Su-35 “Flanker” là dòng máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, hai động cơ, một chỗ ngồi và được xếp vào thế hệ chiến đấu cơ thế hệ thứ tư của Nga.
Được Phòng thiết kế Sukhoi của Liên Xô phát triển từ những năm 1980 ở thế kỷ trước, Su-35 cất cánh lần đầu tiên vào năm 1988. Về cơ bản, Su-35 là phiên bản cải tiến sâu rộng từ Su-27, loại máy bay phản lực được thiết kế nhằm mục đích làm đối trọng với các chiến đấu cơ của Mỹ trong những năm 1980.
Tuy nhiên, chương trình phát triển Su-35 đã bị ngừng lại vào giữa những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã.
Sau nhiều năm “im hơi lặng tiếng”, Nga bắt tay vào khởi động lại chương trình vào năm 2003 với mẫu Su-35S, phiên bản nâng cấp của Su-35 nguyên gốc. Biến thể này được đưa vào trang bị lần đầu cho lực lượng không quân Nga vào năm 2009.
THÔNG SỐ KỸ THUẬT “CỰC ĐỈNH” CỦA SU-35
Su-35S phiên bản nâng cấp được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt Saturn AL-41F1A giúp máy bay hoạt động nhanh nhẹn và cơ động hơn các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tương tự. Có lẽ, cũng vì lý do đó mà Su-35S được dán nhãn thế hệ thứ tư ++.
Về kích thước, Su-35 của Nga có chiều dài 21,9m, sải cánh dài 14,75m và chiều cao là 5,9m. Trọng lượng cất cánh tối đa của Su-35 là 34,5 tấn. Tầm hoạt động thực tế của Su-35S khi không cần tiếp nhiên liệu là 3.600 km và 4.500km nếu mang theo bình nhiên liệu dự trữ và đạt trần bay 20km. Tiêm kích Su-35 có thể đạt tốc độ tối đa 2.500km/h.
Tiêm kích Su-35
Về vũ khí, ngoài đạn chống radar và tên lửa không đối không, Su-35 có khả năng ném bom và sử dụng vũ khí dẫn đường không đối đất và đạn không điều khiển thuộc dòng S-8, S-13, S-25.
Theo Phòng thiết kế Sukhoi, Su-35 nổi bật nhờ hiệu quả cao trong không chiến tầm xa, tầm bao quát rộng, có thể theo dõi đồng thời nhiều loại mục tiêu, cũng như trang bị hệ thống radar và quang điện tử hiện đại.
Năm 2020, một video được BQP Nga công bố cho thấy Su-35S đã phóng đi tên lửa tầm rất xa R-37M. Trước đây, R-37M thường chỉ được vận hành bởi tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-31 Foxhound và bản thân loại vũ khí này cũng rất hiếm khi được nhìn thấy.
Trong video, tên lửa được phóng từ một giá treo giữa dưới cánh phải của Flanker. Theo các tài khoản mạng xã hội Nga, Su-35S có thể mang theo tối đa 4 tên lửa R-37M, 2 quả dưới cánh và hai quả khác lắp dưới thân máy bay.
Su-35 được trang bị radar mảng pha Irbis-E, bảo đảm phát hiện và khoá các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 200 km, còn trong các điều kiện thông thường lên đến 350-400 km.
Dòng máy bay chiến đấu này của Nga có thể được triển khai để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau, kể cả các mục tiêu được bảo vệ bởi hệ thống phòng không hiện đại nhất hay ở vị trí cách xa căn cứ.
SU-35 MẠNH ĐẾN ĐÂU?
Kể từ năm 2014, Sukhoi Su-35 Super Flanker đã trở thành sức mạnh nòng cốt của Không quân Nga, được tích hợp một loạt các ứng dụng và khả năng mới để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển và trên bộ.
Dòng chiến đấu cơ này có thể mang tới 8 tấn tên lửa, bom dẫn đường bằng laser và vệ tinh cùng các loại vũ khí khác.
Su-35S KQ Nga đánh chặn máy bay tuần thám biển P-8 của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
Mặc dù là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư không có khả năng tàng hình nhưng Su-35 sở hữu tính năng cơ động và nhanh nhẹn hơn Su-27 cũng như hệ thống điện tử hàng không tốt hơn. So với Su-27, radar trang bị trên Su-35 đã được nâng cấp và động cơ plasma có lực đẩy cao hơn.
Tuy nhiên, mối đe dọa từ Su-35 không chỉ nằm ở những gì mà loại máy bay này có thể thực hiện trên không. Có một thực tế là, Không quân Nga không phải là lực lượng duy nhất khai thác loại máy bay tiên tiến này.
Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích về cán cân quân sự ở Trung Đông, việc Nga bán các máy bay chiến đấu cho khu vực đang giúp Nga gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh của mình trong khu vực.
Ngoài Ai Cập, Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-35 của Nga, trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của dòng máy bay này.
Theo giới phân tích, thỏa thuận mua Su-35 từ Nga sẽ đảm bảo cho Không quân Trung Quốc giành được lợi thế đáng kể so với sức mạnh của không quân các nước đối thủ, trong đó có Mỹ.