Vì sao sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’ của Trung Quốc bế tắc?

KÔNG ANH |

Trong nửa đầu năm 2022, Trung Quốc không có dự án than mới nào thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” và cũng không có khoản đầu tư vào Nga, Ai Cập và Sri Lanka.

Nhiều quốc gia vỡ mộng với sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia vỡ mộng với sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc.

Trung Quốc khởi động sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) vào năm 2013 nhằm khai thác sức mạnh của nước này về tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng để “xây dựng cộng đồng rộng lớn có chung lợi ích” trên khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Trong bối cảnh Trung Quốc thực thi chính sách “Zero-COVID”, xung đột Nga - Ukraine bùng phát, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu… các khoản đầu tư theo sáng kiến BRI đang bế tắc, đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Siết đầu tư

Chi tiêu tài chính và đầu tư của Trung Quốc cho các nước qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) trong nửa đầu năm 2022 đã giảm. Theo Trung tâm Tài chính Xanh và Phát triển (GFDC) có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (GFDC), tổng tài chính và đầu tư thông qua sáng kiến này trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 28,4 tỷ USD, giảm so với mức 29,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái và nâng tổng chi tiêu lũy kế của sáng kiến lên 932 tỷ USD kể từ năm 2013.

Trong đó, Trung Quốc không có khoản đầu tư vào Nga, Ai Cập và Sri Lanka. Ả Rập Xê-út là quốc gia nhận được nhiều đầu tư nhất của Trung Quốc trong giai đoạn này với khoảng 5,5 tỷ USD.

Trong số các khoản chi từ đầu năm nay của Trung Quốc theo BRI, khoảng 11,8 tỷ USD dành cho đầu tư và 16,5 tỷ USD dùng cho các hợp đồng xây dựng. Không có dự án than mới nào nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc trong giai đoạn này. Tháng 9/2021, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cam kết sẽ chấm dứt tài trợ xây dựng các dự án than mới ở nước ngoài.

Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch khác ở các nước trong sáng kiến BRI, với dầu và khí đốt chiếm khoảng 80% các khoản đầu tư năng lượng nước ngoài của Trung Quốc và 66% các hợp đồng xây dựng.

Các khoản đầu tư rót vào những dự án khí đốt đạt 6,7 tỷ USD trong nửa đầu năm, so với 9,5 tỷ USD cả năm ngoái. Chi tiêu xây dựng liên quan đến năng lượng xanh đã giảm xuống còn 1,6 tỷ USD, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Muôn vàn lý do

Kể từ khi được công bố vào năm 2013, tổng chi của Trung Quốc cho BRI là 932 tỷ USD, bao gồm 561 tỷ USD hợp đồng xây dựng và 371 tỷ USD đầu tư. Các dự án BRI trải dài nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cảng biển tới đường sắt, trung tâm dữ liệu và hầm mỏ.

Theo Financial Times, Nga là một trong những nước nhận nhiều đầu tư của Trung Quốc nhất trong sáng kiến BRI. Năm 2021, hai nước ký kết các thỏa thuận trị giá khoảng 2 tỷ USD. Nửa đầu năm 2022 là giai đoạn 6 tháng đầu tiên Trung Quốc – Nga không có hoạt động làm ăn trong khuôn khổ BRI.

Lý giải cho việc Trung Quốc không rót vốn, đẩy mạnh dự án tại Nga, ông Christoph Nedopil Wang - Giám đốc Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh, cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể đã ngăn cản Bắc Kinh đầu tư vào Nga.

Ông Nedopil Wang cho rằng sự sụt giảm đầu tư Trung Quốc vào Nga trong khuôn khổ sáng kiến BRI có thể “chỉ là tạm thời”“chắc chắn có các hoạt động mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc”. Theo vị này, Bắc Kinh đã tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga bất chấp cuộc xung đột Ukraine.

Ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch COVID-19 cũng như giá thực phẩm và nhiên liệu toàn cầu tăng cao trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, khiến nhiều nước đang phát triển rơi vào tình trạng căng thẳng và một số nước đang phải vật lộn để trả nợ nước ngoài.

Đối với trường hợp Sri Lanka, nước này lâm vào cảnh vỡ nợ hồi tháng 5 và đang trải qua giai đoạn hết sức bất ổn về kinh tế cũng như chính trị. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc Trung Quốc ngại rót thêm tiền vào quốc gia Nam Á này cũng là điều dễ hiểu.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Bangladesh AHM Mustafa Kamal cảnh báo về các khoản vay theo sáng kiến BRI từ Trung Quốc có nguy cơ đẩy những quốc gia đang phát triển vào tình trạng căng thẳng vì vay nợ nước ngoài. Ông cũng cho rằng, các nước đang phát triển phải suy nghĩ kỹ về việc vay thêm vốn thông qua sáng kiến này.

 Vì sao sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’ của Trung Quốc bế tắc?  - Ảnh 1.

Sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc dậm chân tại chỗ tại nhiều quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính AHM Mustafa Kamal cũng cho rằng, Bắc Kinh cần phải chặt chẽ hơn trong việc đánh giá các khoản cho vay trong bối cảnh lo ngại những quyết định cho vay đó có nguy cơ đẩy các nước vào tình trạng khốn đốn vì nợ nần. Ông chỉ ra Sri Lanka, nơi các dự án cơ sở hạ tầng được xây dựng bằng tiền Trung Quốc không mang lại lợi nhuận, thậm chí còn làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này.

Ông AHM Mustafa Kamal cho biết cuộc khủng hoảng của Sri Lanka cho thấy Trung Quốc đã không thật sự cẩn trọng trong việc quyết định hỗ trợ các dự án cho vay. Theo ông, cần phải “nghiên cứu kỹ lưỡng” trước khi cho vay một dự án.

Bangladesh vào tháng trước đã trở thành quốc gia mới nhất ở châu Á tiếp cận Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để xin tài trợ khi giá hàng hóa tăng cao sau xung đột Nga vào Ukraine, đè nặng lên dự trữ ngoại hối của nước này. Nước này, một bên tham gia BRI của Trung Quốc, nợ Bắc Kinh khoảng 4 tỷ USD, tương đương 6% tổng nợ nước ngoài.

Dữ liệu từ sáng kiến BRI gần đây cho thấy Trung Quốc ngày một chú trọng những thỏa thuận giúp đảm bảo tiếp cận với các tài nguyên chiến lược như khoáng sản được dùng trong chuỗi cung ứng công nghệ sạch, hay dầu mỏ và khí đốt ở khắp Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh.

Bài học từ Sri Lanka

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns cho rằng, cuộc khủng hoảng Sri Lanka một phần do nước này “đặt cược không khôn ngoan” để lấy các nguồn đầu tư mang theo nguy cơ nợ cao từ Trung Quốc. Ông lưu ý sự sụp đổ kinh tế của Sri Lanka là lời cảnh báo cho những nước khác.

Theo ông Bill Burns, tiềm lực kinh tế giúp Trung Quốc dễ dàng thuyết phục những nước khác chấp nhận những khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, các nước nên nhìn vào bài học đến từ Sri Lanka, quốc gia đang oằn mình gánh nợ Trung Quốc.

Nhờ vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương và gần Ấn Độ, Sri Lanka nhận được đầu tư mạnh từ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cũng hợp tác chặt chẽ với ông Gotabaya Rajapaksa kể từ ông trở thành tổng thống Sri Lanka năm 2019. Ông Rajapaksa đã tháo chạy khỏi nước này sau khi đối mặt sự phẫn nộ của người dân. Đảo quốc này gần như cạn kiệt nguồn cung thực phẩm và nhiên liệu.

Sri Lanka đã ký kết những khoản vay lớn với Trung Quốc để xây dựng các cơ sở hạ tầng, thế nhưng một số dự án trở thành gánh nặng kinh tế đối với nước này. Năm 2017, Sri Lanka không thể hoàn trả khoản vay 1,4 tỷ USD cho dự án xây cảng ở miền nam, buộc nước này phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê suốt 99 năm.

 Vì sao sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’ của Trung Quốc bế tắc?  - Ảnh 2.

Sri Lanka cho phép Trung Quốc gia hạn thuê cảng Hambantota thêm 99 năm.

Trong khi đó, sân bay Rajapaksa, được xây với khoản vay 200 triệu USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, phi trường này ít khi được sử dụng, dẫn đến tình trạng có thời điểm doanh thu không đủ để chi trả hóa đơn tiền điện.

BRI là chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu do Trung Quốc khởi xướng từ năm 2013. Trong nhiều năm, các nước tham gia được lợi lớn nhất từ những khoản tài chính phát triển của Trung Quốc thuộc khuôn khổ BRI. Thế nhưng, dần dần những dự án BRI của Trung Quốc khiến cho các nước khó khăn về kinh tế không thể trả nợ, thế chấp chính tài sản là các cơ sở hạ tầng đó cho Bắc Kinh. Điều đó khiến nhiều quốc gia chỉ trích Trung Quốc thực thi chính sách “bẫy nợ”.

Trung Quốc nhiều lần lên tiếng phản bác các chỉ trích này. Truyền thông Trung Quốc nói rằng nợ từ Trung Quốc chỉ chiếm 10% tổng nợ của Sri Lanka, bằng với Nhật Bản, trong khi phần lớn nợ nước ngoài của Sri Lanka liên quan đến các tổ chức đa phương.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng cảnh báo hiện có 4 nước đang trên đường trở thành Sri Lanka thứ hai, trong đó có Pakistan và Bangladesh.

BRI hiện cũng đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ sáng kiến cơ sở hạ tầng của Mỹ và đồng minh. Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác đã khởi động Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) tại hội nghị thượng đỉnh của họ hồi tháng 6, cam kết 600 tỷ USD tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu vào năm 2027.

PGII là phiên bản “bình mới rượu cũ” của sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) mà G7 từng đề xuất cách đây một năm, với mục tiêu tập trung vào khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng mềm trong nền kinh tế kỹ thuật số...

Dự kiến, các dự án hàng đầu của PGII bao gồm tuyến cáp viễn thông ngầm toàn cầu trị giá 600 triệu USD nối Singapore với Pháp qua Ai Cập và vùng Sừng châu Phi; khoản đầu tư 40 triệu USD (và dự kiến huy động 2 tỷ USD đầu tư sau đó) vào Chương trình điện thông minh của Đông Nam Á nhằm đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch; và một dự án năng lượng mặt trời trị giá 2 tỷ USD ở miền Nam Angola.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại