Chuyến công du Hy Lạp hai ngày vừa qua là chuyến thăm thứ ba của Tổng thống Nga Putin tới Liên minh châu Âu EU (không tính hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ Normandy ở Paris) kể từ khi nước này hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Cây viết Alexander Chursin từ báo Nga Novaya Gazeta đánh giá, nếu coi việc lựa chọn Hy Lạp là điểm bắt đầu cho việc thiết lập lại mối quan hệ với phương Tây, thì không thể coi chuyến thăm này thành công.
Hy Lạp hiện vẫn bền bỉ "thắt lưng buộc bụng" với hi vọng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài, và cố gắng vật lộn để ở lại EU.
Chỉ một tuần trước chuyến thăm của Putin, nội các của Thủ tướng Tsipras đang khẩn trương xúc tiến kế hoạch mới nhằm giảm lương của công chức, giảm lương hưu và các chi tiêu xã hội khác, đồng thời tăng thuế, tăng giá nhiên liệu, cafe và thuốc lá.
Đây là điều kiện để các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu thông qua quyết định trợ cấp cho Hy Lạp 10,3 tỉ USD, giúp nước này trang trải khoản vay từ các chủ nợ lớn.
Truyền thông Nga đều đồng quan điểm rằng, rõ ràng, Moscow hiểu, với vị thế như hiện nay của Hy Lạp, thì quốc gia châu Âu này hoàn toàn không thể có ảnh hưởng trong việc thúc đẩy EU thay đổi chinh sách đối với mình, trong khi đó lại là điều Nga mong muốn nhất từ phương Tây hiện nay.
Tuy nhiên, báo Nga Vedomosti chỉ ra, một điều đặc biệt quan trọng với Nga là phải tiếp tục duy trì được hình ảnh quốc gia này vẫn đang bắt tay với các nhà lãnh đạo châu Âu, và chuyến thăm của Nga tới Hy Lạp chính là nhằm gửi thông điệp đó tới phương Tây.
Thông qua chuyến thăm, Nga muốn tìm cách ghi thêm một cái tên nữa vào danh sách các quốc gia EU ủng hộ mình, và Moscow lạc quan mình đã đạt được mục đích này.
Phụ tá Tổng thống Nga Yuri Ushakov tin rằng, Athens ủng hộ việc nối lại các cuộc đối thoại chính trị giữa Brussels và Moscow và rằng, dù nước này vẫn buộc phải duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, song vẫn sẵn sàng ủng hộ dỡ bỏ nó.
Chuyên gia Alexander Baunov từ Trung tâm Carnegie cũng nhận định, cùng với một số quốc gia phương Tây khác như Ý, Hungary, nay là Hy Lạp, Slovakia, cộng hòa Síp và có thể sẽ là cả Bỉ, hy Lạp sẽ không ngần ngại lên tiếng vận động cho mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.