Vì sao nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào khu phi quân sự DMZ liên Triều?

Hồng Anh |

Nhu cầu sở hữu đất đai tại các vùng quanh khu phi quân sự DMZ ở biên giới liên Triều đang gia tăng với kỳ vọng nguồn vốn và dòng người sẽ đổ về đây.

Sự tan băng trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cùng Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử liên Triều đã mang lại cơ hội kinh tế không ngờ tại khu phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới hai miền Triều Tiên, nơi đang chứng kiến sự nhộn nhịp và sôi sục của thị trường bất động sản.

Nhu cầu mua bất động sản tăng vọt từ phía Hàn Quốc

Nhu cầu sở hữu đất đai tại các thị trấn nhỏ và các khu vực nông thôn thưa dân quanh DMZ đang gia tăng với kỳ vọng nguồn vốn và dòng người sẽ đổ về đây. Theo lý giải của Reuters, bất động sản tại DMZ, luôn sẵn sàng được đưa ra mua bán, trao đổi, tuy nhiên lại không công khai trước công chúng vì thế người mua và các nhà đầu tư phải sử dụng mạng internet để tìm kiếm và đưa ra quyết định.

Kang Sung-wook, một nha sỹ 37 tuổi tại thành phố biên giới Paju của Hàn Quốc đã mua 8 khu đất riêng biệt xung quanh và bên trong DMZ kể từ giữa tháng 3. Năm khu đất trong số này ông chưa từng đặt chân đến, chỉ sử dụng bản đồ và các bức ảnh trên ứng dụng Google Earth, còn các khu vực bên trong DMZ thì người dân không thể tiếp cận được. Ông Kang Sung-wook cho biết, nhu cầu mua bất động sản tại khu vực này đã tăng vọt kể từ khi quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được cải thiện, vì thế ông cần phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ.

“Tôi đang tìm kiếm thêm cơ hội kể từ khi các tin tức về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều được công bố vào tháng 3. Có vẻ như mọi điều tốt lành đã tới. Tôi nhận ra rằng thị trường bất động sản giờ rất nóng.”

Ở thời điểm hiện tại, ông Kang Sung-wook đã chi tổng cộng khoảng 2,8 triệu USD để đầu tư 20 héc-ta đất dọc khu vực biên giới.

Khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được xem là điểm nóng, khu vực biên giới được bảo vệ và canh giữ cẩn mật nhất của thế giới. Nổi bật ở khu vực này là hàng rào kẽm gai, những tháp canh, và những bãi mìn. Chuyên gia bom mìn Jeong In-cheol cho biết, có hơn 1 triệu quả mìn được cài đặt rải rác bên trong khu DMZ và Khu Kiểm soát dân sự. Trong khi người dân bị hạn chế tiếp cận, những khu đất nằm trong vòng 2km đi sâu vào khu DMZ thuộc lãnh thổ Hàn Quốc và các khu vực biên giới khác giữa hai miền vẫn có thể được mua bán và đăng ký.

Việc giao dịch đất đai ở Paju, cửa ngõ vào làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã tăng gấp đôi trong tháng 3 vừa qua, so với tháng 2. Tại khu định cư Jangdan-myun, nơi có nhà ga Thống Nhất (Dorasan Station) - ga cuối cùng của tuyến đường sắt phía Bắc Hàn Quốc nằm sát lãnh giới quân sự, số lượng giao dịch từ đầu năm đến nay đã tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đất cũng tăng 17% so với cùng kỳ. Kim Yoon-sik, một người môi giới bất động sản giàu kinh nghiệm tại Paju cho biết, trong số các chủ sở hữu đất đai tại DMZ, có cả các nhà đầu tư dài hạn và những người thừa hưởng đất nông nghiệp từ tổ tiên thời điểm trước chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Điều ẩn chứa sau cái bắt tay lịch sử của Kim Jong-un và Tập Cận Bình VOV.VN - Cả Trung Quốc và Triều Tiên đều nhận ra rằng hai bên không có sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc hợp tác với nhau trong các vấn đề liên quan.

Nhà đầu tư Trung Quốc không kém cạnh

Sự gia tăng các hoạt động đầu tư dọc biên giới với Triều Tiên không chỉ giới hạn từ phía Hàn Quốc hoặc chỉ riêng lĩnh vực bất động sản mà còn mở rộng sang lĩnh vực xây dựng và giao thông. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng để mắt đến các cơ hội này.

Thành phố Đan Đông của tỉnh Liêu Ninh, Tây Bắc Trung Quốc, giáp ranh với Triều Tiên, là nơi kết nối giao thương giữa hai nước. Thành phố này từng trở nên vắng vẻ kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sau loạt vụ thử tên lửa tầm cao và thử hạt nhân hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, Đan Đông đang chứng kiến giá nhà đất tăng vụt, kèm theo nhu cầu bất động sản cũng tăng sau những động thái ngoại giao đầy tích cực như cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra.

Các nhà đầu tư bất động tranh thủ đẩy giá nhà đất lên cao, thậm chí có xu hướng mua bất động sản bên trong Triều Tiên. Theo số liệu do Văn phòng bất động sản Đan Đông công bố ngày 26/4 - một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 260 đơn giao dịch bất động sản, vượt quá công suất hàng ngày trước đó.

Liên quan đến lĩnh vực giao thông và xây dựng, tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tháng 3 vừa qua ở Bàn Môn Điếm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết khôi phục lại tuyến đường sắt và tuyến đường bộ dọc biên giới, chuyển DMZ thành một khu vực hòa bình. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng nhất trí rằng nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, nước này sẽ được đảm bảo về viện trợ kinh tế, mà có thể bắt đầu bằng việc xúc tiến các dự án đường sắt kết nối Trung Quốc và Hàn Quốc thông qua Triều Tiên. Trước kỳ vọng đối với các dự án này, cổ phiếu của các công ty đường sắt và xây dựng Hàn Quốc chẳng hạn như Hyundai Rotem và Seoam Machinery đã tăng cao.

Nguy cơ rủi ro

Trước đây, giá bất động sản ở khu vực biên giới liên Triều cũng đã từng tăng vọt khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyu gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il năm 2007. Tuy nhiên, giá đất đai đã giảm mạnh sau đó do quan hệ hai miền trở nên xấu đi khi chính quyền cánh hữu của Tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền 1 năm sau đó.

“Trong 7 thập kỷ qua, hai miền Triều Tiên đã theo đuổi những hướng đi hoàn toàn khác nhau. Vì thế việc xóa bỏ khu vực phi quân sự DMZ sẽ không phải là một quá trình nhanh chóng và thuận lợi, thậm chí ngay cảTriều Tiên mở cửa về kinh tế”, giáo sư Jhe Seong-hotại Đại học Chung Ang, Hàn Quốc nhận định. Ông cho biết thêm, do mật độ dân cư thấp nên phần lớn đất đai xung quanh và bên trong DMZ vẫn còn hoang vu vì thế việc phát triển hay hiện đại hóa những khu vực này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là một rủi ro với các nhà đầu tư.

Và chừng nào các biện pháp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên vẫn còn hiệu lực, các doanh nghiệp Hàn Quốc không có nhiều hy vọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư tại khu vực này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại