Như tin đã đưa, tạp chí Forbes mới công bố top 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á. Việt Nam vinh dự có 3 đại diện trong nhóm này gồm bà Thái Hương – chủ tịch TH Group (58 tuổi); bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO hãng hàng không Vietjet (46 tuổi) và bà Cao Thị Ngọc Dung – chủ tịch và CEO của PNJ (58 tuổi).
Điều đáng nói là trước đây, bà Mai Kiều Liên – người từng được tờ CNBC của Mỹ ví là "Margaret Thatcher của Việt Nam" luôn là cái tên sáng giá đại diện cho Việt Nam trong nhiều bảng xếp hạng bình chọn quốc tế.
Bằng chứng là ngoài 4 lần lọt top 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á, tháng 5/2015, bà Liên cũng vinh dự nhận giải thưởng Nikkei của Nhật Bản với lời ca ngợi là người tiên phong trên thị trường sản phẩm sữa Việt Nam và xây dựng Vinamilk thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành công nghiệp sữa nội địa.
Trong khi Vinamilk ngày càng khẳng định vị thế, điều gì đã khiến bà Mai Kiều Liên không còn xuất hiện trong danh sách 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm nay?
Vấn đề có lẽ nằm ở tiêu chí lựa chọn. Thông thường, danh sách quyền lực được dựa trên các tiêu chí gồm:
Doanh thu công ty (hiếm khi dưới 100 triệu USD, thường là hàng tỷ USD), vị trí của ứng cử viên trong công ty và mức độ tham gia vào công việc.
Tiêu chí thứ 2 là một bất lợi đối với bà Mai Kiều Liên. Tháng 7/2015, giới truyền thông trong nước xôn xao trước việc ngày 24/7/2015, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã triệu tập cuộc họp HĐQT bầu lại vị trí Chủ tịch HĐQT công ty.
Kết quả là bà Lê Thị Băng Tâm - thành viên HĐQT đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT thay thế cho bà Mai Kiều Liên.
Rời ghế Chủ tịch, bà Mai Kiều Liên vẫn là Tổng giám đốc của Vinamilk, đồng thời là thành viên HĐQT công ty này.
Rời vị trí "tổng tư lệnh" có lẽ là lý do Forbes cho rằng quyền lực của bà Mai Kiều Liên đã giảm sút.