Một hội nghị thượng đỉnh của nhóm 16+1 gồm Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu năm 2019 - Ảnh: aicgs.org
"Latvia đã quyết định ngừng tham gia vào khuôn khổ hợp tác của các nước Trung và Đông Âu và Trung Quốc", Latvia xác nhận ngày 11-8.
Trong khi đó, Estonia nói rằng mặc dù nước này đã tham gia vào nhóm kể từ khi nó được thành lập vào năm 2012 nhưng đã không tham dự bất kỳ cuộc họp nào sau hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào tháng 2-2022.
Trong tuyên bố gần như giống hệt nhau trên trang web của Bộ Ngoại giao Estonia và Latvia cho biết 2 nước sẽ tiếp tục củng cố "mối quan hệ mang tính xây dựng và thực chất với Trung Quốc, về song phương cũng như thông qua hợp tác Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc, dựa trên lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế và nhân quyền và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế".
Phái đoàn Trung Quốc tại EU chưa đưa ra bình luận nào.
Theo báo South China Morning Post, diễn đàn thương mại này được Bắc Kinh thành lập cách đây một thập kỷ với tên gọi 16+1 - sau đó là 17+1 khi Hy Lạp tham gia vào năm 2019 - như một công cụ để tăng cường thương mại và đầu tư với châu Âu
Tuy nhiên, nó đã mất đà trong thời gian gần đây. Năm ngoái, Lithuania đã rút khỏi nhóm với lý do kết quả kinh tế không mấy khả quan và khi đó đã có dự đoán các nước láng giềng của nước này cũng sẽ ra đi. Cuối năm 2021, Trung Quốc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania vì cho 'vùng lãnh thổ Đài Loan' mở văn phòng đại diện ở quốc gia châu Âu này.
Để củng cố quan hệ, Trung Quốc đã cử đặc sứ khu vực Huo Yuzhen công du các nước trong mùa xuân năm nay. Mới đây, Bắc Kinh cũng tổ chức đối thoại với 11 nước tại khu vực.