Vì sao quân đội các nước điều động tàu sân bay khi căng thẳng bùng phát?

Minh Thu |

Tàu sân bay có thể gửi đi thông điệp chính trị trong lúc căng thẳng, song các bên vẫn cần ngoại giao tích cực để đảm bảo an ninh cho tất cả.

Tàu sân bay Mỹ, Anh và Nhật Bản tập trận hồi tháng 10/2021. (Ảnh: Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ)

Tàu sân bay Mỹ, Anh và Nhật Bản tập trận hồi tháng 10/2021. (Ảnh: Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ)

Cuộc tập trận diễn ra vào tháng 10/2021 là một ví dụ minh họa cho việc tại sao quân đội các nước muốn điều động những chiếc tàu sân bay cỡ lớn, và trang bị nhiều vũ khí hiện đại trong giai đoạn căng thẳng.

Theo đó, tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản JS Ise đã tham gia tuần tra chung ở vùng biển quanh đảo Đài Loan với tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh, cùng 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson của hải quân Mỹ.

Trên thực tế, ngoài các hoạt động tuần tra và tập trận chung với số lượng lớn tàu chiến được huy động, ngày càng có nhiều nước đang muốn gia nhập câu lạc bộ tàu sân bay trên thế giới.Cuộc tuần tra có sự tham gia của nhiều tàu sân bay diễn ra đúng thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng gia tăng. Sự kiện được xem là thể hiện quyết tâm của các bên trong việc duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương "tự do và mở cửa".

Điển hình, Nhật Bản đang cải tiến khu trục hạm lớp Izumo để phục vụ hoạt động của dàn tiêm kích F-35B, hay Hàn Quốc cũng đã tái khởi động chương trình đóng tàu sân bay.

Trung Quốc đang trong quá trình đóng tàu sân bay thứ 3, và đây sẽ là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc sử dụng hệ thống phóng máy bay điện từ hiện đại.

Những chiếc tàu sân bay quy mô lớn hiện được xem là bằng chứng thể hiện rõ nhất sức mạnh của một lực lượng quân sự, cùng quyết tâm và tầm nhìn ở các vùng biển.

Song theo giới quan sát, các bên cần có thêm hoạt động trao đổi để xóa bỏ bất đồng, thay vì chỉ điều động các tàu sân bay.

Ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation của Mỹ, nhận định các tàu sân bay thường được điều động để gửi đi những thông điệp chính trị.

"Việc sử dụng các tàu sân bay để gửi đi thông điệp và thể hiện sức mạnh là minh chứng cho một thế giới ngày càng có nhiều cuộc khủng hoảng quân sự và căng thẳng. Chính phủ các nước hy vọng tránh được chiến sự, do đó họ dựa vào lực lượng quân sự để gửi đi thông điệp ngăn chặn và cảnh báo", ông Heath cho hay.

"Các tàu sân bay hiện là tài sản quân sự khủng nhất và phù hợp để phát đi tín hiệu. Tuy nhiên, xét về lĩnh vực chiến đấu, tàu sân bay lại là đối tượng dễ bị tổn thương trong phạm vi hoạt động của dàn tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm tầm xa", ông Heath nói thêm.

Cũng theo ông Heath, ông hy vọng quân đội các nước tiến hành diễn tập và đào tạo để đảm bảo năng lực sẵn sàng và răn đe. Song ngoại giao tích cực để xóa bỏ căng thẳng có thể bổ sung thêm cho những nỗ lực trên nhằm thúc đẩy an ninh lớn hơn cho tất cả các bên.

Ông James Bosbotinis, chuyên gia các vấn đề quốc phòng và quốc tế, cho rằng chính phủ các nước nên hợp tác để tăng cường liên lạc và phát triển các biện pháp gây dựng lòng tin nhằm giải quyết những căng thẳng địa chính trị.

"Liên quan tới vấn đề này, Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore là đáng giá. Vừa thể hiện năng lực chiến đấu đáng tin, các tàu sân bay và nhóm tác chiến còn có thể đóng góp phần quan trọng cho ngoại giao hải quân", ông Bosbotinis nói.

"Thông qua các hoạt động như ghé thăm cảng và tập trận huấn luyện, các lực lượng hải quân đang đóng góp vào hoạt động ngoại giao. Các lực lượng hải quân đối đầu có thể tham gia những hoạt động gây dựng sự tin tưởng lẫn nhau để giảm thiểu căng thẳng. Các chuyến thăm cảng có thể giúp xây dựng sự tương tác ở các cấp", ông Bosbotinis nhấn mạnh.

Song theo ông Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew thuộc Đại học Quốc gia Singapore, "Các tàu sân bay là không thể so sánh, bởi chúng hoạt động theo mục đích cụ thể mà nói chung là triển khai lực lượng ở khoảng cách xa, chứ không phải nhằm tấn công các tàu sân bay khác".

Hôm 10/6, trong cuộc gặp trước thềm Đối thoại Shangri-La, vấn đề Đài Loan và chiến sự ở Ukraine đã chiếm phần lớn thời gian họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại