Vì sao vỡ mô hình bệnh viện tự chủ?

Hà Minh |

Theo nhiều chuyên gia y tế, về mặt lí thuyết, cơ chế tự chủ được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng không có bệnh nhân, không có doanh thu, giá viện phí thấp là nguyên nhân khó bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế, từ đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Vì sao vỡ mô hình bệnh viện tự chủ? - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật bằng hệ thống hiện đại nhất hiện nay

Mới đây, tại buổi làm việc với quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất dừng thí điểm tự chủ vì văn bản pháp lí chưa rõ ràng, chưa chắc chắn do vậy dễ dẫn đến sai lầm, sai sót trong quá trình thực hiện... Như việc thực hiện xã hội hóa trong bệnh viện thời gian qua, chủ trương đúng nhưng thực hiện nhiều cơ sở xảy ra thiếu sót.

Trao đổi với PV Tiền Phong, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nói: “Nếu thực hiện tự chủ toàn diện thì bệnh viện phải đóng tiền sử dụng đất, nhưng chưa có quy định rõ. Do vậy, Bệnh viện K cũng chưa biết xử lí thế nào. Đặc biệt, nếu tự chủ hoàn toàn thì riêng tiền thuế đất của cả 3 cơ sở, một năm Bệnh viện K đã phải đóng đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây cũng là một bài toán khó đối với bệnh viện”.

Ông Quảng cho biết, với ngành y, nếu tự chủ toàn diện cả đầu tư và chi thường xuyên tại thời điểm này còn gặp nhiều khó khăn thách thức nhất định. “Bệnh viện K và các bệnh viện tham gia thí điểm tự chủ đều là những bệnh viện đầu ngành. Việc chọn bệnh viện đầu ngành để thí điểm sẽ khó đánh giá hiệu quả bởi dù tự chủ hay không thì vẫn có lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị ít có sự thay đổi”, ông Quảng nói đồng thời cho biết, nếu thực hiện tự chủ toàn diện thì cả bệnh viện và người bệnh cũng vẫn sẽ gặp những khó khăn nhất định, cụ thể là: bệnh nhân ung thư phải chi trả nhiều hơn, ngay cả khi có hành lang pháp lí, việc thực hiện tự chủ toàn diện cũng cần theo lộ trình. Trường hợp tự chủ toàn diện thì kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Vậy những chi phí này sẽ do Bệnh viện K, bệnh viện tuyến dưới hay Nhà nước chi trả?”, GS.TS Lê Văn Quảng đặt câu hỏi.

Giám đốc Bệnh viện K cho biết thêm, vào thời điểm thực hiện tự chủ toàn diện cũng là lúc xảy ra đại dịch COVID-19. Đây là nguyên nhân chính khiến nguồn thu của Bệnh viện K giảm khoảng 35-40% tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng.

Nếu không có dịch COVID-19, một năm Bệnh viện K tích lũy được khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền tích lũy này nếu đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế nhiều khi không đủ. Trong 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, bệnh viện này chưa mua sắm thêm được bất kì máy móc điều trị nào.

Khó khăn lớn nhất là tài chính

Mới đây, tại cuộc họp về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ và phải tăng đầu tư từ ngân sách. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến mà giá lại như nước nghèo nhất. Ngay cả vấn đề tự chủ y tế cũng vậy, cần phải có cơ chế. Bộ Y tế phải khởi xướng, Bộ Tài chính đồng hành”.

Đề cập vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tự chủ toàn diện phải đối mặt liên quan cơ chế tài chính. Với bệnh viện tuyến cuối về yêu cầu phải thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo chuyên khoa sâu, làm chủ kĩ thuật cao... nhưng khi được giao tự chủ toàn diện, bệnh viện sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lí giá.

PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Tự chủ mới có thể thể hiện được năng lực, sự sáng tạo nhưng có lẽ giờ đây chúng ta cần phải nhìn nhận lại câu chuyện tự chủ một cách thấu đáo hơn”.

TS Nguyễn Huy Quang phân tích: “Chúng ta mong muốn có được thể chế pháp lí để thực hiện tự chủ thí điểm nhưng lại vướng một số luật khác nhau như Luật Đầu tư không đề cập về đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc… là những thứ đặc thù, tuy nhiên, chúng ta đang thiếu cơ chế để tổ chức thực hiện.

Qua rà soát, hiện nay, thiết bị y tế cả nước thiếu 73%, vật tư y tế thiếu 75%. Như vậy, toàn tuyến y tế từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã thiếu tới 73 - 75% thiết bị, vật tư y tế. Đây là con số đáng báo động. Thực tế, bác sĩ muốn khám chữa bệnh cho người dân thì phải có thuốc, trang thiết bị y tế nhưng nay những thứ này thiếu thì rất khó thực hiện. Cho nên, hiện nay, ngay cả các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa nói đến các bệnh viện công tự chủ toàn diện”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại