Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, vụ phóng tên lửa được tiến hành từ 2 tàu khu trục USS Ross và USS Porter của Hải quân Mỹ ở Đông Địa Trung Hải, nhằm vào căn cứ không quân al-Shayrat ở tỉnh Homs.
Bản đồ thể hiện vị trí căn cứ không quân Shayrat của Syria, mục tiêu phóng tên lửa của Mỹ (Ảnh: ABC News)
Tên lửa Tomahawk là một thành phần quan trọng trong chiến lược tác chiến của Mỹ kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, nó thường mang đầu đạn nặng 450kg.
Lần gần đây nhất Tomahawk được triển khai là vào tháng 10 năm ngoái, khi quân đội Mỹ phóng tên lửa từ Biển Đỏ nhằm vào 3 trạm radar ven biển tại Yemen để trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa của quân nổi dậy Houthi nhằm vào một số tàu chiến Mỹ.
Trước đó, vào tháng 9/2014, quân đội Mỹ đã sử dụng tên lửa Tomahawk khi mở rộng quy mô cuộc chiến chống khủng bố từ Iraq sang Syria.
Vào thời điểm đó, Lầu Năm Góc cho biết Hải quân Mỹ đã phóng 47 tên lửa Tomahawk từ 2 tàu USS Philippine Sea (tại vịnh Ba Tư) và USS Arleigh Burke (tại Biển Đỏ) để tấn công vào các cơ sở mà tổ chức Khorasan, một nhóm phần tử hồi giáo có liên quan tới al-Qaeda kiểm soát.
Bộ Quốc phòng Mỹ công bố video quân đội Mỹ phóng tên lửa hành trình vào Syria sau khi Tổng thống Donald Trump phát lệnh tấn công hôm 6/4
Washington Post cho hay, một trong những lợi thế lớn nhất khi sử dụng Tomahawk là chúng có thể được phóng đi từ các tàu khu trục của Hải quân Mỹ ở khoảng cách lên tới 1.700km - đây là yếu tố chiến thuật cần cân nhắc khi đối đầu với hệ thống phòng không của đối phương.
Quân đội của Tổng thống Assad hiện vận hành các hệ thống tên lửa đất-đối-không khá khiêm tốn - S-200, nhưng chúng lại được hỗ trợ bởi hệ thống tên lửa tiên tiến S-300 và S-400 của Nga. Hai hệ thống mới này có radar mạnh hơn và tốc độ di chuyển của tên lửa nhanh hơn hệ thống cũ của Syria.
Chris Harmer, một cựu sĩ quan hải quân Mỹ, đồng thời là chuyên gia phân tích quốc phòng tại Viện nghiên cứu Chiến tranh cho biết, quân đội Mỹ có thể gây nhiễu một số radar Nga bằng cách sử dụng máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler và các thiết bị khác.
Tuy nhiên, Nga cũng có những hệ thống có khả năng chống lại một số biện pháp gây nhiễu đó, đặc biệt là tổ hợp tên lửa S-400 tiên tiến.
Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến Mỹ (ảnh tư liệu).
Ông Harmer cho hay, tên lửa Tomahawk có sức công phá nhỏ hơn các loại bom cỡ lớn trang bị trên máy bay có người lái của Mỹ, tuy nhiên, nó đủ sức để tấn công các máy bay Syria trên bộ.
"Máy bay là mục tiêu 'mềm nhất' trong các mục tiêu 'mềm", Mỹ không cần dùng tới các loại bom đạn cỡ lớn nhất để phá hủy hoặc vô hiệu hóa chúng" - ông Harmer nói.
Tomahawk còn có một phiên bản đặc biệt mang đầu đạn chùm với khả năng phân tách khi tấn công mục tiêu, có thể phá hủy cùng lúc các xe quân sự, kho chứa và máy bay của đối phương.
Tất nhiên, chúng sẽ không gây thiệt hại lớn tới đường băng như bom cỡ lớn được ném từ máy bay ném bom hoặc máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ.
Theo Washington Post, quyết định sử dụng tên lửa Tomahawk lần này của Mỹ một phần được thúc đẩy bởi các lo ngại chính trị. Sân bay gần Syria nhất mà Mỹ đang sử dụng trong khu vực là tại căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng bất cứ hoạt động nào nhằm vào chính phủ Syria sẽ cần phải có sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ cũng có máy bay tấn công triển khai tại các quốc gia khác ở Trung Đông, nhưng việc điều động chúng cũng có thể gây ra những vấn đề về ngoại giao.
Nếu chính quyền Tổng thống Trump quyết định sử dụng máy bay có người lái thì khả năng lớn nhất là máy bay của Hải quân. Theo những hình ảnh do quân đội Mỹ công bố, họ có thể huy động các máy bay Harrier trực thuộc đơn vị viễn chinh số 24 trên các tàu chiến Mỹ tại Địa Trung Hải.
Tàu sân bay USS George H.W. Bush của Mỹ cũng có mặt tại Trung Đông nhưng lại cách xa Vịnh Ba Tư. Trong khi đó, một phần đội tàu hộ tống tàu sân bay Mỹ ở gần hơn, tại Địa Trung Hải, và có thể mang tên lửa Tomahawk.