinh ra đã nhả khói mù mịt, thậm chí có thể nói là từ khi "còn thai nghén".
Thiết kế động cơ chính của con tàu được kế thừa từ tàu sân bay Kiev và gần như không hề có bất cứ thay đổi nào trong khi trọng tải của nó lớn hơn gần 1,5 lần (từ mức tiêu chuẩn 30.000 tấn lên thành 46.000 tấn), còn công suất động cơ chỉ tăng từ 182.000 mã lực lên thành 200.000 mã lực. Có nghĩa là tàu sân bay Kuznetsov luôn luôn hoạt động trong tình trạng "quá tải".
Tàu Kuznetsov bị chê là xả khói mù mịt như tàu chạy than thế kỷ 19. Con tàu này đã nhiều lần gặp trục trặc thời gian qua.
Andrej_kraft cho biết, nguyên nhân vì sao tàu Kuznetsov lại nhả khói nhiều như vậy từng được ông Valery Khaiminov, một chuyên gia danh tiếng đề cập trong bài viết "Từ Kiev cho tới Kuznetsov" đăng trên cuốn niên giám "Typhoon" 2001.
Ông Khaiminov là đại tá hải quân đã nghỉ hưu, từng đảm nhiệm vị trí chỉ huy tổ máy của tàu sân bay Kiev cho tới phó chỉ huy sư đoàn – trưởng bộ phận cơ điện. Ông cũng từng là chỉ huy tổ máy của cả tàu sân bay lớp Kiev lẫn Kuznetsov.
Nhóm tàu sân bay Nga tiến qua eo biển Dover ngày 21/10/2016 (Nguồn: Hải quân Anh)
Trong bài viết, ông Khaiminov cho biết:
"Mặc dù Đô đốc Kuznetsov là chiếc tàu sân bay thứ 5 do nhà máy đóng tàu Hắc Hải chế tạo, nhưng kinh nghiệm vận hành của các tàu trước không được tính toán kỹ lưỡng.
Lò hơi rất khó vận hành vì độ phức tạp của nó trong quá trình bảo dưỡng kỹ thuật và trước tiên là trong quá trình vệ sinh.
Mỗi lần gặp đại diện của đơn vị thiết kế (Phòng Thiết kế Nevsky), bộ phận tổ máy đều báo cáo về hoạt động không ổn định của các lò hơi. Tuy nhiên, có tới 4 lò hơi loại này được lắp đặt trên tàu sân bay Kiev, Minsk, Novorossiysk, 5 lò trên tàu sân bay Baku, 8 lò trên tàu Đô đốc Kuznetsov.
Theo kinh nghiệm 18 năm vận hành các tàu sân bay, tôi cho rằng hệ thống động cơ không đủ công suất để đạt được vận tốc di chuyển theo thiết kế.
Với vận tốc từ 18 hải lý/giờ trở lên, động cơ luôn làm việc trong chế độ quá tải, việc tăng công suất là nhờ tăng áp lực nhiên liệu chuyền vào nồi hơi.
Bên cạnh đó, hệ thống tự động "cổ lỗ sĩ" theo kiểu thuỷ lực không phải lúc nào cũng đảm bảo kịp thời việc tăng cấp không khí phù hợp. Từ đó khiến cho khói xuất hiệu nhiều, các nồi hơi hoạt động ở những chế độ giới hạn.
Không cần sử dụng công thức phức tạp để giải thích cho điều này. Chiếc tàu chống hạm hạng nặng đề án 1134A với lượng giãn nước gần 8.000 tấn có 4 nồi hơi KVN 98/64 chính, còn tàu sân bay Kiev với lượng giãn nước đầy tải 41.000 tấn có 8 nồi hơi chính cùng loại. Bởi vậy, cả hai chiếc tàu chỉ đạt được cùng một vận tốc dù số lượng nồi hơi chênh nhau đáng kể.
Đô đốc Kusnetzov với lượng giãn nước lớn hơn Kiev gần 10.000 tấn cũng được trang bị 8 nồi hơi chính với công suất hơi nước lớn hơn nhưng vẫn không đủ để đảm bảo tốc độ theo yêu cầu".
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được đóng vào năm 1982 và biên chế năm 1990. Từ đó đến nay tàu thường xuyên bị sự cố về kỹ thuật.
Việc Nga điều động một chiếc tàu "cà khổ" tới Địa Trung Hải khiến phương Tây khó hiểu. Nhiều ý kiến cho rằng, triển khai tàu sân bay Kuznetsov cũng giống như việc Nga sử dụng tên lửa hành trình khi bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria trong năm ngoái.
Tất cả nhằm "trình diễn, tạo hiệu ứng", chủ yếu để chứng minh Nga là cường quốc quân sự toàn cầu, có khả năng tấn công các mục tiêu từ khoảng cách xa.
Đáng chú ý, đây sẽ là đợt triển khai chiến đấu đầu tiên của tàu sân bay Kuznetsov và sẽ là đợt thử nghiệm tác chiến đầu tiên của các tiêm kích MiG-29K trên tàu.
Theo tạp chí Foreign Policy, nếu triển khai chiến đấu thành công MiG-29, Nga có thể làm dịu các mối lo ngại của Ấn Độ (quốc gia đã chi 2,2 tỷ USD để mua 45 chiếc MiG-29K nhưng gặp phải một loạt vấn đề) khi cho nước này chứng kiến chiếc máy bay có thể làm được những điều gì.