Theo tạp chí National Interest (Mỹ), ít nhất là cho tới nay, kho tên lửa đa dạng của Đài Loan đã giúp họ đạt được điều đó.
Chìa khóa trong chiến lược răn đe của Đài Loan là chương trình tên lửa. Trung Quốc hiện là mối quan ngại an ninh số 1 của Đài Loan. Hòn đảo này đang làm khá tốt việc vừa duy trì căng thẳng với Trung Quốc ở mức thấp, vừa đảm bảo an ninh bằng cách xây dựng năng lực vũ khí đáng tin cậy.
Các tên lửa của Đài Loan được thiết kế thiên về chức năng phòng thủ, mặc dù những đột phá gần đây cho phép một số loại có thể tấn công vào sâu lục địa Trung Quốc với độ chính xác cao hơn các tên lửa tiền nhiệm.
Hsiung Feng III
Hsiung Feng III là phiên bản mới nhất trong dòng tên lửa Hsiung Feng được phát triển năm 1994 nhằm đối phó năng lực công nghệ và khả năng chiến đấu gia tăng của các tàu chiến Trung Quốc.
Hsiung Feng III là tên lửa siêu thanh sử dụng động cơ nhiên liệu rắn ở giai đoạn đẩy và động cơ ramjet nhiên liệu lỏng ở giai đoạn bay siêu thanh. Do ban đầu được thiết kế là tên lửa chống tàu nên tầm bắn của Hsiung Feng III tương đối hạn chế, ước tính 120-150km.
Tên lửa Hsiung Feng III. Ảnh: missilethreat
Đài Loan không phải mạnh về hạt nhân, do đó Hsiung Feng III chỉ trang bị đầu đạn nổ mạnh loại thông thường hoặc đầu đạn xuyên giáp.
Tuy nhiên, ngòi nổ của Hsiung Feng III khá đặc biệt, đó là một ngòi nổ thông minh, có khả năng điều hướng và giải phóng phần lớn năng lượng nổ khi nhận thấy tên lửa đã bay vào bên trong thân tàu mục tiêu, từ đó gia tăng tối đa thiệt hại gây ra cho đối phương.
Hsiung Feng IIE
Mặc dù có tên na ná dòng Hsiung Feng nhưng Hsiung Feng IIE là một loại tên lửa hoàn toàn khác biệt. Theo các chuyên gia tên lửa, Hsiung Feng IIE có tầm bắn 600km, và "là biến thể duy nhất trong số các biến thể tên lửa hành trình Hsiung Feng được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ tấn công mặt đất".
Hsiung Feng IIE có động cơ đẩy nhiên liệu rắn và động cơ turbojet nhiên liệu lỏng, trang bị đầu đạn nổ mạnh bán xuyên giáp hoặc đầu đạn phân mảnh.
Tên lửa Hsiung Feng IIE. Nguồn: ncist.org
Yun Feng
Tên lửa Yun Feng hiện đang trong quá trình phát triển. Khác với phần lớn các loại khác trong kho tên lửa Đài Loan, Yun Feng được thiết kế từ vai trò ngăn chặn cho tới tấn công các mục tiêu trên bộ, cũng như bên trong lục địa Trung Quốc. Đáng tiếc là hiện có rất ít thông tin công khai về nó.
Tương tự như Hsiung Feng IIE, Yun Feng được cho là mang đầu đạn nổ mạnh bán xuyên giáp hoặc đầu đạn phân mảnh, và dường như có tầm bắn từ 1.200-2.000km.
Một vụ phóng tên lửa Yun Feng của Đài Loan. Nguồn: Army Recognition
Tạp chí Forbes (Mỹ) đánh giá, tên lửa Yun Feng sẽ tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với Trung Quốc. Về lý thuyết, các tên lửa Yun Feng phóng từ Đài Loan có thể tấn công các căn cứ của PLA ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Trong đó, sân bay và các trung tâm chỉ huy sẽ là những mục tiêu có giá trị nhất.
PLA có thể tìm cách phòng thủ trước các đợt tấn công của tên lửa Yun Feng bằng cách bố trí các tổ hợp tên lửa không-đối-đất xung quanh những căn cứ quan trọng nhất, và thực hiện phương pháp áp chế các đơn vị tên lửa của Đài Loan ngay từ trên mặt đất.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, rất khó để tiêu diệt các hệ thống phóng tên lửa cỡ nhỏ và di động khi chúng được ẩn giấu. Trong thời chiến, Đài Loan có thể sẽ phóng được gần như tất cả các tên lửa Yun Feng mà họ có và hầu hết các tên lửa này sẽ đánh trúng một mục tiêu nào đó.