Vì sao Tổng thống Obama không dùng cụm từ "Hồi giáo cực đoan"?

Đức Huy |

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama kiên quyết không dùng cụm từ "Hồi giáo cực đoan" trong bài phát biểu sau vụ xả súng đẫm máu tại Orlando đã lại một lần nữa dấy lên tranh cãi.

Trong khi hàng trăm triệu người dân nước Mỹ vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử cướp đi 50 sinh mạng tại một hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando, thì Donald Trump đã ngay lập tức lái sự việc sang một hướng khác.

Vì sao Tổng thống Obama không dùng cụm từ Hồi giáo cực đoan? - Ảnh 1.

Trước bài phát biểu của Tổng thống Obama về vụ xả súng, Trump viết trên Twitter: "Liệu Tổng thống Obama rốt cục có phải dùng đến từ khủng bố Hồi giáo cực đoan không? Nếu không, ông ta nên thấy hổ thẹn mà từ chức ngay lập tức".

Nhưng vẫn như mọi lần khác trong suốt gần 8 năm trên cương vị ông chủ Nhà Trắng, Obama kiên quyết không sử dụng cụm từ này, mà thay vào đó gọi vụ xả súng nói trên là một "hành động khủng bố và hận thù".

Với đối thủ tranh cử Hillary Clinton, Trump cũng dùng chiêu "khích tướng" tương tự: "Nếu Hillary Clinton, sau vụ xả súng lần này, mà vẫn không thể nói ra hai từ "Hồi giáo cực đoan", thì bà ta nên rút lui khỏi cuộc đua tranh chức Tổng thống".

Trước đây, bà Clinton cũng giống như Obama, luôn tránh dùng cụm từ này. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn trên NBC hôm 13/6 vừa qua là ngoại lệ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định bà sẵn sàng sử dụng cụm từ "Hồi giáo cực đoan", song cũng không quên mở ngoặc rằng, dù là "thánh chiến cực đoan" (radical jihadism) hay "Hồi giáo cực đoan" (radical Islamism), cũng là một.

"Tôi sẵn sàng sử dụng một trong hai cụm, nghĩa của chúng cũng tương tự nhau, nhưng đây không phải mấu chốt vấn đề.

Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng là chúng ta làm gì, chứ không phải chúng ta nói gì. Điều quan trọng là chúng ta đã tiêu diệt được Bin Laden, chứ việc chúng ta gọi hắn là gì đâu quan trọng" - bà cho biết.

Vậy lý do gì đã biến cụm Hồi giáo cực đoan trở thành một "từ khóa" tâm điểm trên chính trường Mỹ đến mức này? Hãy cùng điểm qua một số lý luận của phe nói thẳng (Trump và đại bộ phận đảng Cộng hòa), cũng như phe nói tránh (Obama, Clinton, và đại bộ phận đảng Dân chủ).

"Muốn thắng địch, phải chỉ rõ địch là ai"

Có thể coi đây là một "bài ca muôn thuở" của Trump và các nghị sĩ đảng Cộng hòa, là một trong những mũi dùi công kích thường xuyên được sử dụng để nhắm vào Obama.

Trong một bài phát biểu vận động tranh cử hồi tháng 3, tỉ phú bất động sản Mỹ từng tuyên bố: "Chừng nào còn không dám đề cập đến vấn đề, thì chừng đó vấn đề còn chưa được giải quyết. Không thể giải quyết được!" 

Cứ mỗi lần một vụ khủng bố xảy ra ở Trung Đông hay ngay tại chính nước Mỹ, thì "bài ca" này lại vang lên. Đảng Cộng hòa chỉ trích Obama không nắm được bản chất cực đoan của kẻ địch, và do đó bất lực không ngăn chặn nổi các vụ khủng bố đẫm máu.

Họ cho rằng khi gốc rễ của vấn đề đã quá rõ ràng (chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan), thì cớ sao Obama vẫn không dám nói thẳng ra điều đó?

Một số chuyên gia, trong đó có Mark Dubowitz, giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo vệ các nền Dân chủ (FDD), có chung quan điểm với đảng Cộng hòa rằng, việc chỉ rõ những động lực hay hệ tư tưởng đằng sau các vụ khủng bố có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra sau này.

"Việc hiểu rõ bản chất của mối đe dọa và chỉ ra đích xác các động lực đằng sau nó có ý nghĩa sống còn... giúp ta có thể xác định những phần tử có tư tưởng khủng bố để ngăn chặn" - ông phát biểu.

Chuyên gia này thừa nhận việc đánh đồng tất cả người Hồi giáo đều có tư tưởng cực đoan là rất nguy hiểm và ngu ngốc, song cũng ngu ngốc không kém nếu "không hiểu rằng Hồi giáo cực đoan, dù chỉ đại diện cho một bộ phận rất nhỏ của tôn giáo này, thì bản chất vẫn xuất phát từ Hồi giáo".

Vậy tại sao Obama hay Clinton vẫn nói tránh?

