Kẻ bay cao, người thăng trầm
Chưa tròn 1 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang Seo đã trở thành nhà cầm quân thành công nhất nếu xét ở cấp độ trẻ. Ông Park liên tiếp viết nên kỳ tích từ U23 châu Á đến ASIAD 18. Thế nên, ông Park không chỉ tạo tiếng vang cho người hâm mộ Việt Nam mà còn lan tỏa niềm tự hào về quê nhà Hàn Quốc.
Còn nhớ cách đây không lâu, truyền thông Hàn Quốc sang tận Việt Nam để đưa tin ông Park được chào mừng trong lễ mừng công sau ASIAD 18. Ông Park trở về nước cũng được truyền thông quê nhà ra tận sân bay đón tiếp như một ngôi sao lớn của làng túc cầu.
HLV Park Hang Seo bay cao cùng U23 Việt Nam.
Ngược lại, GĐKT Chung Hae-seong - một người từng cùng làm trợ lý với ông Park ở ĐT Hàn Quốc dưới thời HLV Hiddink đã không có được sự may mắn như thế. GĐKT Chung Hae-seong đang lận đận cùng CLB HAGL ở V.League 2018.
Với GĐKT Chung Hae-seong, HAGL là đội bóng cuối cùng trong sự nghiệp cầm quân. GĐKT Chung Hae-seong muốn đưa đội bóng phố Núi vươn tầm Đông Nam Á chứ không đơn thuần bay cao ở V.League. Thế nhưng, HAGL bây giờ chưa đủ điểm trụ hạng - đây là một nghịch cảnh lớn dành cho GĐKT Chung Hae-seong.
Rõ ràng, so với người đồng hương Park Hang Seo, GĐKT Chung Hae-seong đang lép vế dù cả hai đều được bầu Đức kỳ vọng rất lớn.
Sự khác biệt giữa GĐKT Chung Hae-seong và ông Park
Cả HLV Park Hang Seo và GĐKT Chung Hae-seong đều được đích thân bầu Đức mời về. Vậy tại sao người thành công, còn kẻ lận đận?
Nhiều ý kiến cho rằng, HAGL có nhiều tuyển thủ và quân U23 Việt Nam. Tại sao họ chơi tốt khi lên tuyển còn trở về CLB thể hiện kém cỏi? Phải chăng ông Chung kém hơn ông Park?
Câu chuyện này cần được nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau. Quân HAGL thành công dưới thời ông Park thực tế chỉ đá ở cấp độ U, tức đối thủ cũng cùng độ tuổi, thậm chí nhỏ hơn. Điều này tạo nên sự khác biệt lớn về kinh nghiệm thi đấu, bao gồm lẫn trình độ giữa cầu thủ trẻ so với đàn anh.
Khi trở về từ U23 Việt Nam thì quân HAGl phải gặp những cầu thủ kinh nghiệm trận mạc ở V.League. Ví dụ ba trận thua gần nhất thì HAGl thua kém về ngoại binh so với Thanh Hóa, TP.HCM, Hà Nội. Cả ba đội bóng này cũng sở hữu nhiều trụ cột hoặc cựu tuyển thủ quốc gia.
GĐKT Chung Hae-seong chưa thể thành công vì thiếu ê kíp làm việc hiệu quả.
Đó là vấn đề về chuyên môn còn một câu chuyện quan trọng khác để cho thấy sự khác biệt giữa ông Chung và ông Park. Điều này nằm ở môi trường và sự hậu thuẫn về công tác huấn luyện.
HLV Park Hang Seo có đội ngũ trợ lý giỏi, riêng trợ lý chuyên môn của ông Park được đánh giá cực giỏi, gần như lo toàn bộ quá trình tập luyện cho U23 Việt Nam. Thậm chí, các cầu thủ đứng vị trí cũng được cầm tay chỉ chỗ cho phù hợp để thay đổi tư duy chơi bóng.
Với những cánh tay nối dài tài giỏi cùng ê kíp làm việc hiệu quả, ông Park rõ ràng thuận lợi hơn rất nhiều so với GĐKT Chung Hae-seong. Ngược lại, ông Chung ở HAGL không có được điều kiện thuận lợi như ông Park.
Bóng đá Việt Nam chỉ có 1 HLV ngoại thành công ở cấp CLB là ông Calisto thời cầm quân cho CLB Long An. Tuy nhiên, đội bóng chủ sân Tân An sau này không còn hội tụ nhiều ngôi sao xuất sắc thì ông Calisto cũng không thể tìm lại được ánh hào quang như lần đầu tái duyên.
Ngược lại, trợ lý của HLV Mourinho - ông Ricardo Formosinho cũng từng thất bại ở Long An và Bình Dương. HLV Miura đang lận đận với CLB TP.HCM. Các thầy ngoại của CLB Thanh Hóa cũng không thể có được thành công…
Điểm chung giữa các HLV ngoại đến Việt Nam và ông Chung Hae-seong là thiếu những cánh tay nối dài, tức không có 1 ê kíp làm việc hiểu ý hoặc giúp việc đúng nghĩa. Thế nên, họ không thể thành công.
Đây cũng là bài học cho nhiều đội ở V.League trong việc mời HLV ngoại về làm việc. Họ cần có thêm ê kíp làm việc còn không thể một mình làm tất cả mọi thứ, dù có chuyên môn giỏi cỡ nào cũng chào thua nếu không có một ê kíp làm việc hiệu quả.