Tuyên bố không cần máy bay ném bom như B-2 của Mỹ, TQ "lòi đuôi"

Thiên Minh |

Chuyên gia TQ mạnh miệng tuyên bố nước này không cần tới máy bay ném bom như B-2, song lại đưa ra lý do rằng chương trình đó là thách thức lớn với TQ, cả về công nghệ và kinh tế.

Phát biểu trước truyền thông hôm 2/9, Tư lệnh Không quân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên công bố rằng Bắc Kinh đang phát triển một mẫu máy bay ném bom tầm xa mới.

Tuyên bố của ông Mã Hiểu Thiên thu hút nhiều sự chú ý, bởi đây là lần đầu tiên một quan chức quân đội cấp cao của Trung Quốc xác nhận thông tin về dự án máy bay ném bom tầm xa của nước này.

Tuy nhiên, ông Mã không tiết lộ tính năng kỹ thuật của máy bay, cũng như tình trạng chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D).

Hôm 4/9, Thời báo Hoàn Cầu đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia quân sự không quân Fu Qianshao về các yêu cầu tính năng, giải pháp kỹ thuật và một số vấn đề khác liên quan tới mẫu máy bay mới.

Giới lãnh đạo Trung Quốc coi Không quân (PLAAF) là lực lượng chiến lược. Việc phát triển máy bay ném bom tầm xa dành cho PLAAF là một bước đi cần thiết.

"Máy bay ném bom" được định nghĩa như thế nào? Theo ông Fu Qianshao, có 2 loại máy bay ném bom - chiến thuật và chiến lược. Trong đó, máy bay ném bom chiến lược gồm loại tầm trung và tầm xa.

Hiện tại, mới 2 nước có máy bay ném bom chiến lược tầm xa, đó là các mẫu B-52, B-1B, B-2 của Mỹ và Tu-160, Tu-95 của Nga. Bên cạnh đó, cũng chỉ có 2 nước có máy bay ném bom chiến lược tầm trung, gồm dòng H-6 của Trung Quốc và Tu-22M của Nga.

Truyền thông nước ngoài thường xếp H-6K vào loại máy bay ném bom chiến lược tầm trung và tầm xa, với tầm bay 8.000 - 9.000km, được trang bị động cơ cùng hệ thống điện tử hàng không mới.

Tuyên bố không cần máy bay ném bom như B-2 của Mỹ, TQ lòi đuôi - Ảnh 1.

Máy bay ném bom H-6K

3 giải pháp kỹ thuật

Một số trang mạng Trung Quốc cho rằng máy bay ném bom chiến lược tầm xa của nước này "có thể bay vòng quanh thế giới với tải trọng bom 30 tấn".

Theo ông Fu, không có loại máy bay ném bom nào hiện nay có thể bay vòng quanh thế giới mà không cần tiếp dầu. Máy bay ném bom tầm trung có tầm bay hơn 6.000km, còn máy bay ném bom tầm xa là 12.000km, với tải trọng bom từ 20-30 tấn.

Vậy giải pháp kỹ thuật đối với máy bay ném bom thế hệ mới của Trung Quốc là gì? Ông Fu cho rằng, máy bay ném bom tầm xa mới có thể được lắp đặt 4 động cơ, có lẽ sẽ là loại động cơ phản lực WS-10 đang được Trung Quốc sử dụng cho máy bay chiến đấu. Hiện có 2 phiên bản của WS-10, một loại thông thường và một loại tăng thêm lực đẩy.

Tuyên bố không cần máy bay ném bom như B-2 của Mỹ, TQ lòi đuôi - Ảnh 2.

Một cuộc thử nghiệm động cơ WS-10A của Trung Quốc

Vì thế, theo vị chuyên gia, có thể đưa ra 3 giải pháp kỹ thuật căn cứ theo các yêu cầu tính năng khác nhau. Đầu tiên là tập trung vào tính năng tàng hình, thay vì khả năng chọc thủng mạng lưới phòng thủ với tốc độ siêu thanh. Trong trường hợp này, động cơ WS-10 thông thường có thể được lựa chọn.

Giải pháp thứ 2 là chú trọng khả năng xâm nhập với tốc độ siêu thanh. Ở đây cần tới phiên bản động cơ WS-10 tăng thêm lực đẩy.

Và giải pháp thứ 3 là kết hợp 2 giải pháp trên. Theo ông Fu, giải pháp này tương đối khả thi bởi Trung Quốc đã có sự chuẩn bị đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực liên quan.

"Trung Quốc không cần tới máy bay ném bom như B-2"

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, chuyên gia hàng không Wang Yanan cho rằng Trung quốc nên phát triển mẫu máy bay ném bom chiến lược tương tự như Tu-160 của Nga.

"Máy bay ném bom của chúng ta nên có khả năng siêu thanh như Tu-160, nhưng nên dùng cánh cố định, thay vì cánh cụp cánh xòe bởi kiểu thiết kế này quá phức tạp và không hữu ích lắm trong hình thái tác chiến hiện đại" - ông Yanan nói.

"Tôi không cho rằng chúng ta cần tới máy bay ném bom cánh bay như B-2, bởi chương trình phát triển này là một thách thức đối với Trung Quốc, về cả công nghệ và kinh tế. Tại sao chúng ta phải đầu tư các nguồn lực khổng lồ để phát triển phiên bản B-2, chỉ vì nó trông 'ngầu' hay vì thứ tính năng tàng hình còn nhiều tranh cãi?" - ông Yanan nêu quan điểm.

Tuyên bố không cần máy bay ném bom như B-2 của Mỹ, TQ lòi đuôi - Ảnh 3.

Máy bay ném bom B-2.

Theo chuyên gia Fu Qianshao, việc lựa chọn giải pháp kỹ thuật nào và chú trọng vào khả năng nào sẽ phụ thuộc vào các cân nhắc mang tính quân sự. Dù lựa chọn ưu tiên tính năng kỹ thuật nào thì Trung Quốc cũng đã có sự chuẩn bị, mặc dù giải pháp kết hợp cả khả năng tàng hình và siêu thanh chắc chắn là khó thực hiện nhất.

Ông Fu cho biết, trước đây, máy bay ném bom Trung Quốc được cho là thua kém hệ thống tương tự của các cường quốc phương Tây tới 50 năm. Song, điều này chỉ đúng với các phiên bản đời đầu của dòng H-6, thay vì phiên bản H-6K nâng cấp hiện nay.

Một khi phát triển thành công máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới, Trung Quốc có thể đạt tới cấp độ cao ngang ngửa với các cường quốc quân sự trên thế giới, thậm chí giành được lợi thế của "người đi sau" ở một số khía cạnh nhất định, bởi rốt cuộc thì B-2, tuy là mẫu máy bay ném bom tàng hình mới nhất của Mỹ nhưng đã được phát triển từ nhiều năm trước.

Ngoài ra, theo ông Fu, Bắc Kinh còn có một lợi thế lớn khác là đội ngũ R&D ưu tú. Các chuyên gia trong đội ngũ này đã phát triển tất cả các loại máy bay quân sự của Trung Quốc trong vài thập kỷ gần trở lại đây.

Một số chuyên gia cho rằng, theo truyền thống của quân đội Trung Quốc, khi một dự án quân sự được xác nhận công khai thì tức là nó đã xúc tiến được một thời gian và đã thu được một số kết quả nhất định.

Đồng quan điểm này, ông Fu tin rằng, dự án máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc đã được xây dựng và triển khai được một khoảng thời gian tương đối, song không đề cập tới mức độ tiến triển của nó.

Tuyên bố không cần máy bay ném bom như B-2 của Mỹ, TQ lòi đuôi - Ảnh 4.

Bộ đôi máy bay ném bom B-2 và B-52 của Mỹ

Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, dự án phát triển máy bay ném bom tầm xa mới không đồng nghĩa với việc các máy bay ném bom hiện nay của Trung Quốc đã hoàn toàn lỗi thời. Có khả năng cao, 2 mẫu máy bay ném bom chiến lược sẽ cùng sát cánh phục vụ PLAAF, chẳng hạn như cặp B-2 và B-52 của Mỹ dù "pháo đài bay" giờ đã trở thành cựu binh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại