Vừa thừa vừa thiếu
56 năm đã qua kể từ ngày “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam là Nhà máy Gang thép Thái Nguyên ra đời, từ bấy đến nay, ngành thép đã tiến một bước dài với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn như Vnsteel, Hòa Phát, Pomina,... trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân.
Hơn chục năm trở lại đây, ngành thép đã thực sự phát triển theo hướng “trăm hoa đua nở”. Thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ và sơn phủ màu đã đáp ứng nhu cầu trong nước, thậm chí có dấu hiệu dư thừa.
Sản xuất thép thành phẩm năm 2015 đạt xấp xỉ 15 triệu tấn, tiêu thụ chỉ hơn 12 triệu tấn. Các sản phẩm sau cán khác như ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đã xuất khẩu, với 3,5 triệu tấn và kim ngạch xấp xỉ 2,5 tỷ USD (năm 2015).
Gang thép Thái Nguyên - "cái nôi" của ngành thép Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt số lượng các nhà máy thép lại không đi cùng chất lượng đã gây ra nhiều hệ lụy.
Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim, năng lực cạnh tranh ngành thép Việt Nam khá thấp, trong khi Trung Quốc đã cấm các nhà máy có lò cao dưới 1.000 m3 thì lò cao nhất ở Việt Nam mới chỉ 750 m3.
Hầu hết các nhà máy sản xuất thép tại Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn cuối cùng là cán thép, tức mua phôi thép về cán ra thép. Đa số các nhà máy đều có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng. Một số nhà máy công nghệ lạc hậu hoạt động không hiệu quả, thua lỗ và gây ô nhiễm môi trường.
Tâm lý làm thép theo hướng ”ăn xổi” ấy đã khiến ngành thép lâm cảnh vừa thừa vừa thiếu.
Thừa những sản phẩm thép thông thường như đã kể trên, thế nhưng lại thiếu hẳn các chủng loại thép chất lượng khác như: thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội,...
Những loại thép này trong nước chưa sản xuất được, trong khi đó lại là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội, tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo...
Đó là chưa kể, các sản phẩm trong nước sản xuất được như tôn phủ, mạ, tráng; phôi thép,... mỗi năm vẫn nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc.
Số lượng thép nhập khẩu đã tăng từ gần 10 triệu tấn năm 2011 lên 18,6 triệu tấn năm 2015 với kim ngạch tương ứng là 7,5 tỷ USD và 9 tỷ USD. Tính ra, trong giai đoạn 2011-2015, ngành thép đã nhập siêu từ 5,5 tỷ USD (2011) đến 6,57 tỷ USD năm 2015.
10 tháng năm 2016, dù Bộ Công Thương đã áp dụng thuế tự vệ từ tháng 3 năm nay với phôi thép và thép dài, nhưng Việt Nam vẫn nhập hơn 15,8 triệu tấn thép các loại, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6,62 tỷ USD.
Nghịch lý thừa - thiếu trong ngành thép, theo các chuyên gia, ngoài do năng lực cạnh tranh kém còn do sự mất cân đối trong các phân khúc sản phẩm thép khác nhau. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là tôn mạ màu và ống thép, trong khi chúng ta dư thừa chủ yếu là thép xây dựng lại hầu như không thể xuất khẩu được.
Sản xuất thép cần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Làm thép nhưng phải chất lượng cao
Hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Bộ này nhận định, đến năm 2020, thép xây dựng vẫn thiếu. Nếu tính cả Formosa bán 50% ở Việt Nam thì vẫn thiếu 9 triệu tấn thép cán nóng và 6 triệu tấn thép xây dựng, nhân ra là 8 tỷ USD.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), cho rằng, sản xuất công nghiệp cũng như trồng cây, muốn có cây to phải chấp nhận bẻ cây nhỏ để cây to lớn. Cho nên, quy hoạch thép gần như loại hết nhà máy nhỏ.
“Những nhà máy công suất 500 nghìn tấn chỉ còn một vài ông, là do đang đầu tư dở dang, đang gặp khó khăn. Dự án mới không cái nào dưới 500 nghìn hết. Các dự án thép nhỏ là cắt hết, tối thiếu phải 500 nghìn tấn”, ông Hoài chia sẻ.
“Ở Việt Nam chỉ cần có 3-4 DN thép lớn thôi. Giai đoạn trước địa phương làm không kĩ, dự án 200 nghìn tấn cũng được cấp phép thì không tồn tại được”, ông Hoài cho hay và khẳng định “làm thép dứt khoát phải làm”.
Theo Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim, so với nhu cầu tiêu thụ, cung thép xây dựng đang vượt cầu nên khả năng cạnh tranh mặt hàng này thấp. Tuy nhiên, thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo... là những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, nên tập trung sản xuất vì thị trường tiêu thụ lớn và khả năng cạnh tranh cao.
Dù vậy, đại diện Bộ Công Thương cũng bày tỏ không hy vọng có thể “thay thế hoàn toàn thép nhập khẩu” mà chỉ “cố gắng tận dụng tối đa nguồn lực của mình”.
Một chuyên gia khi nhìn vào bản dự thảo quy hoạch của Bộ Công Thương vẫn băn khoăn khi chưa thấy thể hiện rõ nét được hướng đầu tư vào các dự án thép chất lượng cao, cho dù đã đề cập đến một quy trình làm thép khép kín. Và, môi trường của các dự án thép sự cố Formosa vẫn là vấn đề phải được ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, bản dự thảo quy hoạch mới, Bộ Công Thương dự kiến sẽ hình thành 4 khu liên hợp thép quy mô lớn. Các khu liên hợp này chủ yếu bám biển miền Trung. Cụ thể là liên hợp thép Vũng Áng giai đoạn 1 (Hà Tĩnh), khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận giai đoạn 1, liên hợp gang thép Nghi Sơn giai đoạn 1, Liên hợp thép Quảng Ngãi giai đoạn 1.