Vì sao Bhutan giữ im lặng bất thường, mặc Trung-Ấn leo thang căng thẳng?

Thủy Thu |

"Bhutan đã tránh ngọn lửa được phun ra từ 'rồng' Trung Quốc ở phía Bắc và né được cái ngà của 'voi' Ấn Độ ở phía Nam", phóng viên cấp cao Bhutan bình luận.

Ngày 13/7, tờ First Post (Ấn Độ) cho biết, binh lính Ấn Độ đã hoàn thành hệ thống lều bạt cạnh biên giới Sikkim trong bối cảnh tranh chấp Trung-Ấn leo thang căng thẳng.

Trước đó, ngày 12/7, tờ India Today dẫn nguồn tin cấp cao trong chính phủ Ấn Độ tiết lộ, New Delhi đang gấp rút thu mua đạn dược và trang thiết bị vũ khí dự phòng nhằm sẵn sàng cho cuộc đối đầu có thể xảy ra.

Động thái này chứng tỏ tranh chấp biên giới Trung-Ấn hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đáng chú ý hơn, trong bối cảnh Trung-Ấn đều tăng cường lực lượng tại khu vực tranh chấp thì Bhutan - nhân tố liên quan lại chọn cách "giữ im lặng".

Trước đó, Bhutan đã gửi công hàm ngoại giao, kêu gọi Bắc Kinh phục hồi nguyên trạng khu vực Donglang (hay Ấn Độ gọi là Doka La, Bhutan gọi Dokalam). Hiện một dự án làm đường đang được Trung Quốc triển khai tại khu vực tranh chấp gần điểm giao nhau của biên giới Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc.

"Trung Quốc xây dựng đường xá trong lãnh thổ Bhutan đã vi phạm thỏa thuận chung và ảnh hưởng tới quá trình phân chia ranh giới giữa hai nước. Bhutan hy vọng Trung Quốc sẽ đưa khu vực Donglang/Dokalam trở về nguyên trạng như trước ngày 16/6/2017", công hàm ngoại giao Buhtan nêu rõ.

Tuy nhiên, ngoài phản ứng trên, Bhutan lại một mực giữ thái độ im lặng một cách bất thường trong suốt thời gian qua.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc liên tục cảnh cáo Ấn Độ, phản đối New Delhi "ra mặt" thay Bhutan trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã từng cảnh báo rằng, Bắc Kinh luôn có quyền quản lý tư pháp với khu vực Donglang/ Dokalam, Trung Quốc - Bhutan có đồng thuận chung về vấn đề này.

Song song với tuyên bố của Bắc Kinh, Ấn Độ lại khẳng định sẽ không rút lui bởi Bhutan đã yêu cầu New Delhi giúp đỡ trong cuộc đối đầu này.

Ông Tenzing Lamsang - phóng viên cấp cao của Bhutan lý giải, Bhutan giữ im lặng là do nước này không muốn bị kẹp giữa Trung-Ấn khi chiến tranh xảy ra và Bhutan không muốn trở thành "bao cát" của Trung-Ấn.

"Bhutan đã tránh ngọn lửa được phun ra từ 'rồng' Trung Quốc ở phía Bắc và né được cái ngà của 'voi' Ấn Độ ở phía Nam. Bhutan có đủ lý do để giữ im lặng", ông Lamsang bình luận.

Ngoài ra, tờ Hindustan Times (Ấn Độ) cho hay, truyền thông Bhutan cũng luôn giữ thái độ thận trọng về vấn đề này. Theo đó, họ chỉ đưa thông tin sự việc chứ không đưa bất cứ bình luận nào.

Chuyên gia phân tích vấn đề Nam Á Vishal Arora cho rằng, Bhutan được coi là nước láng giềng thâ thiết nhất của Ấn Độ, trong khi Trung Quốc dường như đang thăm dò sự phụ thuộc về an ninh biên giới của Bhutan với Ấn Độ. Nói cách khác, Bắc Kinh đang cố gắng nhắc nhở Bhutan rằng, Trung Quốc mạnh hơn nhiều so với New Delhi.

Ông Arora nhận định, việc lãnh đạo Bhutan chọn sự im lặng bởi thứ nhất, họ không muốn "đối trọng với ảnh hưởng của Ấn Độ"; thứ hai, họ đã rút được bài học từ việc Nepal yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ trong đối đầu New Delhi.

Hơn nữa, Báo cáo chính trị và an ninh toàn cầu mới đây của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc chỉ ra, hiện Bhutan chỉ có 8,000 quân nhân nên nước này sẽ yếu thế hơn so với hai nước láng giếng Trung-Ấn. Do đó, Bhutan cần giữ thận trọng nhằm tránh "chọc giận" hai nước lớn láng giềng.

Tình trạng căng thẳng Trung-Ấn bắt đầu từ ngày 16/6 khi Bắc Kinh triển khai xây dựng một con đường ở khu vực tranh chấp mà Bhutan cũng tuyên bố chủ quyền. Đặc biệt, lần này Bhutan đã nhờ tới sựtrợ giúp của Ấn Độ, đưa quân tới khu vực tranh chấp.

Mới đây, Ấn Độ đã tăng cường thêm 2,500 lính tới biên giới Trung-Ấn; trong khi Trung Quốc được cho đang tìm cách xây dựng một 'tuyến đường hạng 40' tại cao nguyên Donglang/Doka La/Dokalam- tuyến đường có thể chịu được tải trọng của các phương tiện quân sự nặng tới 40 tấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại