Làng Báo Đáp tất bật làm đèn ông sao phục vụ Tết Trung thu
Những ngày này, người dân tại làng Báo Đáp (thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đang tất bật làm đèn ông sao phục vụ Tết Trung thu (15/8 âm lịch).
Những ngày cuối tháng 7 (âm lịch), PV có mặt tại làng Báo Đáp chứng kiến ngay từ đầu làng, xe ô tô tải ra vào tấp nập để vận chuyển đèn đi về các tỉnh.
Từ ngõ tới sân của nhiều gia đình ngập luồng, nứa, nilon, dây tua rua đủ các sắc màu dùng để làm đèn. Ở làng Báo Đáp, không khí Tết Trung thu về sớm hơn.
Ngay từ ngoài ngõ nhiều hộ gia đình của làng Báo Đáp những ngày này tranh thủ trời nắng để phơi cán của đèn ông sao.
Do nhu cầu của thị trường năm nay tăng mạnh nên đèn lồng ông sao của làng Báo Đáp đắt hàng, làm tới đâu hết tới đấy.
"Giờ tại làng nhiều người đều làm hoa giấy, hoa vải nên số lượng các gia đình làm đèn lồng trung thu bị mai một.
2 năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mặt hàng đèn ông sao ít nhà làm, số lượng bán ra không đáng kể, cùng với đó các mặt hàng đồ chơi điện tử của Trung Quốc tràn lan, đèn lồng truyền thống các năm về trước không đủ sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, năm nay số lượng đèn làm ra tại làng Báo Đáp đã tăng mạnh so với 2 năm trước nhưng cũng không đủ để phục vụ nhu cầu thị trường.
Đèn làm ra bao nhiêu đều có khách đến lấy, thậm chí không kịp làm để bán...", ông Năm sống tại làng Báo Đáp phấn khởi chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Rỗ cùng các thành viên trong gia đình làm đèn ông sao cỡ nhỏ. Do đã thành thạo với công việc này từ bé nên 1 ngày bã Rỗ có thể làm 110 chiếc đèn.
Đang tất bật hoàn thiện đèn ông sao loại nhỏ để bán cho khách, ông Nguyễn Văn Trận (57 tuổi, sống tại làng Báo Đáp) cho hay, để làm đèn ông sao, gia đình ông nhập nguyên liệu là cây nứa, luồng ở Thanh Hoá về từ tháng Giêng âm lịch. Sau đó, luồng được bổ, chia đoạn rồi ngâm dưới ao để đảm bảo độ dẻo khi uốn. Còn giấy để trang trí nhập từ Trung Quốc.
Đèn ông sao ở làng Báo Đáp đa dạng về chủng loại và rực rỡ sắc màu.
Theo ông Trận, việc làm đèn nhộn nhịp nhất vào 4 tháng trong năm, từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch.
Trong năm nay, từ đầu tháng 7 âm lịch tới nay, đèn ông sao tại nhà ông Trận và nhiều nhà khác luôn trong tình trạng cháy hàng, cung không đủ cầu. Các thương lái liên tục đánh ô tô về lấy hàng.
Ông Nguyễn Văn Trận tất bật buộc đèn, để đèn được chắc, khoẻ các mối buộc bằng dây kẽm phải đều, khít....
Ông Trận nói rằng, đèn ông sao 2 năm trước bán ra rất kém bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Năm nay, nắm bắt được thị trường có thể tăng mạnh do đã hết dịch nên gia đình ông Trận tập trung sản xuất nhưng làm ra đến đâu có người lấy tới đó.
Một ngày 1 người có thể sản xuất 100 chiếc đèn ông sao
Trung bình một ngày ông Trận có thể sản xuất khoảng 100 chiếc đèn lồng loại nhỏ với giá 8.000đ/chiếc.
Trung bình một ngày ông Trận có thể làm được 100 chiếc đèn ông sao loại nhỏ.
"Làng Báo Đáp có nghề làm đèn trung thu đến nay đã hàng trăm năm, từ thời cha ông chúng tôi để lại.
Khi tôi mới lên 6 - 7 tuổi đã học bố mẹ cách làm đèn và lưu truyền nghề của gia đình để lại từ đó cho đến nay.
Ngày trước khi còn chưa có điện hiện đại như bây giờ cứ độ tháng 7 âm lịch trở đi đến Tết Trung thu làng Báo Đáp sáng rực đèn ông sao....", ông Trận nói.
Tại gia đình ông Trận mỗi người làm một công đoạn, trong đó con trai thì sơn, phơi cán đèn còn vợ dán giấy bóng và trang trí.
Ông Nguyễn Văn Đình (sống tại làng Báo Đáp) đã có nhiều năm làm đèn lồng ông sao cỡ lớn cho biết, hiện ông là đời thứ 3 được lưu truyền nghề làm đèn ông sao.
Theo ông Đình, đèn ông sao trong Tết Trung thu là một nét văn hoá của người Việt. Tại các trại thu tổ chức cho thiếu nhi không thể thiếu loại đèn này.
"Nghề làm đèn lồng có thể mai một chứ vẫn lưu truyền vì đây là một nét văn hoá. Sau một thời gian chạy theo các sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc, giờ đây người tiêu dùng đã quay lại với đèn ông sao.
Bởi đèn ông sao trong Tết Trung thu gắn liền với phong tục, tập quán và nét văn hóa người Việt...", ông Đình nói.
Một chiếc đèn ông sao cỡ nhỏ có giá khoảng 10.000đ.
Đèn ông sao được chia làm nhiều loại, trong đó loại lớn có đường kính lên tới 1m, còn loại vừa là 50cm, loại nhỏ 30cm, thậm chí còn có cả loại to đại làm theo đơn đặt hàng của khách.
Ông Đình hiện là một trong số ít những nghệ nhân ở làng Báo Đáp còn làm đèn ông sao loại to vì loại đèn này đòi hỏi rất kỳ công.
Tất cả các công đoạn đã hoàn thành của đèn ông sao đều được ông Đình kiểm tra tỷ mỷ.
Trung bình 1 ngày ông Đình làm được khoảng 30 - 40 chiếc loại to, còn đối với những người khác làm loại nhỏ thì một người có thể làm được 100 - 120 chiếc/ngày.
"Đến tôi là đời thứ 3 làm nghề đèn ông sao loại to, giờ sức khoẻ cũng có giới hạn nên không làm được nhiều như trước.
Gia đình tôi có 1 người con trai nhưng giờ làm hoa lụa, hoa vải chứ ít khi làm đèn ông sao giống bố.
Nhìn chiếc đèn đơn giản thế nhưng để ra một sản phẩm cũng mất hơn chục công đoạn từ khâu lựa luồng đến chọn giấy phết....
Giờ lớp trẻ chạy theo xu hướng hiện đại làm máy móc nhiều nên ít theo nghề thủ công của các cụ để lại...", ông Đình chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đình là một trong số ít những nghệ nhân còn lại ở làng Báo Đáp làm đèn ông sao cỡ to, đại.
Theo quan sát, đèn ông sao làng Báo Đáp được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công, vật liệu làm đèn gồm: Luồng, nứa, giấy bóng, xương cây đay làm cán.
Tuỳ theo loại đèn cỡ lớn, nhỏ mà luồng, nứa được chặt ra từng khúc, chẻ ra thành từng nan.
Do đèn ông sao cỡ lớn nhiều công đoạn tỉ mỉ đòi hỏi sự khéo léo và nhiều công sức nên ít người còn làm loại này.
Sau đó, mọi người uốn khung đèn rồi cột lại với nhau bằng dây kẽm, dán giấy bóng lên rồi trang trí cho sản phẩm.
"Chiếc đèn ông sao đẹp là hình sao phải đều cánh, giấy bóng dán căng đều, trọng lượng đèn phải nhẹ để đảm bảo trẻ em thoải mái khi cầm đi vui Tết Trung thu...", bà Đỗ Thị Rỗ (người làng Báo Đáp) nhận định về chiếc đèn ông sao đẹp.