Vì sao đang "cứng giọng", Trung Quốc lại bất ngờ chìa cành ô liu với Ấn Độ?

Thủy Thu |

Trong cuộc gặp với Cố vấn anh ninh quốc gia Ấn Độ, ông Dương Khiết Trì nói, Trung-Ấn cần tăng cường tin cậy lẫn nhau bởi hai nước "vốn không phải sinh ra là kẻ thù của nhau".

Trong bối cảnh leo thang căng thẳng biên giới Trung-Ấn, chuyến thăm Bắc Kinh (27-28/7) của Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã nhận được sự quan tâm cao độ của tất cả các bên.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 27/7 đã tiến hành hội đàm với ông Doval. Trong hội nghị, ông Dương bày tỏ, hai bên Trung-Ấn cần tăng cường tin cậy lẫn nhau bởi hai nước "vốn không phải sinh ra là kẻ thù của nhau".

Phát biểu của quan chức Trung Quốc cho thấy, cuộc họp đã không xuất hiện diễn biến căng thẳng như những dự đoán trước đó và dường như Bắc Kinh đang có ý xoa dịu quan hệ Trung-Ấn, dù trước cuộc hội đàm với ông Doval, hai bên đều tỏ thái độ cứng rắn khi đề cập phương pháp giải quyết tranh chấp biên giới.

Ngoài gặp gỡ Dương Khiết Trì, ông Doval còn có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh trước đó, "trước khi Ấn Độ rút quân, sẽ không có cuộc đàm phán nào".

Vì sao đang cứng giọng, Trung Quốc lại bất ngờ chìa cành ô liu với Ấn Độ? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval hôm 28/8. Ảnh: Reuters

Trung Quốc "dịu giọng"

Cuộc tiếp xúc giữa hai ông Doval và Dương Khiết Trì cho thấy, Trung Quốc chưa hẳn nhượng bộ nhưng là một phương thức mềm mỏng thể hiện "thiện chí" của Bắc Kinh: Không mong muốn cuộc đối đầu này tiếp tục leo thang căng thẳng, gây ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Ấn, ảnh hưởng tới tình hình biên giới xung quanh Trung Quốc và tạo bất lợi cho cục diện ngoại giao về sáng kiến Vành đai và con đường của ông Tập.

Giới chuyên gia cho rằng, thái độ cứng rắn của Trung Quốc trước chuyến thăm dù rất dễ khiến thế giới liên tưởng đến cuộc xung đột hay chiến tranh biên giới, thậm chí, một số kênh truyền thông thế giới không ngừng dự đoán về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai nhưng kỳ thực, đây là kết quả Bắc Kinh không muốn chứng kiến.

Cuộc hội đàm giữa đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc với ông Doval lần này đã chứng minh điều này. Trong khi đó, New Delhi dù chưa rút quân nhưng cũng mong muốn mượn cơ hội này để dò la thái độ của Bắc Kinh, Đa chiều (Mỹ) nhận định.

Chiến tranh hay hòa bình?

Dù cuộc đối đầu biên giới đã kéo dài hơn một tháng nhưng hai bên đều cố gắng duy trì kiềm chế. Điều này phản ánh căng thẳng leo thang nhưng hai bên đều không mong muốn bị kéo vào một cuộc chiến thực sự bởi chiến tranh là kết quả hai nước muốn tránh, đồng thời cũng là điều hai nước không muốn chấp nhận.

Hơn nữa, với Trung Quốc, nước này hiện đang đối mặt với áp lực về cuộc cải cách kinh tế trong nước, như thế nào để duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập đang trở thành tâm điểm chú ý của các lãnh đạo Trung Quốc.

Đặc biệt, Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19 sắp khai mạc vào mùa thu năm nay nên Bắc Kinh cũng cần duy trì một môi trường đối nội và đối ngoại ổn định. Môt trường đối nội-đối ngoại hòa bình là một đảm bảo cho sự phát triển của Trung Quốc.

Vì sao đang cứng giọng, Trung Quốc lại bất ngờ chìa cành ô liu với Ấn Độ? - Ảnh 2.

Theo giới quan sát, chiến tranh là điều cả Bắc Kinh và New Delhi đều không mong muốn. Ảnh: SCMP

Mặt khác, đối với biên giới Trung Quốc, nếu chiến tranh Trung-Ấn bùng nổ lúc này là điều vô cùng bất lợi cho Bắc Kinh.

Đầu tiên, vấn đề bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết, Triều Tiên-Hàn Quốc đang ở trong mối quan hệ căng thẳng, thậm chí không loại trừ khả năng Mỹ có thể nhân xung đột Trung Ấn để tấn công Bình Nhưỡng. Nếu dự đoán trên xảy ra sẽ đem lại nhiều nhân tố bất ổn cho khu vực Đông Bắc Á khiến Trung Quốc không thể không đề phòng.

Ngoài ra, tuyến đường thương mại trên biển Ấn Độ Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Bắc Kinh. Nếu Trung-Ấn thực sự bùng phát chiến tranh, hải quân Ấn Độ có thể cắt đứt tuyến đường hàng hải này, buộc Bắc Kinh phải phái lực lượng quân sự tới đối đầu.

Hiện nay, trên toàn thế giới chỉ có hải quân Mỹ đồng thời có sức mạnh cùng lúc đối mặt với hai mặt trận. Nếu hải quân Trung Quốc rơi vào cuộc chiến ở Ấn Độ Dương, biển Hoa Đông gần như trở thành "vườn không nhà trống".

Bên cạnh đó, mặc Trung-Ấn đã xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 nhưng tình hình hiện nay đã khác. Năm 1962, Mỹ-Liên Xô đang ở trong giai đoạn leo thăng căng thẳng nhất trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, nguy cơ tên lửa Cuba trở thành tiêu điểm quan tâm thời bấy giờ nên bất luận là Mỹ hay Liên Xô đều không có thời gian để can thiệp vào cuộc chiến Trung-Ấn năm 1962.

Quan hệ Trung-Ấn hòa bình mới là mong muốn của hai bên, có thể xuất phát từ quan điểm này, giới chức Bắc Kinh mới hội kiến quan chức Ấn Độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại