Ngày 7/6, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu bầu 5 nước Ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam giành được sự ủng hộ của 192/193 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên Đại hội đồng LHQ, vượt xa số phiếu cần thiết 129 phiếu, trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 đại diện Nhóm châu Á - Thái Bình Dương. Đây là số phiếu kỷ lục chưa từng có trong 75 năm phát triển của LHQ.
Bình luận về kết quả lịch sử này, nhà báo, chuyên gia về các vấn đề quốc tế, nhà bình luận chính trị Phạm Phú Phúc cho rằng có 3 nhân tố để tạo nên kết quả ấn tượng nói trên.
Chuyên gia, nhà báo Phạm Phú Phúc. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Thứ nhất, những năm gần đây uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được thế giới hết sức ghi nhận. Việt Nam liên tục đưa ra các sáng kiến, có những đóng góp mà nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc gia không thể nghĩ rằng Việt Nam đưa ra được. Ví dụ rõ nhất là việc Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và tham gia rất hiệu quả.
Thứ 2, nền chính trị của Việt Nam ổn định, kinh tế phát triển liên tục, giữ được tốc độ phát triển được thế giới ngưỡng mộ. Trải qua 3 thập kỷ, Việt Nam được toàn cầu công nhận là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã thông qua cơ chế thị trường, từ đó đạt được hơn 2 thập kỷ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Tất cả thành tựu đó đạt được trong bối cảnh nền kinh tế chính trị cơ bản của đất nước được giữ gìn nguyên vẹn.
Đáng chú ý, Việt Nam cho thấy sự vươn mình, hòa nhập với thế giới bằng việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Thứ 3, Việt Nam điều phối rất tốt các mối quan hệ quốc tế, có kinh nghiệm tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng, thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội. Việt Nam có được sự tín nhiệm rất cao của cộng đồng quốc tế. Việt Nam có năng lực quản lý sự kiện, năng lực quản lý rủi ro, năng lực xử lý các vấn đề tại Liên Hợp Quốc tuyệt vời.
Theo ông Phúc, một số người từng phát biểu trên các diễn đàn lớn của Liên Hợp Quốc rằng những khó khăn, khúc mắc trong các mối quan hệ quốc tế được Việt Nam xử lý và giải quyết rất tốt. Đặc biệt là tại các hội nghị, sự kiện quốc tế, Việt Nam đã điều phối tình huống, nút thắt của cộng đồng quốc tế hết sức nhuần nhuyễn và linh động.
Video: Công bố kết quả Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021
Khoảnh khắc Việt Nam được bầu số phiếu kỉ lục 192/193, chính thức trở thành thành viên không chính thức của HĐBA LHQ
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định 192 lá phiếu ủng hộ Việt Nam thể hiện niềm tin của các quốc gia thành viên đối với Việt Nam và chính sách đối ngoại hòa bình và độc lập của Việt Nam cũng như vai trò xây dựng và trách nhiệm của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng nhấn mạnh, sự ủng hộ và tin tưởng cũng đồng hành với nhiều kỳ vọng đối với Việt Nam và Việt Nam sẽ nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ thành viên với mọi khả năng của mình.
“Để thực hiện các nghĩa vụ của mình, Việt Nam sẽ được định hướng bởi Hiến chương và các quy tắc cơ bản của LHQ, cụ thể là tôn trọng đối với bình đẳng chủ quyền và độc lập chính trị của các quốc gia, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các xung đột. Việt Nam tiếp tục tin tưởng vai trò không thể thiếu của hợp tác đa phương và Liên Hợp Quốc nói riêng, trong việc giải quyết các thách thức của thời đại.
Việt Nam sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác và đồng thuận trong HĐBA nhằm cùng tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho các vấn đề an ninh và hòa bình thế giới. Chúng tôi sẽ tham vấn với các thành viên khác của LHQ để hiểu rõ lợi ích và quan điểm của nhau cũng như chia sẻ sáng kiến và ý tưởng nhằm tìm ra các điểm tương đồng, thu hẹp bất đồng và tìm giải pháp cho các vấn đề ảnh hưởng tới tất cả các bên”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với VOV, nhà báo Trương Gia Tường, một cây viết kỳ cựu của Tân Hoa Xã nhận định việc Việt Nam một lần nữa trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là sự kiện đáng được chào đón và ủng hộ và là biểu hiện quan trọng cho thấy vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.
Ông cũng tin rằng Việt Nam sẽ tận dụng vị thế, sức ảnh hưởng, thành tựu và kinh nghiệm của mình để đóng góp hơn hữa vào việc gìn giữ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiến bộ, hợp tác và phát trển trên thế giới, đồng thời cũng thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN tiếp tục phát triển.
"Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả phiếu bầu như thế. Có những nguyên nhân về lịch sử, về hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè. Có nguyên nhân về chính sách và cách thức xử lý quan hệ đối ngoại của chúng ta, và có cả nguyên nhân từ công tác vận động của Việt Nam.
Về vấn đề lịch sử, phần lớn các nước vừa và nhỏ, những nước đã có lịch sử đấu tranh chống chế độ thực dân, nhất là châu Phi, châu Mỹ La-tinh, họ vẫn còn ấn tượng hết sức tốt đẹp đối với lịch sử đấu tranh anh dũng, hào hùng và vì độc lập, tự do của đất nước ta, và cũng vì lương tri của thời đại. Tôi phải khẳng định điều đó.
Điều thứ hai là các nước cũng đánh giá rất cao quá trình đổi mới thành công, những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Điều thứ ba, dù Việt Nam đổi mới thành công như thế nhưng không bao giờ quên bạn bè cũ, ứng xử rất đàng hoàng với với các nước lớn trên trường quốc tế và trong những vấn đề lớn của thế giới. Đó là lý do rất quan trọng để các nước bỏ phiếu cho Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu chúng ta vận động không tốt, thì không phải nước nào cũng bầu cho Việt Nam. Chúng ta đã có chiến lược, đã thực hiện một cách có hệ thống, từ cấp cao đến tất cả các cấp.
Từ các kênh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và kênh ngoại giao nhân dân cùng tham gia thực hiện. Riêng ngành Ngoại giao, việc vận động không chỉ diễn ra tại Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, mà diễn ra tại Hà Nội và ở thủ đô các nước. Tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam đều có trách nhiệm rất lớn và chuyến đi của các nhà lãnh đạo Việt Nam đều có nội dung vận động lồng ghép vào. Do vậy, có thể khẳng định rằng đó là kết quả của một chiến lược rất toàn diện, bài bản và được thực hiện từ nhiều năm nay".
(Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc)