Vì sao Nga điều tàu cổ lỗ tập trận với Trung Quốc ở Biển Đông?

Ly Vy |

Từ ngày 11-19/09, các tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tham gia cuộc tập trận chung "Joint Sea 2016" với Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông.

Biên đội tàu cổ lỗ, quy mô hạn chế

Theo thông báo của hãng tin TASS, các tàu Hải quân Nga tham gia cuộc tập trận chung lần này gồm 2 tàu khu trục chống ngầm lớp Udaloy I (đề án 1155) mang tên Admiral Tributs, Admiral Vinogradov, tàu đổ bộ lớp Ropucha (đề án 775) mang tên Peresvet, tàu kéo Alatau và tàu chở dầu Pechenga.

Tạp chí Diplomat nhận định, quy mô như vậy là rất hạn chế. Hơn nữa, các chiến hạm mà Nga cử tới Biển Đông tập trận không phải là loại tàu tối tân nhất của nước này.

Vì sao Nga điều tàu cổ lỗ tập trận với Trung Quốc ở Biển Đông? - Ảnh 1.

Tàu khu trục Admiral Tributs.

Thật vậy, ngoài 2 tàu hỗ trợ và hậu cần, 3 tàu chiến của Hải quân Nga đưa đến cuộc tập trận với Trung Quốc đều là các tàu thế hệ cũ từ thời Liên Xô. Trong đó 2 tàu khu trục chống ngầm lớp Udaloy I (đề án 1155) hiện đang đóng vai trò là lớp tàu viễn dương chủ lực của Hạm đội Thái Bình Dương.

Đã có tổng cộng 12 tàu khu trục chống ngầm lớp Udaloy I được Liên Xô đóng trong giai đoạn từ năm 1977 - 1991. Trong đó, tàu Admiral Tributs (số hiệu 552) và tàu Admiral Vinogradov (số hiệu 572) lần lượt được đưa vào biên chế ngày 15/02/1986 và 30/12/1988.

Vì sao Nga điều tàu cổ lỗ tập trận với Trung Quốc ở Biển Đông? - Ảnh 2.

Tàu khu trục Admiral Vinogradov.

Các tàu khu trục chống ngầm lớp Udaloy I có chiều dài 163,5m, rộng 19m, lượng giãn nước đầy tải lên đến 7.570 tấn, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động 5.000 hải lý và thủy thủ đoàn 220 người.

Nhiệm vụ của các tàu lớp Udaloy I ban đầu thiên về săn tìm tàu ngầm nguyên tử của Mỹ tại các vùng đại dương. Tuy có kích thước rất lớn nhưng vũ khí trang bị trên tàu chỉ mạnh ở khả năng chống ngầm, khả năng chống tàu mặt nước và máy bay còn hạn chế.

Ngay cả với khí tài chống ngầm thì hiện nay các tàu lớp Udaloy I cũng đã trở nên lạc hậu.

Trang bị vũ khí trên tàu bao gồm:

- 2 pháo hạm AK-100 cỡ nòng 100mm;

- 2x4 tên lửa chống ngầm SS-N-14 Silex. Việc trang bị đến 8 tên lửa chống ngầm có kích cỡ lớn đã làm giảm đi tính năng chống tàu mặt nước. Liên Xô trước đó cũng nhận ra điểm yếu này nên đã thiết kế lớp Udaloy II (đề án 1155.1) với thay đổi lớn nhất là sử dụng 2x4 tên lửa chống hạm Moskit thay cho tên lửa chống ngầm ở lớp Udaloy I.

Vì sao Nga điều tàu cổ lỗ tập trận với Trung Quốc ở Biển Đông? - Ảnh 3.

Khinh hạm đề án 11356M mới của Hải quân Nga có sức mạnh hỏa lực vượt trội hơn nhiều so với tàu khu trục lớp Udaloy I.

- 8x8 ống phóng tên lửa phòng không SA-N-9 Gauntlet. Hiện nay, Nga đã dừng sản xuất hệ thống này, đây cũng chỉ là loại tên lửa phòng không tầm ngắn có tầm bắn 12km, độ cao diệt mục tiêu chỉ 6.000m, không hề tương xứng với kích cỡ cũng như phân cấp tàu khu trục của Udaloy.

Hiện nay, tàu khu trục thế hệ mới của hải quân các nước đều trang bị hệ thống phòng không tầm trung, xa, ngay cả các khinh hạm mới của Nga (phân khúc khinh hạm thấp hơn tàu khu trục) - như đề án 11356M đã được trang bị tên lửa phòng không tầm trung (Shtil-1), đề án 22350 còn trang bị cả tên lửa phòng không tầm xa (hệ thống Redut).

- 4 pháo bắn nhanh AK-630M;

- 2x4 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm;

- 2 bệ phóng rocket chống ngầm RBU-6000;

- Sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng săn ngầm;

Các tàu khu trục lớp Udaloy I còn có một nhược điểm lớn nữa. Do là thiết kế cũ nên tàu không hề có tính tàng hình. Các loại vũ khí cũng như tháp radar bố trí hoàn toàn lộ ra bên ngoài và không có tính đa năng.

Trong khi đó, tiêu chuẩn đóng các tàu chiến thế hệ mới hiện nay đều ưu tiên khả năng tàng hình và tính đa nhệm của vũ khí trang bị, đáng chú ý nhất là chúng được lắp đặt các ống phóng thẳng đứng đa năng.

Vì sao Nga điều tàu cổ lỗ tập trận với Trung Quốc ở Biển Đông? - Ảnh 4.

Khinh hạm đề án 22350 được coi là mẫu tàu chiến hiện đại và uy lực nhất của Nga hiện nay. Tuy nhiên, vẫn chưa có tàu nào được biên chế cho Hải quân Nga.

Vì sao Nga điều tàu cổ lỗ tập trận với Trung Quốc?

Một số nhận định cho rằng, sở dĩ Nga điều 2 tàu khu trục thế hệ cũ tham gia tập trận với Trung Quốc là do hiện nay hải quân nước này chưa đưa vào biên chế các tàu mặt nước thế hệ mới có kích cỡ lớn, hoạt động được ở vùng biển xa.

Trong những năm gần đây, Hải quân Nga mới bổ sung thêm tàu hộ tống đề án 20380 cùng khinh hạm đề án 11356. Tuy nhiên, các tàu này lại chưa được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương và kích cỡ của chúng cũng không thể so sánh với lớp Udaloy I.

Theo luồng ý kiến này, do ngành công nghiệp đóng tàu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau khi Liên Xô sụp đổ và tình hình kinh tế hiện nay còn có những khó khăn nhất định nên có lẽ trong một thời gian dài nữa, Moscow vẫn sẽ phụ thuộc vào những con tàu từ thời Liên Xô để thực hiện nhiệm vụ tuần tra viễn dương và tham gia tập trận quốc tế.

Tuy nhiên, theo tạp chí Diplomat, còn có một lý do quan trọng hơn cả, khiến Moscow chỉ điều biên đội tàu chiến cũ, quy mô hạn chế đến tập trận với Trung Quốc.

Đó là bởi Nga xem Việt Nam là một đối tác quân sự quan trọng. Moscow hiện đang trong quá trình hoàn thiện và chuyển giao 2 khinh hạm lớp Gepard, cùng 6 tàu ngầm cho Hà Nội.

Vì thế, theo Diplomat, Nga sẽ thận trọng giữ lập trường "trung hòa" trong các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Tạp chí này đồng thời nhận định rằng, Trung Quốc và Nga không có quan hệ liên minh quân sự chính thức nên cuộc tập trận chung giữa hai nước có ý nghĩa chính trị hơn là ý nghĩa thực chất, chủ yếu cho thấy quan hệ đối tác an ninh giữa hai nước đang phát triển nhanh chóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại