Theo đài RT hôm 6-2, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, đại diện của ông Guaido tại Mỹ, Carlos Vecchio, cho biết Venezuela muốn hướng tới một nền kinh tế mở, tăng sản lượng dầu của đất nước, trong đó ưu tiên cho khu vực tư nhân khai thác.
Tuyên bố trên của ông Vecchio dường như không gây ngạc nhiên cho giới phân tích. Họ nhận xét rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ ông Guaido – người tự xưng là "tổng thống lâm thời Venezuela" – nhằm mục đích "tiếp cận trữ lượng dầu mỏ của nước này".
Ông Vecchio nói Citgo - nhà máy lọc dầu của Mỹ do Công ty nhà nước Venezuela PDVSA kiểm soát – sẽ không nộp đơn xin phá sản vì điều đó "không cần thiết".
Theo Bloomberg, ông Vecchio đã đề nghị Nhà Trắng xem xét ban hành lệnh hành pháp để bảo vệ Venezuela khỏi các chủ nợ, giống như Mỹ từng làm cho Iraq.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Vecchio còn kêu gọi Nga, vốn ủng hộ Tổng thống Nicolás Maduro, giữ thái độ trung lập để tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ giữa 2 nước trong tương lai.
Các quan chức Washington trước đó không ngần ngại thừa nhận dầu mỏ là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy quyết định hỗ trợ ông Guaido của Tổng thống Donald Trump.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với đài Fox News rằng nếu các công ty Mỹ có thể đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ ở Venezuela, điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt lớn.
Trong một diễn biến liên quan, quân đội Venezuela đã phong tỏa một cây cầu ở biên giới phía Tây để ngăn chặn viện trợ từ Colombia.
Hôm 6-2, 1 tàu chở nhiên liệu và 2 container đã chặn cây cầu Tienditas nối liền 2 nước. Các thành viên thuộc Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Venezuela cũng đang canh gác tại cây cầu.
Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Venezuela cũng đang canh gác tại cây cầu. Ảnh: EPA
Một đoàn xe chở hàng viện trợ do Mỹ quyên góp đã rời khỏi thủ đô Bogotá – Colombia lúc 11 giờ ngày 6-2 và đang đi dọc đường núi quanh co đến TP Cúcuta, Đông Bắc Colombia. Đoàn xe dự kiến tới biên giới Venezuela sớm nhất vào sáng 7-2 (giờ địa phương).
Lãnh đạo phe đối lập Guaido đang tìm cách thúc đẩy viện trợ từ Colombia và Brazil qua biên giới Venezuela nhằm làm suy yếu chế độ của Tổng thống Maduro bằng cách buộc quân đội không tuân theo mệnh lệnh của ông và cho phép xe viện trợ đi qua.
Trong khi Liên Hiệp Quốc cảnh báo các bên không sử dụng viện trợ như một công cụ chính trị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter rằng: "Người dân Venezuela rất cần viện trợ nhân đạo. Mỹ và các quốc gia khác đang cố gắng giúp đỡ nhưng quân đội Venezuela theo lệnh của Tổng thống Maduro đang chặn viện trợ bằng xe tải và tàu. Chế độ Maduro phải cho phép viện trợ đến với người dân".