Vì sao châu Á trải qua tháng tư nóng kỷ lục?

Quang Duy - Văn Sơn |

Những ngày tháng tư này, nhiều quốc gia châu Á đang trải qua đợt nắng nóng khủng khiếp, với rất nhiều kỷ lục về nhiệt độ bị phá.

Theo dõi bản đồ nhiệt một số ngày trong tháng tư cho thấy màu đỏ sẫm thể hiện nền nhiệt từ 38 đến hơn 40 độ, bao phủ hơn chục quốc gia từ Nam Á sang Đông Nam Á.

Trong ngày 22/4, nhiệt độ tại nhiều vùng ở Thái Lan và Myanmar dao động từ 38-42 độ C, một số khu vực lên tới 45 độ, cao kỷ lục chưa từng có.

Khu vực Tây Bengal của Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ lên tới 43,7 độ C, nhiệt độ ở nhiều bang khác cũng tăng vọt trên mốc 40 độ C trong tháng 4. Chính quyền Tây Bengal đã kêu gọi đóng cửa trường học, hoặc cho học sinh nghỉ buổi chiều để tránh cái nóng gay gắt.

Nhiệt độ ở Bangladesh và một số khu vực phía Nam Trung Quốc cũng lập mức cao kỷ lục. Theo các chuyên gia khí tượng, có một số nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy ở khu vực châu Á. Nguyên nhân thứ nhất được cho là do sự xuất hiện của một khối khí nóng và dải áp suất cao kéo dài từ vịnh Bengal đến biển Philippines, tạo ra một mái vòm nhiệt, giữ không khí nóng ở thấp dưới mặt đất, đẩy nhiệt độ bề mặt lên cao.

Vì sao châu Á trải qua tháng tư nóng kỷ lục? - Ảnh 1.

Nguyên nhân thứ hai là hiệu ứng đô thị. Đáng chú ý, giới chức Thái Lan cảnh báo hiệu ứng đô thị, ánh nắng mặt trời chiếu xuống làm nóng các bề mặt tường, bê tông, mặt đường. Sau khi thu nhận bức xạ lớn từ Mặt trời, nó sẽ chuyển đổi lại thành năng lượng nhiệt tỏa lại môi trường, làm gia tăng nhiệt độ. Hiệu ứng đô thị khiến cho cảm giác nắng nóng tại Bangkok lên tới mức 54 độ C, cảm giác nóng như thiêu đốt, mức nhiệt cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Ông Matthew Capucci - Nhà khí tượng học: "Sẽ có những năm thời tiết mát hơn, có năm thời tiết oi nóng hơn. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, các đợt nắng nóng đang xảy sớm hơn và nghiêm trọng hơn do hoạt động của con người thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu".

Các nhà nghiên cứu khí tượng cũng cảnh báo, tình hình nắng nóng có thể còn diễn biến nghiêm trọng hơn nữa do sự trở lại của hiện tượng El Nino, có thể khiến nhiệt độ năm 2023 hoặc năm 2024 tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại