Bầu Đức không có bằng Đại học nhưng hơn 10 nghìn cử nhân đã và đang làm việc cho ông chủ CLB HAGL. Một mẩu chuyện để thấy rằng mọi thứ phải gắn liền với giá trị thực tế, phá thì dễ nhưng xây rất khó...
1. “Tôi không có bằng Đại học nhưng có khoảng 10 nghìn cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc…”.
Câu trả nổi tiếng gây chấn động cả bóng đá Việt Nam của bầu Đức trên Saostar thực sự mang đến những góc nhìn đáng suy ngẫm trong bối cảnh ông chủ CLB bị gạt khỏi VFF vì tiêu chí bằng cử nhân.
Lúc đó, Cựu phó Tổng thư ký VFF - Dương Nghiệp Khôi nói: “Anh Ba Đức là người tài giỏi. Ai cũng biết anh ấy đi lên từ 2 bàn tay trắng và không có bằng Đại học.
Tôi nhấn mạnh, bóng đá Việt Nam cần người tài giỏi, có tâm và có tầm, dám nghĩ dám làm như anh Đức. Còn bằng cấp, nó không quan trọng với một người như anh ấy”.
Bầu Đức gạt tình rời VFF, cương quyết đấu VPF với vụ bầu Tú ngồi nhiều ghế. Không chỉ là nỗi buồn cho ông chủ CLB HAGL, đó là nỗi buồn cho hàng triệu người hâm mộ. Bầu Đức nghỉ xem như bóng đá Việt Nam mất đi một người tâm huyết phản biện những cai sai. Sự thật đó bây giờ phơi bày ra trước mắt…
Bầu Đức là người có tâm huyết với bóng đá Việt Nam.
2. Bầu Đức nghỉ rồi, bóng đá Việt Nam tốt lên chưa? Nhìn từ mọi góc độ thì đáng buồn. Sân chơi V.League nở rộ bạo lực. Những tấm thẻ đỏ liên tục xuất hiện, các màn đá bóng như diễn võ xuất hiện, CĐV đốt pháo sáng như trò đùa…
Đáng nói, bóng đá Việt Nam đang yếu kém từ mọi mặt. Sân chơi V.League đang bất lực với bạo lực, sự xấu xí. Trọng tài yếu kém đến mức khó tin. Cầu thủ, HLV sẵn sàng nhảy vào sân…
Ban kỷ luật VFF vừa ra án cấm cầu thủ. Câu chuyện chưa ráo mực thì Ban khiếu nại giảm án. Hài hước là CLB chủ quản của cầu thủ cũng ngơ ngác như nai vàng đạp lên lá vàng khô, vì không hiểu sao lại như thế.
Chỉ có vài vòng đấu đầu tiên của V.League, bóng đá Việt Nam xuất hiện quá nhiều chuyện theo chiều hướng xấu đi. Nỗi lo là bóng đá nước có thể trở lại bản ngã của 5 năm trước, tức cảnh chợ chiều với sân chơi V.League.
3. Nhìn cảnh bóng đá Việt Nam đang có dấu hiệu bất lực với bạo lực, nở rộ sự xấu xí, liệu bầu Đức có buồn?
Sở dĩ có câu hỏi trên, vì bầu Đức chính là “kiến trúc sư” đưa bóng đá Việt Nam bước ra khỏi vùng tối kể từ khi cho ra đời lứa Công Phượng (cuối năm 2013). U19 HAGL thổi lên luồng sinh khí mới cho bóng đá nước nhà với sự yêu mến tột cùng của người hâm mộ.
Định nghĩa về bóng đá đẹp cũng lần đầu xuất hiện. Bầu Đức góp phần quan trọng với việc chấn chỉnh qua những tuyên bố: Đá xấu, đá láo sẽ đuổi thẳng cổ…
Câu chuyện bóng đá bạo lực, xấu xí giảm đến mức thấp nhất kể từ lúc trung vệ trẻ Hoàng Văn Khánh bị bầu Đức cho nhà, sau tình huống đá xấu ở U19 Việt Nam.
Bầu Đức đâu chỉ góp phần tìm lại tình yêu cho bóng đá Việt Nam hay bài trừ thói xấu, ông chủ CLB HAGL còn điểm mặt các trọng tài bắt bậy, bắt sai. Bầu Đức khiến cho các “Vua sân cỏ” khiếp vía, không dám thổi bậy. Bầu Đức dám một mình “cân” cả VFF, VPF để nêu lên cái sai bị che lấp…
Hơn hết, bầu Đức mời ông Park Hang Seo sang giúp bóng đá Việt Nam gặt hái liên tục thành công. Từ sân chơi V.League được chấn chỉnh đến các ĐTQG thành công, bóng đá nước nhà bước vào giai đoạn rực rỡ nhất nhờ công lớn của bầu Đức.
Bây giờ, bầu Đức nghỉ VFF, không còn mặn mà với sân chơi V.League sau những tranh đấu vì danh dự, vì bóng đá Việt Nam. Bầu Đức buồn, chỉ còn muốn cống hiến cho ĐTQG. Bóng đá Việt Nam hóa ra bị thiệt thòi đến mức khó tin trong suốt thời gian.
Trở lại với câu chuyện cũ, bóng đá Việt Nam bây giờ liệu cần người trượt Đại học như bầu Đức, hay cần những người có bằng cấp ngồi mộng ước nâng tầng bóng đá nước nhà?
Thật tiếc cho bóng đá Việt Nam sau nhiều năm được ông chủ CLB HAGL góp phần tái kiến thiết thì… chẳng biết giữ gìn. Cứ đặt ra những điều kỳ lạ mà không cần nhìn chiều ngược lại, ví dụ như khi đặt ra quy định cử nhân thì cần hỏi ngược một câu đơn giản: Vì sao bầu Đức không đỗ Đại học nhưng hơn 10 nghìn cử nhân giúp việc?
Phá thì dễ, xây rất khó. Làm sao giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của bầu Đức cho bóng đá Việt Nam, thực sự đáng suy ngẫm!