Nếu như "bài ca muôn thuở" của đảng Cộng hòa là "Muốn thắng địch, phải chỉ rõ địch là ai", thì đảng Dân chủ cũng có một phiên bản của riêng mình, đó là "Không thể tuyên chiến với cả một tôn giáo".

Họ cho rằng việc sử dụng cụm từ "Hồi giáo cực đoan" sẽ là hết sức bất công đối với đại bộ phận người Hồi giáo ôn hòa, khi họ bị xếp vào cùng một nhóm với những phần tử cực đoan của các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

"Chúng ta không chống lại Hồi giáo. Chúng ta chống lại những kẻ đã và đang lợi dụng xuyên tạc Hồi giáo" - ông Obama phát biểu.

Ngoài ra, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cũng cho rằng, việc đánh đồng như vậy sẽ tạo điều kiện cho IS dễ bề chiêu mộ các tín đồ Hồi giáo vốn ôn hòa.

"Việc [sử dụng cụm từ Hồi giáo cực đoan] sẽ tạo ra ấn tượng về một cuộc chiến giữa các nền văn minh, mà qua đó IS sẽ lợi dụng để nói rằng 'Hồi giáo đang chiến đấu với phương Tây. Nếu bạn là người Hồi giáo, hãy cùng chúng tôi tham chiến" - bà Clinton phát biểu trên kênh truyền hình ABC hồi tháng 12 năm ngoái.

Dùng hay không dùng có thật sự quan trọng?

Theo CNN, đa số các chuyên gia nghiên cứu khủng bố cho rằng, việc gán cái mác "Hồi giáo cực đoan" cho các vụ khủng bố hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến chống khủng bố, hoặc không có bất kì ý nghĩa gì về mặt chiến lược trong việc đánh bại IS và đập tan hệ tư tưởng của chúng.

"Bản thân tôi không thấy có vấn đề gì khi nói về Hồi giáo cực đoan, nhưng liệu điều đó có khiến cuộc chiến chống lại chủ nghĩa này thành công hơn không? Tôi không nghĩ vậy" - Daniel Serwer, học giả tại Viện nghiên cứu Trung Đông (MEI) kiêm Trưởng khoa Kiểm soát Giao tranh thuộc trường Đại học Johns Hopkins, phát biểu.

Tương tự, ông Bruce Riedel, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và hiện điều hành Dự án Tình báo tại Viện nghiên cứu Brookings, cho rằng tranh cãi xung quanh việc sử dụng cụm từ này đơn thuần chỉ mang màu sắc chính trị.

"Việc chúng ta có gọi nó là Hồi giáo cực đoan hay không cũng không phải là vấn đề mấu chốt" - ông phát biểu.

Vậy việc ông Obama không sử dụng cụm từ "Hồi giáo cực đoan" có ảnh hưởng tới chính sách hay không?

Trump và đảng Cộng hòa, khi chỉ trích chính phủ đương nhiệm về việc không sử dụng cụm từ nói trên, thường móc nối thêm quan điểm rằng Washington hiện nay chưa phát huy đủ vai trò của mình trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria, cũng như chưa thể kiểm soát mối đe dọa khủng bố nơi quê nhà.

Nói cách khác, họ cho rằng Mỹ đang yếu thế trước khủng bố bởi Obama quá chú trọng đến lời ăn tiếng nói (politically correct). Và cứ mỗi khi có một vụ việc như Orlando xảy ra, Trump đều không bỏ lỡ cơ hội để khẳng định quan điểm của mình.

Vì sao Tổng thống Obama không dùng cụm từ Hồi giáo cực đoan? - Ảnh 2.

"Cảm ơn những lời chúc mừng vì tôi đã đúng trong vấn đề Hồi giáo cực đoan. Nhưng tôi không muốn những lời chúc, cái tôi muốn là sự cứng rắn và cảnh giác. Chúng ta phải thật khôn ngoan!"

Về độ hiệu quả trong chính sách chống khủng bố của Obama, ngay cả giới chuyên gia cũng chia làm hai phe.

"Chính quyền Obama đã sai lầm khi đánh giá thấp những động lực và tư tưởng đằng sau mối đe dọa khủng bố" - ông Dubowitz phát biểu. Cũng không có gì ngạc nhiên, bởi FDD do ông nắm quyền điều hành là một viện chiến lược có thiên hướng bảo thủ.

Còn với học giả Reidel thuộc Viện Brookings, thì "vấn đề là ở chỗ chúng ta làm gì trước mối đe dọa khủng bố, và những gì Tổng thống đã làm được với những phần tử khủng bố như Osama bin Laden rõ ràng hơn hẳn so với tất cả những gì ứng viên đảng Cộng hòa từng làm được".

Nói tóm lại, việc chính phủ đương nhiệm tại Washington đã làm tròn trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống khủng bố hay chưa còn tùy quan điểm chính trị mỗi người, nhưng có một điều có thể khẳng định, đó là việc Obama có sử dụng cụm từ "Hồi giáo cực đoan" hay không, suy cho cùng cũng chẳng mấy quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại