Vì sao cố vấn hàng đầu của ông Tập Cận Bình chỉ xếp thứ 4 trong danh sách Phó Thủ tướng?

Thủy Thu |

Ông Lưu Hạc - cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng sau 3 ông bà Hàn Chính, Tôn Xuân Lan và Hồ Xuân Hoa trong danh sách Phó Thủ tướng Quốc vụ viện.

Ngày 19/3, sau phiên họp toàn thể thứ 7 trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa 13, bộ máy chính phủ Trung Quốc khóa mới cũng lộ diện. Cụ thể: Tân Thủ tướng Trung Quốc tiếp tục là ông Lý Khắc Cường, 4 Phó Thủ tướng lần lượt là Hàn Chính, Tôn Xuân Lan, Hồ Xuân Hoa và Lưu Hạc.

Sự bố trí nhân sự - 1 Thủ tướng và 4 Phó Thủ tướng - được coi là luật bất thành văn hình thành dưới thời cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Vì sao cố vấn hàng đầu của ông Tập Cận Bình chỉ xếp thứ 4 trong danh sách Phó Thủ tướng? - Ảnh 1.

Thông báo của Tân Hoa Xã về danh sách ứng viên trúng cử Phó Thủ tướng Trung Quốc lần lượt là: Hàn Chính, Tôn Xuân Lan, Hồ Xuân Hoa và Lưu Hạc. Ảnh cắt màn hình

Thứ tự Phó Thủ tướng được sắp xếp như thế nào?

Theo giới phân tích, do là Ủy viên Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ, ông Hàn Chính đứng thứ nhất, đảm nhiệm chức danh Phó Thủ tướng thường trực - vị trí của người tiền nhiệm Trương Cao Lệ.

Ngoài ra, dù không có quy định rõ ràng nhưng căn cứ theo tất cả các thông báo, báo cáo chính thức có thể thấy thứ tự Phó Thủ tướng Trung Quốc được sắp xếp theo thâm niên công tác mà không liên quan đến lĩnh vực chuyên môn và tuổi tác.

Ví dụ, bà Tôn Xuân Lan hiện nay 68 tuổi, năm 2005 được bổ nhiệm vị trí Bí thư tổ đảng Tổng liên đoàn công đoàn toàn quốc Trung Quốc - tương đương quan chức cấp Bộ. Tại Đại hội ĐCSTQ khóa 18 năm 2012, bà trúng cử Ủy viên Bộ chính trị, tương đương lãnh đạo cấp Phó nhà nước, là Ủy viên dự khuyết trung ương khóa 15, 16, Ủy viên trung ương khóa 17 đến nay.

Lãnh đạo cấp Phó nhà nước Trung Quốc bao gồm các chức vụ như: Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên dự khuyết, Phó Chủ tịch nước, Bí thư Ban Bí thư, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương, Phó Chủ tịch quân ủy, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng v.v...

Ông Hồ Xuân Hoa năm nay 55 tuổi, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư trung ương Đoàn Thanh niên ĐCSTQ từ năm 2006, tương đương quan chức cấp bộ. Đến năm 2012, ông đắc cử Ủy viên Bộ chính trị khóa 18, trở thành quan chức cấp Phó nhà nước. Là Ủy viên trung ương khóa 17 đến nay.

Ông Lưu Hạc - cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, năm nay 66 tuổi, năm 2013 được bổ nhiệm Chủ nhiệm Văn phòng tiểu tổ lãnh đạo tài chính kinh tế trung ương, tương đương quan chức cấp Bộ. Năm 2017 tại Đại hội ĐCSTQ khóa 19, ông trúng cử Ủy viên Bộ chính trị, trở thành cán bộ cấp Phó nhà nước. Là Ủy viên trung ương khóa 18 đến nay.

Như vậy có thể thấy, hai ông bà Tôn Xuân Lan, Hồ Xuân Hoa trở thành quan chức cấp Phó nhà nước trong cùng một thời gian nhưng do bà Tôn Xuân Lan trở thành quan chức cấp Bộ và Ủy viên dự khuyết trung ương sớm hơn nên bà đứng thứ 2 trong danh sách 4 Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, liền sau ông Hàn Chính. Tiếp đó là ông Hồ Xuân Hoa. Ông Lưu Hạc xếp thứ 4 trong danh sách này.

Lãnh đạo lão thành được sắp xếp như thế nào?

Ví dụ điển hình là Đặng Tiểu Bình. Thời gian sau về hưu, trong các bản tin trên truyền thông, tên của Đặng chỉ xếp sau Giang Trạch Dân - Chủ tịch Trung Quốc giai đoạn 1993 - 2003 - và đứng trước tên các lãnh đạo khác thời kỳ đó.

Ngoài ra, tên các quan chức miễn nhiệm như Trần Vân, Bành Chân hay Đặng Dĩnh Siêu cũng không ít lần được đứng trước các Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị đương nhiệm thời đó.

Nguyên nhân sự sắp xếp này được cho bắt nguồn từ Cách mạng văn hóa. Sau sự kiện này, cho đến những năm 80 thế kỷ trước, không ít lãnh đạo lão thành Trung Quốc vẫn nắm giữ nhiều vị trí quan trọng, cá biệt nhiều trường hợp sau khi mãn nhiệm, tên tuổi họ vẫn được xếp trước trong các danh sách lãnh đạo.

Tuy nhiên, hiện tượng này đã thay đổi bắt đầu từ lễ kỷ niệm 90 năm thành lập ĐCSTQ vào tháng 7/2011. Danh sách các lãnh đạo tham dự điển lễ được bắt đầu bằng các Ủy viên Ban thường Bộ chính trị đương nhiệm, sau đó là Ủy viên Bộ chính trị, cuối cùng là các Ủy viên Ban thường vụ lão thành như Tống Bằng, Chu Dung Cơ, Lý Thụy Hoàn, Tống Bình v.v...

Ngoài ra, việc phân biệt giữa các lãnh đạo đương nhiệm với các lãnh đạo đã nghỉ hưu sẽ được nhận diện bằng chữ "và".

Ví dụ, trong danh sách lãnh đạo tham dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập ĐCSTQ, sau tên Phó Chủ tịch Chính hiệp đương nhiệm Vương Chí Trân - quan chức cấp cao đương nhiệm được xếp cuối cùng trong danh sách là chữ "và", tiếp theo là nguyên Ủy viên Bộ chính trị trung ương Đinh Quan Căn, sau đó là loạt nguyên Ủy viên Bộ chính trị khác cũng như nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Quốc vụ viện v.v...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại