1. Hỏi mới biết, sau giải đấu thất bát, cả đội chỉ được thưởng có... 1 tỷ đồng chia nhau, HLV gốc Hà Tĩnh quyết định tham gia game show "Thách thức danh hài", hòng kiếm đủ 100 triệu đồng giải thưởng cao nhất để lấy tiền ăn Tết.
Đối diện với hai danh hài Trường Giang và Trấn Thành trên ghế giám khảo, ngay cơ hội đầu tiên, Hữu Thắng mở lời: "Tôi không thiên vị đồng hương". Trường Giang cười sặc sụa. Hai triệu đồng thuộc về HLV trưởng ĐTQG Việt Nam.
Tiếp tục chấp nhận thử thách thứ 2, cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam tâm sự: "Nói cho Trấn Thành biết nhé, trận bán kết lượt đi, hàng thủ mình đá tốt, nhưng hàng công tệ quá, chỉ cần ghi có 2 bàn thôi là hòa rồi, rứa mà cũng không làm được". Trấn Thành cười phụt cả răng ra ngoài, chấm triệu like. Hữu Thắng có 10 triệu trong tay.
"Công Vinh nó bảo Indonesia đá chả ra quái gì cả, chỉ cần thắng 1-0 nhẹ nhàng ở Mỹ Đình là Việt Nam mình vào chung kết thôi". Cả Trấn Thành lẫn Trường Giang ôm bụng cười nắc nẻ. Số tiền HLV Hữu Thắng sở hữu đã lên 20 triệu đồng.
"Trường Giang, tôi thoáng nghĩ là có lẽ mình nên từ chức", Trường Giang vừa cười vừa vái Hữu Thắng: "Con xin bố!". Số tiền thưởng đã là 40 triệu.
Chỉ còn một thử thách cuối. HLV Hữu Thắng đanh mặt, gườm mắt nhìn thẳng Trấn Thành: " Cần phải có hình thức kỷ luật những hành vi như đánh nguội, vào bóng thô bạo hay gây phản cảm trong trận đấu". Cả hai giám khảo vừa cười, vừa đập đầu bôm bốp xuống bàn. MC Ngô Kiến Huy ôm bụng cười, trượt chân ngã từ trên bục cao xuống.
2. Dĩ nhiên, những gì bạn đọc được ở phía trên chỉ là kịch bản siêu tưởng, nhưng người viết chẳng thể ngậm được miệng khi đọc được thông tin cuối cùng, về chuyện HLV Hữu Thắng tuyên chiến với đá thô bạo, đá láo.
Ai là người bênh Đình Đồng, Quế Ngọc Hải khi cầu thủ này đá gãy chân cầu thủ đội bạn, đăng đàn phản đối VFF khi "quân" của mình bị án phạt? Ai huấn luyện SLNA khi CLB này nổi đình đám V-League với lối đá thô bạo, chặt chém, như Huy Hoàng vào bóng láo với Hoàng Vũ Samson, chưa kịp đưa đối phương lên cáng đã phải nhập viện khẩn cấp.
Pha vào bóng triệt hạ của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa
Ai là người xin giảm án cho Văn Quyết - lĩnh án vì xô trọng tài? Ai là người xin giảm án cho Quế Ngọc Hải, với lý do đội tuyển cần người, để rồi Hải "Quế" vẫn chứng nào tật nấy, đá giao hữu vẫn tiễn cầu thủ Nhật ra khỏi sân bằng xe cứu thương sau cú vào bóng rợn người?
Hỏi, tức đã là tự trả lời.
Dẫu sao, cũng chưa hài hước bằng cái cách mà VFF đồng ý với Hữu Thắng việc tăng nặng các hình thức kỷ luật cho các hành vi thô bạo, phản cảm trên sân cỏ V-League.
Nực cười thay, chả nhẽ từ trước đến giờ các tuyển thủ quốc gia đều thi đấu ở nước ngoài, chứ không phải ở V-League, mà đổ cho V-League thô bạo, nên các học trò của Hữu Thắng quen với việc đá thô bạo ở V-League, đem "đặc sản" đấy lên tuyển? Chả nhẽ những tuyển thủ làm nên chiến thắng ở AFF Cup 2008 không đá V-League, nên vừa đá hay, vừa không đá láo?
Quế Ngọc Hải vào bóng ác ý với cầu thủ Nhật Bản.
Rau nào thì sâu đấy, chẳng phải dưới tay Hữu Thắng, đến "lành" như Công Vinh còn đánh nguội đội bạn đấy sao? Chẳng phải Quế Ngọc Hải năm lần bảy lượt đánh người, là do Hữu Thắng dung dưỡng sao? Hai mươi năm trước, chẳng phải Hữu Thắng từng lĩnh thẻ đỏ khi phi cả 2 chân vào "ăn thịt" cầu thủ Lào cũng ở chính Tiger Cup sao?
Chẳng phải sau vòng bảng, khi VFF trao thưởng 1 tỷ đồng cho đội tuyển, tuyệt chẳng ai nhắc đến việc "lính" của Hữu Thắng đá bẩn, đá láo, mà chỉ chăm chăm đến thắng trận thôi sao? Đến lúc thua, lại đổ vấy hết cho học trò?
Hỏi, tức là đã tự trả lời.
3. Trong bóng đá, thắng thua là chuyện thường tình, nhưng luôn miệng bênh học trò, nhận trách nhiệm về mình, đến khi tổng kết lại lôi các cầu thủ ra làm "bia đỡ đạn" như Hữu Thắng, như VFF thì quả là "khó đỡ".
Trong suốt 7 trang báo cáo giải trình về thất bại tại AFF Cup 2016, trong 5 nguyên nhân cơ bản khiến đội tuyển Việt Nam không thể vào được chung kết, đáng chú ý là cả 5 nguyên nhân đều liên quan đến cầu thủ, và không có nguyên nhân nào xuất phát từ trình độ chuyên môn hay cách vận hành đội tuyển của HLV trưởng.
Năm nguyên nhân cơ bản cho thất bại của ĐTQG ở AFF Cup 2016
1. Trong hai tuần tập huấn tại Hàn Quốc, đội có 3 trận giao hữu là phù hợp nhưng đáng tiếc là 3 đối tượng cọ xát không thật sự đủ mạnh khiến cầu thủ chưa có sự nỗ lực vượt bậc.
2. Tại trận đấu mang tính chất sống còn với đội tuyển Indonesia, khả năng tận dụng cơ hội ghi bàn không tốt, cộng với sự thiếu may mắn ở thời điểm quyết định nên dẫn đến bất lợi về thế trận trong suốt trận bán kết lượt về trên sân nhà Mỹ Đình. Khả năng kiểm soát trận đấu thiếu sự ổn định.
Đội có các cầu thủ sút phạt tốt nhưng tại giải lần này, không ghi được bàn nào từ các quả phạt trực tiếp. Hạn chế của đội tuyển còn ở chỗ những quả sút xa không có uy lực. Trong phòng thủ, đội bộc lộ nhiều sai sót ở kèm người, đối đầu 1 chống 1, bọc lót, thông tin cho nhau trên sân, chưa tự làm chủ và chỉ huy đồng đội vượt qua giai đoạn khó khăn của trận đấu.
3. Một vài cầu thủ không có sự vững vàng tâm lý cần thiết trong một số giai đoạn quan trọng của trận đấu, dẫn đến sai số thua bàn, mất người, sứt mẻ lực lượng. Mặc dù trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho trận bán kết, HLV trưởng Hữu Thắng đã chọn phương pháp tạo sự thoải mái tâm lý, không tạo áp lực nặng nề.
Tuy nhiên trước sức ép phải ghi bàn thắng và thời gian không còn nhiều trong trận bán kết lượt về, cầu thủ đã không giữ được bình tĩnh. Thủ môn Nguyên Mạnh đã trả đũa đối phương sau một pha phạm lỗi của cầu thủ Indonesia và nhận thẻ đỏ. Đây là sai sót có tính quyết định đến phần còn lại của trận đấu.
4. Đội tuyển thiếu một, hai nhân sự quan trọng (do chấn thương) để hoàn chỉnh đội hình cho sự vận hành trong suốt giải đấu.
5. Sự thiếu kinh nghiệm và bất ổn tâm lý của một vài cầu thủ trẻ được xem là xuất sắc, đã khiến họ không đóng góp được nhiều tại AFF Cup như những gì mà chính những cầu thủ này đã làm trong các đợt tập trung trước đó".
Những người soạn 7 trang báo cáo này hẳn mặt phải rất dày, hoặc có một trí nhớ vô cùng tệ, bởi mới có chưa đầy 1 năm trước thôi, cũng chính những con người này đã đổ toàn bộ lỗi lầm lên đầu HLV Miura, để rồi sa thải ông.
Ông trời có mắt, đội tuyển Việt Nam của Hữu Thắng hôm nay lại gặp đúng tình huống như Miura năm nào, khi bị "bán đứng" bởi chính những cầu thủ của mình. Chỉ có điều, ngày ấy lỗi của của Miura, lần này, lỗi là tại cầu thủ.
Chả nhẽ nước mắt Hữu Thắng thì mặn hơn nước mắt Miura, nỗi buồn thất trận của Hữu Thắng đáng cảm thông hơn nỗi buồn của HLV người Nhật.
Tinh thần máu lửa - thứ duy nhất được Hữu Thắng và VFF bám vào để đánh giá rằng đội tuyển Việt Nam đang đi đúng con đường tiến tới thành công thực ra là một liệu pháp "thủ dâm tinh thần" không hơn không kém.
Tinh thần máu lửa là thứ mà những học trò của HLV Alfred Riedl dùng để đả bại thầy trò Hữu Thắng sau hai lượt bán kết đi về, để thắng cả Thái Lan ở trận chung kết lượt đi, chứ chẳng phải thứ khiến các cầu thủ hùng hục lao lên đòi "ăn thua đủ" với đối phương ngay cả khi thiếu người, để rồi phải nhận bàn thua vỡ mặt khi các cầu thủ phòng ngự dâng cao, mở toang lối cho đối phương xông thẳng vào khung thành đội nhà.
Cái tinh thần máu lửa để sau ít phút vỡ òa trên sân Mỹ Đình, các cổ động viên nhà phải lầm lũi cúi mặt rời sân trong thất vọng não nề, nó mông lung như một... trò hề, mông lung như chính tương lai của đội tuyển Việt Nam dưới thời Hữu Thắng vậy...