Vào ngày 24/9, Nga thông báo sẽ chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Syria để bảo vệ bầu trời của nước này chống lại các "vị khách không mời".
Tổ hợp mới không chỉ bao gồm phương tiện phóng mà còn có cả hệ thống tín hiệu thông minh, sẽ đến khu vực này trong vòng hai tuần và giám sát toàn bộ khu vực rộng lớn xung quanh.
Nhưng S-300 khác với S-200 thời Liên Xô như thế nào? Và tại sao Bộ trưởng Quốc phòng Nga lại thực hiện hành động đặc biệt này sau cái chết của 15 sĩ quan trong thảm họa Il-20?
Phản ứng với vụ Il-20 bị bắn rơi
Cách đây một tuần, vào ngày 18/9, một chiếc máy bay trinh sát Il-20 của Nga đã bị bắn hạ trên bầu trời Syria. 15 quân nhân có mặt trên trinh sát cơ này đã mất mạng.
Theo Nga, chiếc máy bay bị bắn nhầm bởi tên lửa từ hệ thống S-200 của Syria, vốn có ý định bắn vào chiến đấu cơ F-16 của Israel đang thực hiện cuộc không kích trong lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, phi công của một trong những chiếc F-16 nói trên đã tránh được đòn tấn công và tên lửa đã chuyển sang truy đuổi mục tiêu có bề mặt phản xạ lớn hơn là Il-20, khiến máy bay Nga bị hủy diệt trên bầu trời.
Moscow ngay lập tức thực hiện các biện pháp ngăn chặn thảm kịch lặp lại bằng cách trang bị cho lực lượng phòng không của Syria với các hệ thống được mô tả là "tốt gấp đôi", theo RBTH.
Mặc dù không phải là vũ khí hiện đại nhất của Nga, S-300 vẫn là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất trên thế giới, ngang bằng với Patriot của người Mỹ.
Theo RBTH, phiên bản S-300VM đáng gờm nhất (hiện đang trên chuyển giao tới Damascus), có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách 400-500 km. Bên cạnh đó, các trạm radar của hệ thống có thể phát hiện 65 mục tiêu ở trên cao và có thể bắn từ 6-12 tên lửa cùng một lúc.
Đáng chú ý, một khi mục tiêu đã bị khóa, tổ hợp S-300VM chỉ cần 7,5 giây để chuẩn bị tên lửa để phóng. Ngay cả khi đang trên đường di chuyển, hệ thống cũng mất không quá 6 phút để chuẩn bị các bệ phóng cho việc khai hỏa.
Tại sao S-300 được lựa chọn?
S-300 đã được Syria chú ý từ nhiều năm.
Sự khác biệt chính giữa S-200 và S-300 là hệ thống mới của Nga có thể đối phó hiệu quả với tất cả các loại máy bay và tên lửa hiện đại được sử dụng bởi các đối thủ của chính quyền Syria.
Ví dụ, S-300 có thể ngăn chặn các loại máy bay chiến đấu và máy bay ném bom chiến thuật tiên tiến triển khai công nghệ tàng hình. S-300 có thể bắn hạ tên lửa hành trình Tomahawk (một trong những vũ khí tấn công chính của tàu khu trục Mỹ) và tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 2.500 km, cũng như tên lửa tầm ngắn được phóng từ các nước láng giềng với Damascus .
Không chỉ có vậy, bộ trang bị mới đang trên đường đến Syria có thể hoạt động ngay cả khi các hệ thống bị đánh chặn bởi các thiết bị làm nhiễu hoặc các phương tiện tác chiến điện tử khác.
Nga sẽ chuyển từ 2 đến 4 hệ thống tên lửa phòng không S-300 sang Syria trong vòng hai tuần tới, tờ Kommersant trích dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết. Số lượng hệ thống có thể sẽ còn tăng trong tương lai.
Chính quyền Assad sẽ sử dụng các hệ thống để bảo vệ bờ biển và biên giới với Israel, Jordan, Lebanon và Iraq. Cũng theo nguồn tin, Nga có thể sẽ chuyển tới 8 hệ thống cho Syria, tùy theo hoàn cảnh thực tế.
Syria - quốc gia vốn đã có một trong những hệ thống phòng không dày đặc nhất trên thế giới - đã bày tỏ sự quan tâm đến S-300 từ những năm 1980 sau cuộc chiến với Lebanon, nhưng nước này vẫn phải sử dụng hệ thống S-200 (SA5) cũ hơn và liên tục bị Israel đe dọa trong các cuộc không kích.
Trên thực tế, S-300 và phiên bản cao cấp hơn S-400 đã được triển khai tại Syria kể từ năm 2016. Cho đến nay, quân đội Nga đã sử dụng hai hệ thống này để bảo vệ máy bay và tài sản của mình ở Syria. Nhưng phải đến thời điểm hiện tại, Nga mới đưa ra quyết định bàn giao hệ thống cho đồng minh Damascus.
Nga đã bán S-300 cho nhiều quốc gia khác nhau trong những năm qua, bao gồm Armenia, Trung Quốc, Ấn Độ, Ukraine, Belarus, Slovakia, Hy Lạp, Bulgaria, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Libya.
Vào năm 2015, Moscow cũng cung cấp vũ khí này cho Iran. Do áp lực ngoại giao mà hệ thống này vẫn chưa được cung cấp cho Syria.
Hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga hiện tại là S-400, được đưa vào sử dụng từ năm 2000 và hệ thống đang phát triển khác là S-500, dự kiến sẽ hoàn thành sau năm 2020.