Chiến thuật nghi binh của lực lượng tên lửa Trung Quốc
Theo nhà phân tích Aaron Jensen tại Đại học chính trị quốc gia, Đài Loan, vai trò của chiến thuật nghi binh trong các hoạt động quân sự từ lâu đã được giới lãnh đạo quân đội và các nhà chiến lược Trung Quốc đề cao. Mặc dù đây đã là truyền thống lâu đời của quân đội Trung Quốc (PLA) nhưng vẫn có một số nghiên cứu gần đây đi sâu tìm hiểu khía cạnh trên.
Theo đó, Trung Quốc xem chiến thuật nghi binh như một thành phần then chốt trong chính sách an ninh quốc gia và hoạch định quân sự và hiện nay, các nhà lãnh đạo của PLA vẫn tiếp tục nhấn mạnh chủ trương sử dụng rộng rãi chiến thuật này. Điều đó thể hiện đặc biệt rõ nét ở cấp chiến thuật, trong đó PLA tích cực triển khai một loạt các phương thức nghi binh.
Mặc dù hầu hết những lần PLA sử dụng chiến thuật nghi binh đều không được công khai nhưng các nguồn tin trong quân đội Trung Quốc, cũng như một số nguồn truyền thông dân sự đã hé lộ góc nhìn nhất định về cách thức PLA triển khai chiến thuật này.
Đặc biệt, với nhiệm vụ là đảm bảo vai trò răn đe hạt nhân, cũng như chịu trách nhiệm vận hành các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa chống tàu, Lực lượng tên lửa Trung Quốc (PLARF) rất chú trọng chiến thuật nghi binh.
PLARF có riêng các đơn vị ngụy trang và kỹ thuật đặc biệt, những đơn vị này sẽ đảm nhận nhiều hoạt động ngụy trang và giả trang. Ngoài các khí tài nghi binh, PLARF thường giả trang các xe mang phóng tên lửa của họ thành các phương tiện dân sự để tránh bị phát hiện.
Xe mang phóng tên lửa đạn đạo DF-21 thường được giả trang thành các xe tải chở nhiên liệu màu xanh dương thường gặp, trong khi xe mang phóng tên lửa DF-10 được giả trang thành các xe tải chở hàng hóa. PLA thậm chí còn gắn thêm tên công ty và số điện thoại liên lạc lên thân xe để tăng thêm mức độ chân thật.
Xe phóng tên lửa DF-21A được ngụy trang của PLARF. Ảnh: CCTV7
Các đoàn tàu quân sự cũng được PLA ngụy trang thành tàu chở khách thông thường để chúng có thể vận chuyển các thiết bị quân sự mà ít có nguy cơ bị phát hiện hơn.
Một chiến thuật khác được PLARF sử dụng để gây bối rối cho lực lượng do thám của đối phương là triển khai một đơn vị binh lính "giả" để đánh lạc hướng.
Trong lúc các đơn vị thật di chuyển hoặc thay đổi vị trí phóng tên lửa, đơn vị "giả" sẽ đồng thời di chuyển nhằm gây nhầm lẫn cho đối phương. Để đảm bảo tính xác thực, các đơn vị "giả" cũng được trang bị các phương tiện chuyên biệt giống như đơn vị thật.
PLARF còn bố trí các thiết bị cũ và lỗi thời ra nơi dễ quan sát để đánh lạc hướng phương tiện do thám của đối phương, trong khi các thiết bị thực được ngụy trang và giấu ở những khu vực khó phát hiện, như ở các vùng đồi núi và rừng rậm.
Lực lượng dân quân địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong những hoạt động ngụy trang và nghi binh hỗ trợ các đơn vị chiến đấu của PLA.
Ngoài việc giúp triển khai khí tài nghi binh và hỗ trợ công tác ngụy trang, các nhóm được cắt cử của lực lượng dân quân còn hỗ trợ che giấu mục tiêu và làm xáo trộn các nỗ lực do thám/tấn công của đối phương bằng cách tạo ra các đám khói lớn, làm hạn chế khả năng tác chiến của các loại vũ khí dẫn đường bằng laser, hay sử dụng bong bóng để gây rối radar của đối phương.
Mỹ và đồng minh đối diện thách thức nghiêm trọng
Khí tài nghi binh từ lâu đã được sử dụng trong các hình thức tác chiến và đã chứng minh được hiệu quả trong hình thái tác chiến hiện đại. Chúng hỗ trợ được nhiều mặt trên chiến trường, cả về tấn công và phòng thủ.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc PLA sử dụng rộng rãi chiến thuật nghi binh sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng cả trong thời chiến lẫn thời bình đối với Mỹ và đồng minh của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chiến thuật nghi binh của PLARF nói riêng và PLA nói chung được dự đoán sẽ gây ra không ít khó khăn cho lực lượng Mỹ và đồng minh trong tình huống xung đột. Ảnh: kknews.cc
Để chuẩn bị cho chiến dịch dùng vũ lực đối với Đài Loan, PLA có thể gây cản trở nghiêm trọng năng lực do thám và cảnh báo của Mỹ-Đài Loan bằng cách sử dụng khí tài ngụy trang để tiến hành các phương thức nghi binh. Những phương thức này có thể làm chậm quá tiến trình ra quyết định của Mỹ, từ đó trì hoãn thời gian phản ứng của lực lượng quân sự Mỹ.
Trong tình huống xung đột, sẽ rất khó xác định và tấn công vị trí các mục tiêu giá trị cao của PLA, như tên lửa đạn đạo của PLARF.
Như đã thấy trong chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991, Mỹ và lực lượng liên minh đạt được rất ít thành công trong việc định vị và phá hủy các xe phóng tên lửa Scud di động của Iraq.
Theo một nghiên cứu hậu chiến tranh của Lầu Năm Góc về chiến dịch đường không ở vùng Vịnh, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy các xe phóng tên lửa Scud di động "thật" [không phải các loại khí tài nghi binh, xe tải hoặc những vật thể khác trông có vẻ như xe phóng Scud] bị phá hủy bởi các máy bay chiến đấu của Mỹ và liên minh.