Điều bất ngờ về những thiết bị "cổ lỗ" của tàu ngầm Kilo 636 VN

Hà Dũng |

Trên những cỗ máy hết sức hiện đại như tàu ngầm Kilo 636 thì những thiết bị, công nghệ truyền thống có vẻ cổ lỗ vẫn hiện diện một cách phổ biến.

Nhưng, đừng coi thường chúng!

Kilo 636 mà Việt Nam đang sở hữu là một tổ hợp hiện đại và phức tạp. Được áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất của khoa học thủy động lực học, cơ khí, tự động hóa, hóa học, vật liệu… Tuy nhiên đứng ở một góc độ nào đó, những công nghệ, thiết bị tưởng chừng cổ lỗ vẫn tồn tại và chiếm vị trí quan trọng trong một cỗ máy hiện đại như Kilo 636.

Từ lớp vỏ xù xì và thô kệch

Trước hết nhìn vào lớp vỏ, nếu nhìn từ xa bề ngoài của Kilo 636 khá hoàn hảo. Màu sơn đen nhánh giúp cho tàu ngầm nổi bật trên nền nước biển xanh và hoàn toàn hòa lẫn với bóng tối trong lòng nước sâu. Tuy nhiên nếu có cơ hội được nhìn gần, lớp vỏ khá xù xì với những nếp gợn của ngói cách âm làm bằng vật liệu đàn hồi.

Đặc biệt nếu có cơ hội vào bên trong, như hầu hết các tàu ngầm khác lớp vỏ sẽ khiến chúng ta đôi chút thất vọng. Nó hoàn toàn xù xì như kiểu các chi tiết đúc thủ công trong khuôn cát mà chưa được xử lý. Hẳn trước đó chúng ta hình dung đã là những tổ hợp hiện đại thì bề mặt phải sáng bóng như thép inox.

Tất nhiên lớp vỏ xù xì hoàn toàn là một chủ đích khi thiết kế, nó giúp cho các âm thanh bên trong thân tàu nhanh chóng bị hấp thụ, giảm tiếng vang ra bên ngoài từ đó làm giảm khả năng bị phát hiện bởi các thiết bị sonar của đối phương. Giải pháp này cũng tương tự như bức tường trong các phòng hát karaoke, vũ trường…

Điều bất ngờ về những thiết bị cổ lỗ của tàu ngầm Kilo 636 VN - Ảnh 1.

Lớp vỏ xù xì của tàu ngầm khiến chúng có vẻ "kém hiện đại"

Thiết bị từ thời xa xưa

Kính tiềm vọng là dụng cụ đã có từ rất lâu, thậm chí trước tàu ngầm rất nhiều. Cộng thêm một nhược điểm khi sử dụng kính tiềm vọng là tàu ngầm phải nổi lên sát mặt nước và phơi mình trước các thiết bị trinh sát của đối phương. Hẳn có nhiều người đã đặt câu hỏi khi mà kỹ thuật radar, sonar… đã đạt đến trình độ hiện đại thì có cần đến một thiết bị như kính tiềm vọng để làm gì?

Trái lại với suy nghĩ đó, kính tiềm vọng tiếp tục hiện diện ngay cả trên những tàu ngầm mới nhất. Tất nhiên bên cạnh việc quan sát bằng mắt người là chủ yếu thì kính tiềm vọng hiện đại còn có thêm các kênh nhìn đêm hoặc xử lý, lưu giữ hình ảnh khác.

Điều bất ngờ về những thiết bị cổ lỗ của tàu ngầm Kilo 636 VN - Ảnh 2.

Kính tiềm vọng luôn có mặt trên tất cả các loại tàu ngầm dù đã ra đời từ rất lâu

Sự hiện diện của kính tiềm vọng giải quyết các vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, quan sát bằng kính tiềm vọng là biện pháp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất khi tàu ở trạng thái nổi.

Thứ hai, các thiết bị điện tử hiện đại không đủ tin cậy bằng việc quan sát bằng mắt. Dù có những xử lý, phân tích của các thiết bị trinh sát hiện đại như radar, sonar, thiết bị dò từ tính đi kèm với đó là các cơ sở dữ liệu về mục tiêu để giúp xác định được chính xác đối tượng và các thông số của đối tượng.

Nhưng có lẽ con người chưa hoàn toàn tạo ra được các thiết bị đủ độ tin cậy để loại bỏ hoàn toàn sai số do thiết bị, môi trường, thời tiết thay đổi. Chưa kể các biện pháp tác chiến điện tử của đối phương có thể được áp dụng để đánh lừa. Do vậy không gì tin cậy bằng việc nhìn thấy một lần đối tượng là có thể biết được mục tiêu loại gì, di chuyển như thế nào…

Thứ ba, kính tiềm vọng có thể cập nhật lại tọa độ hiện tại của tàu và hiệu chỉnh các thiết bị định vị trên tàu. Tàu ngầm hầu hết được định vị bằng hệ thống các con quay do đó luôn có sai số nhất định, sai số này được tích lũy theo thời gian (gọi là độ dạt của con quay).

Do đó sau một quãng thời gian nhất định tàu ngầm phải nổi lên, sử dụng kính tiềm vọng để quan sát các điểm mốc từ đó hiệu chỉnh lại tọa độ hiện tại của tàu và hiệu chỉnh lại thiết bị.

