Vì sao có quá ít máy bay B-52 bị MiG-21 Việt Nam bắn rơi?

Hà Dũng |

Không quân Việt Nam với MiG-21 huyền thoại chỉ bắn rơi 2 chiếc B-52 và khiến 1 chiếc khác bị thương.

Thắng lợi của lực lượng phòng không-không quân Việt Nam trên bầu trời miền Bắc trước lực lượng không quân Mỹ hùng hậu đã trở thành một biểu tượng lịch sử hơn 40 năm nay.

Theo số liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tổng cộng 68 máy bay B-52 đã bị bắn rơi ở Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều vẫn luôn khiến nhiều người băn khoăn đó là số máy bay B-52 do lực lượng không quân bắn rơi chỉ vẻn vẹn có 2 chiếc và làm bị thương 1 chiếc.

Con số này phải chăng hơi ít ỏi khi mà lực lượng không quân tiêm kích Việt Nam với những chiếc MiG-21 đã trở thành một huyền thoại trong thế kỷ 20?

Chúng ta hãy thử phân tích để tìm xem những nguyên nhân nào đã khiến MiG-21 gặp khó khăn trong nhiệm vụ hạ gục B-52.

Khiêu vũ giữa bầy sói

B-52 được coi là con át chủ bài của Không quân Mỹ. Với B-52, Mỹ tuyên bố sẵn sàng đưa "miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá" và hy vọng "dập tắt ý chí chiến đấu của quân và dân Việt Nam" hòng xoay chuyển tình thế.

Để đạt mục tiêu làm chủ bầu trời miền Bắc, Không quân Mỹ tiến hành trinh sát, do thám, đánh phá liên tục. Cùng với hệ thống radar, trận địa phòng không thì các máy bay tiêm kích của Việt Nam chính là một trong những mục tiêu bị săn lùng hàng đầu.

Nhằm bảo toàn lực lượng, chúng ta phải phân tán và bí mật cất giấu nhiều máy bay tại các vị trí bí mật. Các đường băng bị đánh phá, phong tỏa khiến việc sẵn sàng chiến đấu gặp nhiều khó khăn.

Khi tiến hành tập kích, B-52 luôn được cảnh giới và hộ tống bởi nhiều máy bay trinh sát, tác chiến điện tử và tiêm kích hiện đại như EB-66, SR-71, F-4, F-105, F-111…

Công tác bảo vệ, cảnh giới cho B-52 được tiến hành nhiều vòng, đi kèm theo đó là các phương án tác chiến điện tử khiến cho việc tiếp cận, dò tìm mục tiêu của phi công lẫn các khí tài ngắm bắn, đầu dò của tên lửa trở nên hết sức khó khăn. Hình ảnh cánh én MiG-21 giữa vòng vây của kẻ thù có thể ví như khiêu vũ giữa bầy sói.

Vì sao có quá ít máy bay B-52 bị MiG-21 Việt Nam bắn rơi? - Ảnh 1.

B-52 luôn được hộ tống bởi hàng loạt máy bay tác chiến điện tử, tiêm kích và nhiều biện pháp chế áp điện tử

Tuy nhiên, việc được bảo vệ bằng các máy bay và các biện pháp tác chiến điện tử không thể đánh gục được những cánh én huyền thoại MiG-21 Việt Nam.

Bằng các chiến thuật xứng đáng được gọi là "ẩn mình trong mây" hay"giấu mình trong đêm tối" của lực lượng Không quân Việt Nam, các máy bay tiêm kích MiG-21 vẫn có thể bí mật, bất ngờ tiếp cận được với B-52. Điều này cũng xứng đáng gọi là một chiến công ngoài dự tính.

Biến điều không tưởng thành hiện thực

Tìm và tiếp cận được B-52 giữa vòng vây của kẻ thù đã khó nhưng việc tiêu diệt B-52 có thể gọi là không tưởng đối với MiG-21.

Về vũ khí không đối không, MiG-21 được trang bị 2 tên lửa tự dẫn bằng hồng ngoại K-13 và pháo GSh-23 mm.

Pháo GSh-23 mm không khả thi để tiêu diệt B-52 bởi tầm bắn ngắn uy lực nhỏ, nó thường được dùng như một phương án dự phòng hoặc tự vệ ở cự ly cực ngắn.

Để tiêu diệt máy bay B-52 chỉ còn hy vọng sử dụng tên lửa K-13, nhưng nhiệm vụ này cũng gần như là không thể bởi K-13 được Liên Xô tính toán, chế tạo cho nhiệm vụ tiêu diệt các máy bay cỡ nhỏ dạng 1 động cơ. Vì vậy, khi sử dụng để tiêu diệt B-52 sẽ xuất hiện các khó khăn cần phải khắc phục như sau:

Thứ nhất là đầu tự dẫn của tên lửa K-13 nhanh chóng bị mù điều khiển. Nguyên lý của đầu tự dẫn tên lửa K-13 là tự dẫn bằng hồng ngoại, bám theo phát xạ nhiệt của động cơ máy bay.

Khi sử dụng để tiêu diệt B-52, đầu tự dẫn nhanh chóng bị mù (tương ứng với khoảng cách ở xa mục tiêu) do cường độ phát xạ cùng lúc từ 8 động cơ lớn hơn cường độ phát xạ từ các máy bay dạng một động cơ như F-105, F-4...

Điều này có thể hiểu một cách đơn giản như sau: khi cường độ hồng ngoại lớn đến một mức độ nào đó (tương ứng với việc tên lửa đến gần máy bay một khoảng cách nhất định) thì đầu tự dẫn sẽ mất khả năng điều khiển, giai đoạn sau đó tên lửa chuyển động theo quán tính.

Với mục tiêu là B-52, do máy bay có 8 động cơ nên cường độ chiếu xạ sẽ lớn hơn và khoảng cách bị mù sẽ xa hơn, dẫn đến việc điều khiển tên lửa đến mục tiêu B-52 thiếu chính xác hơn.

Vì sao có quá ít máy bay B-52 bị MiG-21 Việt Nam bắn rơi? - Ảnh 2.

Máy bay MiG-21 và tên lửa không đối không K-13

Thứ hai là tầm bắn của tên lửa K-13 quá ngắn, trong khi tầm tự vệ của máy bay B-52 lại khá lớn. Tên lửa K-13 có tầm bắn lớn nhất là 8 km, nhưng tầm bắn hiệu quả chỉ 5 km. Bên cạnh đó cần chú ý để sau khi phóng, MiG-21 thoát khỏi vùng mảnh văng tên lửa K-13 thì khoảng cách ít nhất phải là 1,5 km.

Xét đến khả năng tự vệ của B-52 thì tầm bắn súng máy ở đuôi B-52 là 2 km, đây là vũ khí chuyên dụng để đánh trả các máy bay tiêm kích như MiG-21 khi chúng tiến hành bắn tên lửa tự dẫn bằng hồng ngoại từ phía sau. Ngoài ra còn có các bẫy mồi nhiệt được phóng ra để đánh lừa tên lửa khi B-52 phát hiện được tín hiệu phóng tên lửa.

Như vậy cự ly để phóng tên lửa có thể ở khoảng 1,5 km đến 5 km, đây là khoảng cách rất ngắn khi cơ động động với vận tốc cao.

Trong khoảng thời gian có thể gọi là "khoảnh khắc vàng" đó thì phi công phải thực hiện rất nhanh các hành động sau: cơ động tiếp cận, ngắm để tên lửa nhận mục tiêu, lấy tư thế phóng mục tiêu, cơ động thoát khỏi các biện pháp chặn đánh, tự vệ của đối phương và tránh lao vào khối sắt khổng lồ là B-52, cũng như các mảnh văng của tên lửa.

Thứ ba là đầu nổ của K-13 không đủ để hạ gục B-52. Nguyên lý hoạt động của đầu nổ tên lửa K-13 trọng lượng 11,3 kg là khi cường độ phát xạ hồng ngoại đạt đến mức tới hạn (tương ứng là tên lửa đã đến gần động cơ một khoảng cách nhất định) sẽ kích hoạt đầu nổ.

Các mảnh văng sẽ phá hoại các thiết bị ở động cơ hoặc phần thân gần động cơ, từ đó dẫn đến hỏng hóc dây chuyền và khiến máy bay bị rơi. Nếu mục tiêu là các máy bay một động cơ như F-105, F-4 thì cự ly nổ và các mảnh văng của tên lửa K-13 đủ sức hạ gục chúng.

Tuy nhiên, khi mục tiêu là B-52, cự ly phát nổ sẽ ở xa hơn nên uy lực sát thương đã bị giảm sút nhiều, có khi không đủ phá hoại máy bay. Trong khi đó, máy bay B-52 là loại máy bay khổng lồ, thậm chí bị hỏng một vài động cơ vẫn có thể duy trì hoạt động.

Để tăng mức độ phá hủy có thể sử dụng phương án phóng liên tiếp 2 tên lửa. Nếu hai tên lửa này đều phát nổ gần một động cơ nhất định thì phần cánh và hệ thống nhiên liệu, điều khiển gần động cơ đó có thể bị phá hủy hoàn toàn và khi đó B-52 mới chấp nhận bị hạ gục.

Nhưng câu chuyện hề đơn giản như vậy, khi phóng hai tên lửa liên tiếp thì rất có thể 2 tên lửa nhận mục tiêu riêng của mình là 2 động cơ khác nhau thậm chí 2 động cơ đó có thể nằm cách xa nhau ở hai bên cánh khác nhau.

Chỉ có thể cơ động theo một hướng phù hợp, với vận tốc và giãn cách phóng cực chuẩn xác mới tạo được nên kỳ tích hạ gục B-52.

Vì sao có quá ít máy bay B-52 bị MiG-21 Việt Nam bắn rơi? - Ảnh 3.

Những không quân anh hùng của Không quân Việt Nam cùng MiG-21 đã tạo nên những kỳ tích trong cuộc chiến với Không quân Mỹ.

Từ những phân tích trên chúng ta mới thấy rằng, dùng MiG-21 bắn rơi B-52 là một điều gần như không tưởng. Có lẽ chính vì vậy mà Mỹ đã tự tin nói với các phi công lái B-52 rằng, chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam chỉ đơn giản là "cuộc dạo chơi trên bầu trời Hà Nội".

Nhưng với sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và tài năng tuyệt vời, các phi công Việt Nam đã biến điều không tưởng thành hiện thực. Với 2 chiếc B-52 bị bắn rơi, 1 chiếc B-52 bị thương, đó không hề là con số khiêm tốn mà thực sự là chiến công thuộc loại "kỳ tích trong thế kỷ 20" của Không quân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại