Theo đại diện chính thức của Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí, điều này có thể coi như một ví dụ về sự cạnh tranh không lành mạnh của Washington trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, việc Nga cung cấp vũ khí cho Myanmar có thể làm xấu đi tình hình ở Myanmar, nơi đang diễn ra xung đột giữa chính quyền với người dân tộc thiểu số Rohingya.
“Còn đối với Myanmar, chúng tôi có những kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật – quân sự. Hiện nay nước này đang vận hành các máy bay tiêm kích MiG-29 của Nga, còn trong tương lai gần Naypitaw sẽ nhận được những tiêm kích Su-30.
Rõ ràng, những vũ khí này được sử dụng hoàn toàn để bảo đảm an ninh quốc gia khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài và các nguy cơ bị gây áp lực chính trị - quân sự” – các chuyên gia của Trung tâm cho biết.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí nhấn mạnh, việc Nga cung cấp các vũ khí này ra nước ngoài khiến Washington lo ngại, bất kể cung cấp cho khu vực nào, khối lượng hay phạm vi cung cấp ra sao.
“Đó là một chính sách nhằm tạo ra cản trở tối đa đối với ngành xuất khẩu vũ khí của Nga bằng cách sử dụng các luận điệu ngôn từ rõ ràng hoặc bịa đặt. Chúng tôi đang xem xét các tuyên bố này như một biểu hiện của chính sách cạnh tranh không lành mạnh với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga”, đại diện của Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí khẳng định.
Trước đó, theo thông báo của Thứ trưởng Quốc phòng Nga ông Alexander Fomin, Myanmar sẽ mua 6 tiêm kích Su-30 của Nga, đồng thời cũng quan tâm tới các thiết bị vũ khí hải quân và lục quân của Nga.
Theo ông, Su-30 “thực tế đã thể hiện được những phẩm chất chiến đấu của một chiếc may bay tầm cỡ quốc tế” và phải trở thành một tiêm kích cơ bản của Không quân Myanmar.
Ngoài ra, hai bên còn ký thỏa thuận liên chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục để cho tàu chiến của Nga cập cảng Myanmar.