Điều bất ngờ về những thiết bị cổ lỗ của tàu ngầm Kilo 636 VN - Ảnh 3.

Chỉ một cái nhìn qua kính tiềm vọng có thể biết khẳng định chính xác loại mục tiêu và các thông số cơ bản của nó để có thể đưa ra quyết định chính xác nhất

Vận hành bằng tay là chủ yếu

Những cỗ máy hiện đại nhất thường chỉ vận hành bằng các nút bấm và theo dõi bằng các màn hình LCD nhỏ gọn, sắc nét. Tuy nhiên điều này có lẽ không hoàn toàn đúng với tàu ngầm như Kilo. Thậm chí còn theo chiều hướng ngược lại, nếu thiết bị nào có thể vận hành thủ công được thì áp dụng thủ công, thiết bị hiển thị nào không cần màn hình thì bỏ màn hình.

tàu ngầm Kilo, nếu thống kê loại thiết bị vận hành nào xuất hiện nhiều nhất thì có lẽ chính là các van khí, van dầu điều chỉnh hoàn toàn thủ công. Thiết bị hiển thị phổ biển nhất có lẽ là đồng hồ có kim chỉ thị. Thậm chí đồng hồ áp suất và van điều chỉnh còn xuất hiện trong cả hệ thống xả toilet.

Điều bất ngờ về những thiết bị cổ lỗ của tàu ngầm Kilo 636 VN - Ảnh 4.

Một bức ảnh bên trong tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam với hàng loạt các van vận hành thủ công và các đồng hồ hiển thị

Đó hoàn toàn là những thiết kế mang tính chủ đích bởi các lý do sau:

Thứ nhất, vận hành thủ công luôn có độ tin cậy cao hơn các hệ thống tự động. Bởi vận hành thủ công không phải qua các khâu chuyển đổi trung gian khác. Khi càng nhiều khâu trung gian thì xác suất hỏng và sai số càng lớn. Tương tự như vậy các đồng hồ hiển thị sẽ cho kết quả nhanh và chính xác hơn.

Thứ hai, như cách nói vui của người Việt Nam "càng hiện đại thì hại điện". Trên tàu ngầm dạng diesel- điện như Kilo thì năng lượng là thứ cực kỳ quí giá. Các hệ thống vận hành thủ công và hiển thị dạng cơ khí hoàn toàn không mất chút năng lượng nào điều đó giúp tàu ngầm có thể hoạt động được lâu hơn.

Thứ ba, việc bảo dưỡng các hệ thống điện tử tự động khá phức tạp và tuổi thọ và độ ổn định của các hệ thống tự động hóa trong môi trường có hơi nước biển không thực sự cao.

Thứ tư, các hệ thống tự động có thể bị đối phương phá hủy. Nhất là trong thời đại chiến tranh công nghệ cao bằng điện từ hiện nay.

Điều bất ngờ về những thiết bị cổ lỗ của tàu ngầm Kilo 636 VN - Ảnh 5.

Không có hệ thống tự động nào tin cậy bằng con người (Ảnh minh họa: Thủy thủ tàu ngầm Nga)

Khi gỗ ăn đứt titan

Và cuối cùng để thêm tính thuyết phục nữa cho góc nhìn Kilo 636 với những công nghệ lạc hậu là trục chân vịt bằng gỗ. Ở thời đại mà hàng loạt vật liệu mới được con người tạo ra có độ cứng cao như composite hạt, titan, kim cương nhân tạo… thì sự xuất hiện của gỗ trong tàu ngầm Kilo 636 là một bất ngờ nhỏ khá thú vị.

Tất nhiên gỗ không thể có độ bền tương đương như các hợp kim được, kể cả nó là gỗ lignum vitae để làm chân vịt tàu ngầm Kilo 636. Đặc tính quan trọng nhất của gỗ đó chính là tính hấp thụ va đập và dập tắt dao động lan truyền vượt trội so với kim loại trong khi khối lượng nhỏ hơn.

Nhờ đặc tính này mà gỗ hiện nay cũng được lựa chọn để làm tà vẹt trên các cầu đường sắt do không thể có lớp đá dăm để hấp thu tải trọng động và dập tắt dao động.

Thiết kế thú vị trục chân vịt bằng gỗ giúp cho động cơ tàu ngầm Kilo trở nên hết sức êm ái và xứng với biệt danh "hố đen" trong lòng đại dương.

Điều bất ngờ về những thiết bị cổ lỗ của tàu ngầm Kilo 636 VN - Ảnh 6.

Trục chân vịt được chế tạo bằng gỗ là một điểm khá thú vị của Kilo 636 Việt Nam

Rõ ràng khoa học càng phát triển, các thiết bị tự động hóa ngày càng được ứng dụng trong mọi lĩnh vực kể cả quân sự.

Nhưng có lẽ chưa có loại máy móc nào đủ tin cậy bằng con người do đó ở đâu đó trên những cỗ máy hết sức hiện đại như tàu ngầm Kilo 636 Việt Nam thì những thiết bị, công nghệ truyền thống có vẻ hơi lạc hậu vẫn tiếp tục hiện diện và con người vẫn luôn đóng vai trò quyết định sức mạnh của vũ khí trang bị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại