Những lần hồi sinh thiết giáp hạm thất bại của Mỹ

QS |

Nhiều ý tưởng đã được đưa ra để hồi sinh 4 thiết giáp hạm lớp Iowa của Hải quân Mỹ.

Lỗ hổng trong Hải quân Mỹ

Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, trước Thế chiến 2, các nhà hoạch định kế hoạch Mỹ cho rằng tàu chiến trang bị pháo lớn sẽ giành chiến thắng khi đối đầu với tàu cùng loại của đối phương.

Tuy nhiên, trận Trân Châu Cảng và trận Midway đã xóa tan quan điểm này, bởi sự linh hoạt và khả năng tấn công tầm xa của tàu sân bay đã chứng tỏ ưu thế vượt trội hơn hẳn so với hệ thống pháo trên thiết giáp hạm.

Từ vai trò trọng yếu, thiết giám hạm chuyển xuống giữ vai trò thứ yếu trong hạm đội, với nhiệm vụ nã pháo vào hệ thống phòng thủ trên bờ của đối phương trước khi Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào.

Sau chiến tranh, Hải quân Mỹ loại bỏ gần hết tàu tuần dương và thiết giáp hạm hạng nặng, chỉ duy trì tàu sân bay. Cuộc chạy đua chế tạo tên lửa tiếp tục làm giảm thêm sức ảnh hưởng của các tàu chiến trang bị pháo lớn và kỷ nguyên của thiết giáp hạm đến hồi chấm dứt.

Đối với Thủy quân lục chiến Mỹ, đây là điều đáng lo ngại. Cuộc tấn công bằng đường biển vào Incheon trong Chiến tranh Triều Tiên cho thấy thời đại của hình thái tấn công đổ bộ vẫn chưa kết thúc.

Các nhà hoạch định quân sự Mỹ ưa thích máy bay vì sự linh hoạt của chúng, nhưng theo quan điểm của Thủy quân lục chiến, việc có một con tàu trực chiến ngoài bờ biển và có thể tấn công bằng pháo hạng nặng trong nhiều giờ liên tục rất quan trọng.

Trong bối cảnh đó, 4 thiết giáp hạm lớp Iowa, đưa vào cất trữ từ Thế chiến II, đã nhanh chóng được khôi phục hoạt động trong Chiến tranh Triều Tiên để hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng Liên Hiệp Quốc.

Sau khi chiến tranh kết thúc, những con tàu này một lần nữa bị đưa ra khỏi biên chế. Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định Hải quân Mỹ, thiết giáp hạm đã trở nên thịnh hành trở lại. Vì vậy, họ tìm cách khôi phục hoạt động cho chúng một lần nữa.

Những lần hồi sinh thiết giáp hạm thất bại của Mỹ - Ảnh 1.

Thiết giáp hạm USS Iowa (BB-61) trình diễn hỏa lực sau khi được đưa trở lại biên chế năm 1984. Ảnh: Wiki

Thiết giáp hạm hạt nhân

Năm 1958, Hải quân Mỹ đề nghị đại tu các thiết giáp hạm lớp Iowa bằng cách loại bỏ toàn bộ các khẩu pháo 406mm, sau đó thay thế bằng tên lửa phòng không và chống ngầm.

Các thiết giáp hạm mới còn mang 4 tên lửa hành trình Regulus II, mỗi tên lửa có thể san phẳng một thành phố cách xa 1.600km bằng đầu đạn hạt nhân, mạnh hơn 100 lần loại bom hạt nhân mà Mỹ từng ném xuống Hiroshima.

Kết quả sẽ cho ra đời một mẫu thiết giáp hạm mạnh nhất từng được chế tạo trong lịch sử, tuy nhiên, ý tưởng này đã bộc lộ những điểm kém hiệu quả. Theo đề xuất, 2.000 thủy thủ sẽ phải di chuyển vào vùng biển của đối phương trên một con tàu đắt đỏ, dài hơn 270m chỉ để tấn công 4 mục tiêu bằng vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, một chiếc máy bay ném bom của Không quân Mỹ cũng tấn công được từng ấy mục tiêu nhưng ở khoảng cách xa hơn và cần ít nhân lực hơn.

Ngoài ra, với chi phí 1,5 tỷ USD theo mệnh giá hiện nay thì quá trình chuyển đổi sẽ rất tốn kém.

Những lần hồi sinh thiết giáp hạm thất bại của Mỹ - Ảnh 2.

Thử nghiệm tên lửa Regulus-II năm 1957. Ảnh: Wiki

Cùng lúc này, Hải quân Mỹ đã điều chỉnh để các tàu ngầm của họ có thể mang tên lửa đạn đạo Polaris. Những tàu ngầm này có thể mang tên lửa nhiều gấp 4 lần và tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa gấp 2 lần các thiết giáp hạm trang bị tên lửa Regulus-II. Chúng còn có thể hoạt động phần lớn thời gian dưới nước để tránh bị phát hiện.

Tất cả những lý do đó đã khiến ý tưởng về thiết giáp hạm hạt nhân chết từ trong trứng nước.

Thiết giáp hạm đổ bộ

Năm 1961, một đề xuất mới được đưa ra nhằm tối ưu hóa các thiết giáp hạm lớp Iowa để tăng cường khả năng chở quân cho Hải quân Mỹ.

Tháp pháo và 3 khẩu pháo 406mm ở đuôi tàu bị tháo bỏ. Thay vào đó sẽ là một nhà chứa và sàn đáp đủ cho 30 chiếc trực thăng.

Con tàu cũng sẽ chở theo 14 xuồng đổ bộ để vận chuyển xe tăng và các xe bọc thép vào bờ. Không gian dành cho 1.800 lính thủy đánh bộ cũng được bổ sung.

Với khả năng hỗ trợ hỏa lực bằng 6 pháo 406mm còn lại và khả năng triển khai một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ bằng đường biển kết hợp đường không, con tàu hứa hẹn sẽ là một tổ hợp hoạt động tối ưu.

Tuy nhiên, chi phí chuyển đổi và vận hành mẫu thiết giáp hạm mới vẫn rất đắt đỏ, trong khi Hải quân Mỹ lại có nhiều tàu sân bay dư thừa và chi phí chuyển đổi chúng sang tàu đổ bộ có thể rẻ hơn đáng kể.

Đã có 3 chiếc tàu sân bay cũ được sửa đổi theo cách này và vì vậy, những chiếc thiết giáp hạm lớp Iowa một lần nữa được đưa vào cất trữ.

Thiết giáp hạm lai tàu sân bay

Chi phí của cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã khiến Mỹ phải tạm thời bỏ ngỏ các cuộc thảo luận về việc chuyển đổi thiết giáp hạm lớp Iowa sang một hình thức mới.

New Jersey, một trong số những thiết giáp hạm này, đã nhanh chóng được khôi phục hoạt động để tham gia chiến dịch của Mỹ tại Việt Nam.

Đầu những năm 1980, chính quyền Tổng thống Reagan bắt đầu chương trình đóng tàu đầy tham vọng, một lần nữa nhằm đưa 4 chiếc lớp Iowa trở lại hoạt động.

Trong giai đoạn đầu tiên, các con tàu này được hiện đại hóa, bổ sung tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, tên lửa chống tàu Harpoon và hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx. Đến giữa những năm 1980, cả 4 con tàu quay trở lại hoạt động.

Giai đoạn hai chưa bao giờ được tiến hành nhưng lại có một số thông tin khá thú vị về nó. Cụ thể, trong giai đoạn 2, các thiết giáp hạm sẽ được dỡ bỏ tháp pháo 406mm ở đuôi tàu. Thay vào đó là 1 sàn đáp và 2 boong phóng kiểu nhảy cầu để triển khai các máy bay Harrier của thủy quân lục chiến Mỹ.

Chúng sẽ chở theo 20 chiếc Harrier, có thêm 1 nhà chứa và 1 thang máy chở máy bay từ khoang chứa lên vị trí cất hạ cánh.

Nằm giữa 2 boong phóng sẽ là các ống phóng tên lửa, có thể bắn tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk hoặc tên lửa phòng không Standard. Như vậy, hỏa lực và tầm bắn của những thiết giáp hạm này sẽ tăng lên đáng kể.

Những lần hồi sinh thiết giáp hạm thất bại của Mỹ - Ảnh 3.

Máy bay AV-8B Harrier cất cánh từ tàu đổ bộ USS Essex (LHD 2).

Đánh đổi 1 tháp pháo để dành chỗ cho 20 chiếc Harrier là ý tưởng khá tốt. Việc bổ sung các tên lửa Tomahawk với khả năng tấn công chính xác sẽ giúp các thiết giáp hạm có sức mạnh hỏa lực ngang ngửa siêu tàu sân bay lớp Nimitz.

Tuy nhiên, cũng giống như trước đây, những hạn chế cố hữu của Iowa đã khiến chúng một lần nữa gặp trở ngại. Với thủy thủ đoàn gần 2.000 người mỗi tàu, chi phí nhân lực khiến tổng chi phí vận hành của tàu trở nên vô cùng đắt đỏ. Trong khi đó, các máy bay Harrier cũng không nhất thiết phải triển khai từ thiết giáp hạm, chúng có thể cất cánh từ các tàu đổ bộ lớp Tarawa.

Các ống phóng tên lửa cũng đã được trang bị rộng khắp trong hạm đội, không nhất thiết phải lắp đặt trên thiết giáp hạm.

Thiết giáp hạm tương lai

Ngày nay, cuộc tranh luận về hỏa lực hải quân lại bùng lên. Mặc dù đây đang là thời đại của máy bay không người lái và vũ khí chính xác nhưng thi thoảng, vẫn có những lời kêu gọi tái triển khai các thiết giáp hạm hạng nặng lớp Iowa.

Hiện nay, Mỹ đã cho ra đời tàu khu trục thế hệ mới Zumwalt. Theo nhà phân tích Mizokami, mặc dù đối nghịch với thiết giáp hạm Iowa về kích cỡ, quy mô kíp vận hành, khả năng tàng hình và mức độ chính xác, nhưng xét về tính năng thì Zumwalt vẫn là "người kế nhiệm" của lớp thiết giáp hạm khét tiếng này.

Và dù mỗi chiếc Zumwalt bắn đạn nhỏ hơn nhưng những viên đạn đó được dẫn đường bằng GPS, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa tới 130km, trong khi tầm bắn của pháo 406mm trên Iowa vào khoảng 30km.

Nếu Zumwalt là một thiết kế thành công, thì vai trò của thiết giáp hạm có thể được chuyển sang cho chúng và những chiếc Iowa có thể an tâm nghỉ ngơi trong viện bảo tàng, tránh xa đề án của những người muốn khôi phục chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại