Vì sao Philippines chọn cựu Tổng thống Fidel Ramos là đặc sứ ở TQ?

Thi Anh |

Fidel Ramos nhấn mạnh, ông không phải là "kẻ thương thuyết" mà là "người phá băng".

Ngày 8/8, Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đã có mặt tại Hong Kong với vai trò "đặc phái viên" của Philippines tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Ramos nhấn mạnh: Nhiệm vụ của ông không phải đàm phán - mà là "phá băng" trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.

"Tôi không có quyền đàm phán. Tôi sẽ không đàm phán", ông Ramos khẳng định, "Xin đừng quên, tôi chỉ là người phá băng nhằm tái khởi động mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, thân thiện với Trung Quốc. Đó là tất cả những gì tôi phải làm, và có lẽ là tất cả những gì tôi có thể làm".

Vì sao Philippines chọn cựu Tổng thống Fidel Ramos là đặc sứ ở TQ? - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Philippines Fidel V. Ramos tại sân bay Hong Kong.

Dùng cụm từ "chuyến thám hiểm" để chỉ chuyến đi lần này, ông Ramos có ý coi các cuộc đàm phán tại Hong Kong chỉ mang tính chất "thăm dò".

Theo ông Ramos, đó là những gì Tổng thống Rodrigo Duterte đề nghị - và chỉ nội việc đó là khó khăn lắm rồi.

Cựu Tổng thống Philippines thừa nhận, tuổi già sức yếu chính là điều khiến ông phải cân nhắc khi lên kế hoạch cho chuyến đi. Hiện đã ở tuổi 88, ông Ramos mỗi ngày phải uống 18 viên thuốc. Trong hành trình lần này, ông cũng sẽ phải duy trì đo huyết áp, nhịp tim và lượng đường huyết 4 lần/ngày.

Vậy vì sao Fidel Ramos lại được chọn?

Để hiểu nguyên cớ vì sao Tổng thống Philippines Duterte lựa chọn ông Ramos cho trọng trách đặc biệt này, ta phải quay trở về quá khứ.

Vì sao Philippines chọn cựu Tổng thống Fidel Ramos là đặc sứ ở TQ? - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.

Những năm 1960, Manila là nước thúc đẩy yêu sách trong vùng biển tranh chấp. Ở thời điểm ấy, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã lợi dụng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Subic làm đòn bẩy và chiếm cả những thực thể nằm rất xa ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

Tham vọng của Marcos lớn đến mức nhiều quan chức Washington còn phải lo ngại. Nhưng chế độ độc tài của ông ta lại đưa Philippines trở thành "con bệnh châu Á", tham vọng trên biển cũng từ đó mà "tuột dốc". Nửa sau của thập kỷ 80, Manila còn "bận" dọn dẹp những tàn dư của chế độ Marcos.

Nhậm chức năm 1992, Fidel V. Ramos "thừa hưởng" một đất nước với lực lượng quân đội lẫn nền kinh tế đều yếu kém. Philippines lúc này chỉ còn là cái bóng của một thời huy hoàng đã qua sau những năm tháng "trượt dài" trong tham nhũng và chậm phát triển kinh tế.

Thời điểm này Mỹ và đồng minh đang tập trung vào Trung Đông, Nhật Bản mắc kẹt với nền kinh tế trì trệ, trong khi Liên Xô tan rã.

Đây chính là cơ hội vàng để Trung Quốc lấy lại hào quang khi xưa.

Song - Đa phương kết hợp

Chỉ 3 năm sau khi đắc cử, chính quyền Ramos phải đối đầu với Trung Quốc trong vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.

Vậy ông Ramos đã xử trí như thế nào? Không đối đầu, cũng không thỏa hiệp, Ramos đã áp dụng một lối đáp trả chiến lược nhằm ngăn chặn dã tâm của Trung Quốc, truyền đạt lập trường của Philippines và thay đổi quỹ đạo của cuộc tranh chấp.

Phương án quân sự cũng được tính tới, nhưng thực tế cho thấy đây không phải lựa chọn khả thi.

Lúc đó, Ramos nhận ra rằng điều quan trọng là giữ quan hệ với Trung Quốc, nhất là khi nước này đang trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước châu Á. Đối đầu trực tiếp có thể khiến tình hình rắc rối hơn.

Ông đã áp dụng một phương thức mà chuyên gia Philippines Richard Javad Heydarian gọi là "chủ nghĩa song đa phương". Một mặt, Ramos tiến hành các cuộc đối thoại cấp cao để hạ nhiệt căng thẳng. Mặt khác, ông tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao trong khu vực, lấy nền tảng từ cơ chế đa phương, dựa vào ASEAN để gây sức ép với Trung Quốc.

Trong suốt 2 thập kỷ, từ năm 1995 đến 2012, Philippines và Trung Quốc chứng kiến sự cởi mở trong quan hệ song phương. Tranh chấp lãnh thổ cũng đóng băng. Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân còn tới thăm Philippines để bàn cách giải quyết tranh chấp và bảo vệ mối quan hệ song phương "đang nở rộ".

Vì sao Philippines chọn cựu Tổng thống Fidel Ramos là đặc sứ ở TQ? - Ảnh 3.

Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân song ca cùng Tổng thống Philippines Fidel Ramos trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Philippines 26/11/1996. Ảnh: AFP.

Nếu coi đó là thành công như quan điểm của Heydarian trong bài viết trên Huffington Post thì đó có thể là lí do Duterte đặt niềm tin vào Ramos. Điều này cũng không quá khó hiểu khi nhìn vào quan điểm thúc đẩy đàm phán song phương với Trung Quốc mà ông Duterte vẫn thể hiện lâu nay.

Có lẽ ông Duterte hi vọng rằng, cựu Tổng thống có thể giúp mình hóa giải thế cờ với Trung Quốc trên biển Đông, thế cờ mà Benigno Aquino III đã để lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại