Vì sao Nga cần một Liên minh châu Âu hùng mạnh?

Đào Cảnh |

Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Âu và quốc tế thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga, nước này đang rất cần đến một Liên minh châu (EU) Âu hùng mạnh vì điều này sẽ đem lại cho Nga các lợi ích chiến lược.

Donald Tusk và Jean-Claude Juncker (bên phải).
Donald Tusk và Jean-Claude Juncker (bên phải).

Trong thời gian gần đây, giới truyền thông phương Tây đã cho đăng tải một số nhận định cho rằng Nga đang cố gắng làm suy yếu EU.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Âu và quốc tế thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga, nước này đang rất cần đến một Liên minh châu (EU) Âu hùng mạnh vì điều này sẽ đem lại cho Nga các lợi ích chiến lược.

Cơ sở để đưa ra nhận định rằng Nga đang cố gắng làm suy yếu, chia rẽ EU là việc Nga đang cố gắng đàm phán với từng quốc gia EU chứ không đàm phán với EU về việc cung cấp năng lượng.

Tuy nhiên, giới phân tích Nga cho rằng nhận định này không có cơ sở. Sở dĩ Nga tiến hành đối thoại trên cơ sở song phương với từng quốc gia EU về vấn đề năng lượng và an ninh là do theo yêu cầu của chính các nước thành viên EU.

Các quốc gia thành viên EU vẫn chưa sẵn sàng thống nhất trong việc cử đại diện để tiến hành đối thoại cấp liên minh với Nga. Tất cả các nước này đều muốn tự mình quyết định sẽ nhập năng lượng từ đâu và làm thế nào để bảo vệ an ninh quốc gia.

Việc Nga tiến hành đối thoại trên cơ sở song phương với các quốc gia EU cũng tương tự như việc các quốc gia này đàm phán với Mỹ về vấn đề nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ.

Bên cạnh đó, quan hệ song phương giữa Nga với các nước thành viên EU cũng không đi ngược lại với các lợi ích của EU. Điều này hoàn toàn trái ngược với chính sách của EU đối với các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAES) do Nga đứng đầu.

EU đang cố gắng ký kết các hiệp ước hợp tác toàn diện với Kazakhstan, Armenia và các quốc gia khác như thể là EAES đang không tồn tại.

Nếu như EU hoàn toàn không quan tâm đến sự phát triển của EAES thì Nga lại rất muốn thấy một EU hùng mạnh, hoạt động có hiệu quả. Điều này sẽ đem đến các lợi ích về mặt kinh tế, chính trị, an ninh cho châu Âu, đưa châu Âu trở thành đối tác có hiệu quả của Nga trong việc đảm bảo an ninh chung, giải quyết tình hình khu vực Trung Đông, cũng như đảm bảo các lợi ích kinh tế cho Nga.

Sở dĩ Nga cần đến một EU hùng mạnh là do 5 lý do dưới đây:

Thứ nhất, Nga cần đến một EU hùng mạnh để làm đối tác trong vấn đề đảm bảo an ninh chung cho toàn châu Âu, trong đó có Nga. Một EU hùng mạnh sẽ có khả năng gây tác động thực sự đến Ukraine, cùng Nga thảo luận một loạt vấn đề an ninh “khó nhằn” (như hệ thống phòng không ở châu Âu, hiệp ước hạn chế tên lửa chiến lược, kiểm soát vũ khí, việc NATO mở rộng sang phía Đông…), thảo luận và hình thành hệ thống an ninh châu Âu nói chung và soạn thảo các “luật chơi” chung giữa các nước láng giềng. Một EU hùng mạnh và tin vào chính mình cũng sẽ không xem Nga như là mối đe dọa thường trực.

Trong khi đó, một EU “yếu đuối” sẽ tạo ra các vấn đề đối với an ninh châu Âu. Khi đó, EU sẽ phải dựa vào Mỹ, kêu gọi Mỹ tăng cường vai trò của mình trong việc đảm bảo an ninh ở châu Âu và tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu.

Khi đó, những mâu thuẫn địa chính trị và chính trị-quân sự của lục địa già sẽ càng trở nên căng thẳng hơn. Một EU không đủ khả năng thực hiện chính sách đối ngoại độc lập sẽ không thể gây tác động lên Ukraine để buộc Ukraine thực hiện nghiêm Thỏa thuận Minsk.

Sự gián đoạn trong thảo luận giữa Nga với EU giai đoạn 2008-2013 về các vấn đề cải cách hệ thống an ninh châu Âu chính là do khi đó EU đang trong giai đoạn suy yếu.

Thứ hai, một EU “yếu đuối” sẽ không thể ngăn cản một vài quốc gia cố gắng sử dụng hình ảnh Nga như là một mối đe dọa. Xu hướng này đã được thể hiện rõ nét trong cuộc khủng hoảng Ukraine (2014-2015).

Khi đó, các quốc gia có tâm lý chống Nga như Ba Lan, các nước Baltic sẽ có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng đến việc thông qua các quyết định và soạn thảo chính sách chung.

Nếu như EU hùng mạnh, các quốc gia có tâm lý chống Nga này chỉ có thể có vai trò thứ yếu trong EU. Một EU “yếu đuối” phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ và Mỹ sẽ tham gia nhiều hơn vào việc đưa ra các đường lối chính sách đối ngoại của EU.

Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Thứ ba, chỉ có một EU đoàn kết và hùng mạnh mới có đủ khả năng trở thành đối tác nhập khẩu bền vững nguồn năng lượng Nga.

Các vấn đề đối với việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang EU mà không phải chạy qua các nước trung chuyển (đường ống “Dòng chảy phương Nam” là điển hình) nảy sinh do EU không xây dựng được chính sách năng lượng chung.

Chính điều này đã khiến một số quốc gia có thể đóng vai trò trung chuyển ra sức ngăn cản việc thực hiện dự án vốn đem lại nhiều lợi ích cho châu Âu này.

Thứ tư, Nga cần đến một EU hùng mạnh với tư cách là đối tác để giải quyết các vấn đề Trung Đông.

Chỉ khi là một đối tác cấp toàn cầu, có khả năng thực hiện chính sách đối ngoại chung, EU mới có thể có những tác động thực sự đến Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập xê út và Iran để hình thành ở Trung Đông một trật tự chính trị-đối ngoại mới với sự tham gia “đầy trọng lượng” của EU.

Một EU “yếu đuối” không thể giải quyết được vấn đề nhập cư và chống khủng bố sẽ chỉ “thổi bùng” lên “đám cháy” ở Trung Đông. Các sự kiện giai đoạn 2011-2015 là minh chứng rõ nét cho xu hướng này.

Thứ năm, chỉ một EU hùng mạnh mới có thể trở thành một trung tâm quyền lực toàn cầu và có thể làm suy yếu xu hướng phân chia thế giới thành hai cộng đồng kinh tế-chính trị, nhờ đó có thể khiến thế giới trở nên cân bằng hơn.

Một EU đoàn kết với nhau sẽ trở thành đối tác đàm phán tự tin hơn khi đàm phán với Mỹ về Hiệp ước đối tác kinh tế-thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Trong khi đó, một EU “yếu đuối” sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Washington về mặt kinh tế, chính trị và khi đó sẽ trở thành nhân tố thúc đẩy sự phân rã trên toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại